Cậu bé từ ngân hàng tinh trùng tìm ra cha đẻ

Một cậu bé 15 tuổi ra đời từ tinh trùng của người hiến nặc danh đã sử dụng dịch vụ xét nghiệm ADN trên mạng và Internet để lần ra cha đẻ của mình - một kỳ công cho thấy nỗ lực mai danh ẩn tích của những người hiến tinh trùng có thể là vô ích.

Cậu bé, không tiết lộ tên, bắt đầu cuộc tìm kiếm người cha sinh học bằng cách chà một miếng gạc vào mặt trong má của mình, cho nó vào lọ và gửi đến một dịch vụ xét nghiệm ADN trên mạng của Mỹ, với chi phí 289 đôla.

Dịch vụ này, ra đời nhằm giúp mọi người tìm thấy gia đình của mình, đã so sánh nhiễm sắc thể Y của cậu bé - chỉ truyền từ cha sang con, và hầu như không thay đổi - với một ngân hàng dữ liệu nhiễm sắc thể Y của những người đàn ông khác.

Sau 9 tháng, cậu bé được liên lạc với 2 người đàn ông có nhiễm sắc thể Y rất giống với nhiễm sắc thể của cậu. Hai người này không quen biết nhau, nhưng sự tương đồng giữa nhiễm sắc thể Y của họ cho thấy có đến 50% khả năng họ là con cùng cha, cháu cùng ông hoặc cụ. Ngoài ra, cả hai đều có họ giống nhau, mặc dù cách viết hơi khác.

Sử dụng chứng cứ này, cậu bé bắt đầu cuộc tìm kiếm trên mạng. Mặc dù người hiến tinh trùng đã giấu tên, nhưng mẹ của cậu bé vẫn được biết ngày sinh và nơi ở, cũng như bằng đại học của người đàn ông đó.

Bằng một dịch vụ online khác, cậu bé tìm kiếm tên của tất cả những người đã sinh ra ở địa điểm nói trên, và vào ngày đó. "Chỉ có một người đàn ông có họ như cậu bé đang tìm kiếm, và trong 10 ngày cậu đã gặp cha".

Tin tức này có vẻ đáng lo ngại cho bất cứ người đàn ông nào đã hiến tinh trùng trước sự tiến bộ của Internet và trước khi sức mạnh của bộ gene được đánh giá đầy đủ, tạp chí New Scientist bình luận. "Với sự bùng nổ của thông tin về gene thừa kế, bất kỳ người đàn ông nào từng hiến tinh trùng có thể sẽ bị con cái tìm ra".

Ở một số quốc gia, người hiến tinh trùng được yêu cầu cho phép con cái họ có quyền biết tên cha đẻ khi đến một độ tuổi nhất định. Mặc dù vậy, ở các nước khác, trong đó có Mỹ, hầu hết người hiến vẫn là vô danh.

Theo T. An 
Vnexpress/Physorg