Câu chuyện cổ tích về ngôi trường “trên mây”

(Dân trí) - Cuối năm 2017, thông qua chương trình Wechoice, tôi tình cờ xem được video clip về câu chuyện của 47 thầy giáo ở Tri Lễ. Tôi chỉ biết lặng người đi. Bài hát “Đi học” mà hồi nhỏ tôi vẫn thường hát chẳng hiểu sao khi xuất hiện trọng tình cảnh đó lại mong manh và u buồn tới vậy.

cau chuyen 1.jpg

Cuối năm 2017, thông qua chương trình Wechoice, tôi tình cờ xem được video clip về câu chuyện của 47 thầy giáo ở Tri Lễ. Tôi chỉ biết lặng người đi. Bài hát "Đi học" mà hồi nhỏ tôi vẫn thường hát chẳng hiểu sao khi xuất hiện trọng tình cảnh đó lại mong manh và u buồn tới vậy. Cũng là ngôi trường be bé nằm lặng giữa rừng cây, đồi vắng, suối trong thì thầm… nhưng cái nghèo đói, khó khăn và thiếu thốn của thầy trò tại ngôi trường vùng cao Tri Lễ khiến bài hát trắc trở và mịt mù quá, không biết đoạn đường phía trước của thầy trò sẽ đi về đâu. Tôi lấy cuốn sổ chép vội bài thơ viết cho những đứa trẻ nơi đây: 

"Mưa đổ chiều đông Tri Lễ
Xếp lại trang sách, em về kẻo tối
Thôi gió đừng thổi làm tội
Em tôi vượt đèo, lội suối băng sông
Chân kia ai bế mà bồng
Thương mấy mà thương, giấc mộng em mơ"

cau chuyen 2.jpg

Hành trình đưa những tử tế ngọt lành gặp nhau, rồi cùng dệt nên câu chuyện cổ tích "cõng chữ lên non"

Đầu năm 2017, một thầy giáo đã chia sẻ những hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đời thường của thầy trò ngôi trường không có cô giáo lên facebook. Ngay sau đó, câu chuyện này nhận được sự chia sẻ của nhiều người, thu hút sự chú ý của báo chí và truyền thông.

Tháng 12/2017 câu chuyện 47 thầy giáo trường tiểu học Tri Lễ được đề cử "Nhân vật truyền cảm hứng" trong WECHOICE 2017 - Giải thưởng nhằm tôn vinh những con người có thành tựu, hoạt động truyền cảm hứng; những sự kiện, công trình, sản phẩm có ảnh hưởng tới cộng đồng. Cùng lúc, một thước phim chân thực ghi lại quá trình "cõng chữ lên non" của thầy trò trường Tri Lễ ra mắt, khiến người xem cảm phục.

Tháng 12/2018, câu chuyện lan tỏa nguồn cảm hứng sống của 47 thầy giáo trường tiểu học Tri Lễ được cộng đồng bình chọn là Top 10 nhân vật truyền cảm hứng 2017. Ngay sau đó, rất nhiều "trái tim vàng" đã liên lạc với mong muốn hỗ trợ và đồng hành cùng thầy trò Tri Lễ trong quá trình "cõng chữ lên non"

cau chuyen 4.jpeg

Vốn đã quen với những cơ cực, thế nên tôi đoán các thầy trò trường tri Lễ lại chẳng bao giờ ngờ rằng chỉ sau một vài bức ảnh và những lời chia sẻ về cuộc sống nơi đây lại được nhiều người quan tâm như vậy. Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi câu chuyện "cõng chữ lên non" được biết đến, đây không phải là quãng thời gian quá dài nhưng là nỗ lực miệt mài của rất nhiều con người tiếp tục cắm bản gieo chữ. Tôi và chắc chắn còn nhiều người khác nữa vẫn luôn âm thầm theo dõi từng bước đi của thầy trò Tri Lễ, hy vọng rằng sự hỗ trợ của "những trái tim vàng" sẽ giúp tinh thần hiếu học ở ngôi trường này được giữ vững và phát huy hơn.  

Gom tất cả tình thương về nơi xa xôi, khó khăn

Hơn một năm sau, tôi có cơ hội theo đoàn tình nguyện của dự án "Mặt trời mơ ước" (do Samsung kết hợp cùng với Wedo thực hiện) tới Tri Lễ. Để đến được điểm trường chính chúng tôi phải xuất phát từ trung tâm xã Tri Lễ vòng xuống ngã ba xã Châu Thôn rồi men theo đường núi. Đường nhỏ cheo leo trên triền núi, vừa dốc vừa trơn chỉ cần sơ sẩy hay bất cẩn trong việc điều khiển xe là có thể ngã. Băng rừng lội suối, người lấm lem bùn đất, có đoạn dăm bảy người gắng sức cũng chưa đẩy nổi "con ngựa sắt" vì đất nhão bám đầy. Giờ thì tôi đã hiểu sâu sắc vì sao trong suốt hơn 30 năm thành lập, ngôi trrường này chỉ có các thầy giáo.

cau chuyen 5.jpg

Khung cảnh kỳ vỹ của thiên nhiên Tri Lễ cũng không che đậy nổi cái nghèo đói và khó khăn nơi đây: không đường, không điện, không nước, không sóng điện thoại. Lũ trẻ chân trần, áo quần mỏng manh, nguyên sơ nguyên thủy như cỏ cây hoa lá. Cứ 10 đứa thì phải đến 9 đứa ôm cái bụng ễnh lên vì đói. Bố mẹ thì quanh năm chỉ biết đến ngô, khoai, sắn ở nương rẫy.  

cau chuyen 6.jpg
cau chuyen 7.png

Khi nghe tôi hỏi rằng cái hành trình cắm bản gieo chữ này khó khăn quá sao thầy có thể kiên trì được gần chục năm nay, thầy Nguyễn Trọng Quyền cười nói với tôi thế này:"Nhiều lúc cũng nghĩ tại sao mình phải khổ như vậy, nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười của mấy đứa nhỏ là lại có động lực đi tiếp. Vì mình yêu trẻ con vùng cao như thương chính con mình. Nhiều khi đang soạn bài mà thấy đứa trẻ nào khóc ngoài sân là phải chạy ra liền. Nhiều lúc mình nghĩ nếu đây là con mình thì sao, chúng cũng có quyền được đi học, được biết cái chữ, để cho cuộc đời sau này bớt khổ đi."  

cau chuyen 8.jpg

Trong những ngày gian khó cắm bản gieo chữ, các thầy đã chứng kiến không ít những câu chuyện rơi nước mắt của học trò nghèo, kiên trì tới lớp. Thầy bảo:"Ngoài kia, còn có rất nhiều thầy cô giáo cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về con người lẫn vật chất, nhưng vì sự nghiệp "trồng người" cao cả mà họ cũng đang hy sinh thầm lặng ở những vùng đất xa xôi hẻo lánh trên khắp đất nước Việt Nam. Thấy vậy, sao mà mình đành lòng bỏ được"  

Hành trình cắm bản gieo chữ của các thầy khó khăn là thế nhưng ... "Mẹ ơi, đi học để làm gì?"

Khi mới tham gia vào dự án "Mặt trời mơ ước", tôi có tâm sự với anh trưởng đoàn rằng: "mình theo dự án xây trường, tặng đèn… mong hành trình học chữ của các em đỡ vất vả hơn. Nhưng cái câu nói của cô bé H’Mông trong bộ phim "Theo ánh sáng mà đi" cứ ám ảnh em mãi. "Mẹ ơi, đi học để làm gì?""

Anh ấy nói với tôi thế này:"Đầu tư về tri thức chưa bao giờ là thừa, có thể không trở thành ông nọ bà kia nhưng ít nhất các em sẽ biết trồng cái gì ở đồi trọc, nương rẫy để đủ cái ăn cái mặc hay nuôi con gì để làm giàu. Biết tính toán cơ bản để khi đem đồ xuống chợ bán không bị thua thiệt. Chỉ cần nhìn chúng hồng hào hơn, no ấm hơn, biết bập bẹ vài ba từ tiếng Kinh thôi, cũng sẽ là liều thuốc tinh thần lớn nhất dành tặng anh" 

[Official] WeDo 2018 - Phim ngắn "Theo ánh sáng mà đi" (Short version)

Với hy vọng góp sức thắp sáng lên ngôi trường ước mơ cho thầy và trò tại đây, dự án "Mặt trời mơ ước" do Samsung kết hợp cùng với Wedo thực hiện và khởi động vào tháng 9/2018. Nhưng sự thật thì chúng tôi đã bắt đầu từ khá lâu trước đó, nhiều lần thành viên trong đoàn đến thăm các điểm trường, thăm người dân Tri Lễ để tìm hiểu về hoàn cảnh sống của họ. Vì chỉ có biết được nhu cầu thực sự thì các hoạt động của dự án đưa ra mới thiết thực. Tôi nhớ mãi câu nói của một anh trong đoàn:"Việc giúp đỡ một ai đó không đơn giản chỉ dừng lại ở chuyện cho tiền, tặng quà hay vài câu thăm hỏi. Làm tử tế một cách tử tế, là một con đường dài hơi mà đôi khi phải kéo dài hàng năm trời."  

cau chuyen 10.jpg
cau chuyen 11.jpeg
cau chuyen 12.jpg
cau chuyen 13.jpeg
cau chuyen 14.jpg

Trò truyện với các thầy, chúng tôi phần nào hiểu được sự khó khăn của việc "gieo chữ" ở xã nghèo. Trong trăm sự khó khăn thiếu thốn, vấn đề đèn điện, lớp học tối tăm vẫn là "bài toán khó" bao năm chưa giải được. Là một trong những xã vùng cao của tỉnh Nghệ An, vì thế Tri Lễ được mệnh danh là vùng đất không có mùa hè. Rất hiếm có những ngày nắng ráo, đặc biệt là vào mùa đông, sương mù dày đặc bao phủ toàn bộ khu vực khiến những phòng học vốn đã thiếu ánh sáng nay lại thêm phần tối tăm. Để giải quyết tình trạng "lớp học không mặt trời", Samsung dành 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời trao tận tay thầy trò và nhiều người dân Tri Lễ. Đèn được thiết kế nhẹ, nhỏ, gọn, chống thấm nước và có thể gấp gọn lại. Sau khi sạc, đèn có thể thắp sáng được trong vòng 8 giờ, mang lại nguồn "ánh sáng linh động" phục vụ thiết thực hơn cho việc học tập, di chuyển.  

cau chuyen 9.jpg

Thêm một tin vui nữa đến với thầy trò Tri Lễ, đó là ước mơ về một ngôi trường mới khang trang và kiên cố hơn sắp thành hiện thực. Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án "Mặt trời mơ ước". Ngôi trường này sẽ có 5 lớp học luôn sáng đèn, phòng giáo vụ, phòng nghỉ ngơi cho các thầy, thư viện lấp đầy những cuốn sách hay và sân chơi. Xây trường trên núi, cái gì cũng khó cả, dốc núi quanh co, có những đoạn như dựng đứng, trời nắng thì không nói chứ trời mưa xuống đường bùn đặc quánh đến đi bộ không cũng khó khăn chứ nói gì là xe chở vật liệu xây dựng đi. Nhiều khi phải dùng sức người tự chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng mới có thể lên tới Tri Lễ. Kiếm được thợ xây chịu đi vào Tri Lễ cũng không phải dễ dàng. Rất may là chính quyền địa phương ở đây đã hết sức tạo điều kiện và giúp đỡ quá trình xây trường. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi ngôi trường sẽ hoàn thành, hy vọng rằng mùa mưa năm nay lớp sẽ không còn bị dột, những cơn gió miền núi sẽ không còn khiến các em lạnh buốt nữa.

Chắc chắn không thể nói rằng cuộc sống của thầy trò Tri Lễ có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng những điều trên đây sẽ là điểm khởi đầu cho bọn trẻ vươn xa hơn ra ngoài thôn bản. Chúng sẽ làm mần non tạo nên sức mạnh cho vùng cao bắt đầu tiến xa.

Thực hiện: Ad
Thiết kế: Linh Yoo
03/01/2019