Cách dùng và bảo quản sữa trong hộp giấy

Sữa nước đóng hộp là một trong những loại thức uống được nhiều gia đình sử dụng hàng ngày vì sự tiện lợi, an toàn cũng như đảm bảo giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn mua, sử dụng và bảo quản chúng.

Lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng là cần quan sát kỹ hộp sữa khi mua sản phẩm cũng như trước khi dùng. Những biểu hiện khác thường trên hộp sữa sẽ phần nào cho bạn biết chất lượng của sản phẩm bên trong. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng nên lưu ý những điểm quan trọng dưới đây khi chọn mua và bảo quản sữa để có thể tối ưu hoá lợi thế của sữa đóng hộp, giúp con có một sức khoẻ tốt từ việc uống sữa.

Lưu ý khi chọn mua sữa

Khi mua các loại sữa đóng hộp – ngoài những thông tin thông thường mà khi mua bất kỳ sản phẩm nào bạn cũng phải lưu ý như ngày sản xuất và hạn sử dụng thì cần xem kỹ hộp sữa để đảm bảo hộp còn nguyên vẹn, không bị méo mó, không phồng hay thủng lỗ.

Cách dùng và bảo quản sữa trong hộp giấy - 1

Hộp sữa méo mó hay bị phồng lên chứng tỏ sữa đã được bảo quản không tốt tại nơi bán hàng, có thể từ việc đặt quá nhiều thùng sữa chồng lên nhau; bảo quản tại chỗ không thoáng mát, để ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc để gần các vật nhọn. Ngoài ra, cũng có thể trong quá trình vận chuyển, việc di chuyển nhiều và không cẩn thận khiến hộp sữa bị méo mó, biến dạng, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và không tốt cho sức khỏe.

Còn nếu đã mua sữa về mới thấy các hiện tượng bất thường như: hộp phồng, sữa bị vón cục, có mùi và màu khác lạ thì dù hộp còn nguyên vẹn vẫn tuyệt đối không nên dùng. Lúc này, người tiêu dùng có thể liên hệ các đường dây nóng của nhà sản xuất để được kiểm tra và đổi sản phẩm mới.

Cách dùng và bảo quản sữa trong hộp giấy - 2

Sử dụng và bảo quản

Với sữa nước đóng hộp, các hãng sữa đa phần dùng hộp giấy vì tính tiện lợi của nó. Tuy nhiên, hộp giấy là loại bao bì dễ trầy xước, nên nếu không bảo quản cẩn thận vẫn có những rủi ro nhất định, ngay cả khi đã mua về nhà.

Trang thông tin dairygoodness.ca thường xuyên cập nhật những thông tin về sữa cũng đưa ra một số lưu ý về cách dùng và bảo quản sữa tại nhà mà các gia đình cần ghi nhớ cũng như một số lỗi người dùng sữa thường mắc phải để tránh dưới đây:

• Dùng kéo cắt bao ny-lông bọc hộp sữa. Thực tế: Nên dùng tay xé bao ny-lông bọc sữa hộp thay vì dùng kéo cắt vì động tác này dễ gây trầy xước cho bao bì sản phẩm.

• Không lắc hộp sữa trước khi uống. Thực tế: Lỗ cắm ống hút – do được thiết kế để dễ dàng chọc ống hút vào nên là nơi dễ bị hư hỏng nhất. Vì vậy, cần lắc hộp sữa trước khi dùng để đảm bảo lỗ cắm ống hút của hộp sữa không bị rò rỉ.

• Để sữa trong nhà bếp. Thực tế: Không nên để sản phẩm ở nơi có nhiệt độ cao như nhà bếp hay gần cửa sổ nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Ánh sáng sẽ phá hủy một số vitamin nhất định trong sữa, trong đó có vitamin D.

• Để sữa gần cánh cửa tủ lạnh cho dễ lấy. Thực tế: Thật tốt nếu bạn dự trữ sữa trong ngăn mát tủ lạnh dưới 6 độ C, nhưng nên để sữa ở gần cánh quạt tủ thay vì gần cửa tủ lạnh. Nhiệt độ ở vị trí gần cửa không được lạnh như mong muốn.

• Để sữa chung với các loại thực phẩm khác. Thực tế: Nên có một ngăn để sữa riêng trong tủ lạnh, nhằm tránh tình trạng nhiễm khuẩn chéo từ thức ăn vào sữa.

• Sữa còn dư để dành uống tiếp. Thực tế: Sản phẩm nên được uống hết sau khi mở hộp, không nên để dành kể cả trong tủ lạnh vì sữa đã uống có dính nước bọt, dễ dàng khiến vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi.

Cách dùng và bảo quản sữa trong hộp giấy - 3

Trang bị kỹ năng dùng sữa cho trẻ

Trẻ em là đối tượng sử dụng sữa nhiều nhất trong các gia đình. Thêm vào đó, nhiều bà mẹ có thói quen cho trẻ tự lấy sữa uống. Vì vậy, việc dạy con các kỹ năng liên quan đến việc uống sữa là thực sự cần thiết. Trước hết, nên dạy cho trẻ các kỹ năng cơ bản để nhận biết sản phẩm khác thường thay đổi hình dạng, mùi, vị… để trẻ biết hộp sữa nào là nên uống nhằm bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ lắc hộp sữa trước khi uống và nên uống hết hộp sữa một khi đã khui ra. Nếu trẻ không thể uống hết lượng sữa trong hộp, bạn có thể uống phần còn lại cho con và tốt nhất bạn nên nghĩ đến việc chọn loại sữa có dung tích nhỏ hơn cho trẻ lần sau.

Nếu chẳng may trẻ lỡ uống phải sản phẩm bị biến đổi màu, mùi và vị mà bị rối loạn tiêu hóa thì bạn nên đưa con đi gặp bác sĩ ngay để được tư vấn kiểm tra sức khỏe.

Vương Linh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm