Cần quản lý thuốc lá thế hệ mới nhưng nên theo lộ trình
(Dân trí) - Hiện tượng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới xuất hiện ở Việt Nam theo những ngả đường xách tay hay nhập lậu và được rao bán công khai trên thị trường đã được thảo luận từ trong nhiều năm nay.
Tuy nhiên, trong khi thị trường chợ đen ngày càng nhộn nhịp thì một chính sách quản lý phù hợp vẫn còn đang bỏ ngỏ. Điều này dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng và chưa biết những ảnh hưởng tiêu cực này còn kéo dài đến khi nào.
Thực trạng và nhu cầu quản lý
Thực trạng buôn lậu thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã tồn tại nhiều năm qua là một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặc biệt trong thời gian gần đây. Nạn buôn lậu các sản phẩm này ngày càng cao, tinh vi và khó kiểm soát cho thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam, Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, nhu cầu sử dụng thuốc lá thế hệ mới của người Việt Nam, đang rất cao.
"Trong khi chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vấn đề này lại không được áp dụng một cách triệt để. Nói cách khác là ở một góc độ nào đó, đối với loại thuốc lá này, chúng ta vẫn còn có thái độ buông lỏng quản lý.
Chính sự thiếu quản lý này dẫn đến tình trạng ngoài các loại thuốc thật có đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì khả năng có thể có các loại thuốc lá giả, độc hại hơn nhiều so với loại thuốc lá thế hệ mới chính hãng, được sản xuất theo tiêu chuẩn, lọt vào Việt Nam. Do vậy từ người hút trực tiếp đến người hút thụ động sẽ là những người hứng chịu toàn bộ. Đây là một điều hết sức đáng tiếc và cần thiết phải có hành động mạnh mẽ hơn", ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, sự buông lỏng quản lý còn gây tác hại liên quan đến "chảy máu" ngoại tệ. Không những thế, nạn buôn lậu ở nước ta rất trầm trọng. Các khu vực cửa khẩu, sân bay, bến cảng, thậm chí là những lối mở, đường mòn, đều diễn ra tình trạng buôn lậu nên nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn, trong đó có thất thu thuế do Nhà nước không kiểm soát được và còn tiềm ẩn nguy cơ tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đồng tình với ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, bên hành lang Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng đây là vấn đề chưa được quản lý một cách chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhập lậu, bán tràn lan trên thị trường.
Quản lý thế nào là phù hợp?
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần phải có hành lang pháp lý, có quy định quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới và khi có quy định rồi thì cũng phải xác định ngay đấy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Điều đó là cần thiết để giúp cơ quan chức năng như cơ quan Quản lý thị trường, Công an… thực hiện xử lý các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Ông cũng nêu thêm thuốc lá thế hệ mới cần phải được cơ quan có thẩm quyền xác định về các tác nhân gây hại. Bộ Y tế phải vào cuộc xác định hóa chất hay nguyên liệu thuốc lá được sử dụng có nguy hại hay không, nguy hại đến đâu thì trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý được tình trạng buôn lậu loại sản phẩm này hoặc hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: "Muốn quản lý được, chúng ta phải có thể chế, Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật. Phải khẩn trương đưa ra một lộ trình thích hợp để xử lý vấn đề này nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được mọi loại thuốc lá thế hệ mới và nâng cao ý thức pháp luật của người dân."
Cũng cần nói thêm trong thời gian qua, được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu để trình phương án quản lý phù hợp, Bộ Công Thương đã nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện những đánh giá tác động sản phẩm và trình phương án quản lý phù hợp. Được biết, Bộ Công Thương đã đề xuất thí điểm có thời hạn đối với thuốc lá làm nóng.
Theo các chuyên gia, đề xuất thí điểm của Bộ Công Thương là một chính sách phù hợp nhằm vừa thực thi vừa điều chỉnh, hướng tới việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá mới được đầy đủ, toàn diện.
Việc triển khai giai đoạn thí điểm trước mắt sẽ giúp đạt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, cũng như trong chiến lược của quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá nói chung.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) kiến nghị: "Chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà sẽ còn là những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai gần. Tôi cho rằng để có khung quản lý toàn diện đầy đủ, thí điểm là giai đoạn cẩn trọng cần thiết.
Đây là giai đoạn để kiểm chứng toàn diện những vấn đề quan ngại mà các bộ, ngành đề ra, trong đó nhằm cân bằng giữa nhu cầu quản lý hàng hóa và lợi ích sức khỏe cộng đồng. Hay nói cách khác, thí điểm sẽ giúp cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và căn cứ xác đáng để đánh giá tác động kinh tế và xã hội, kể cả đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm".