Cách các nước "dẹp loạn" vỉa hè để đòi lại không gian chung thế nào?
(Dân trí) - Trong khi chính quyền tại các thành phố lớn ở Việt Nam đang tìm cách thiết lập trật tự vỉa hè, thì ở các nước trong khu vực, mọi thứ ít nhiều đã đi vào quy củ.
Câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội hay TP.HCM chưa bao giờ "nóng" như thời điểm hiện tại. Thời gian gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội nhiều lần ra quân "dẹp loạn" giành vỉa hè cho người đi bộ.
Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, trông giữ phương tiện vẫn "ngang nhiên" diễn ra ở nhiều tuyến phố đặc biệt là khu vực trung tâm. Điều này khiến người đi bộ phải xuống lòng đường, "chiếm" không gian của ô tô, xe máy, gây mất an toàn chung.
Vậy nhìn sang các quốc gia lân cận, chính quyền địa phương đã làm gì để "đòi lại" không gian chung cho thành phố?
Thái Lan đã thực hiện tính phí hàng rong sử dụng vỉa hè gần 20 năm trước. Cụ thể, năm 2005, quốc gia này ban hành bộ quy tắc về quy định và điều kiện bán hàng rong trên hè phố. Quầy hàng không được rộng quá 2m2 và cao quá 1,5m; các quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống cho người đi bộ; được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn và phân bổ thời gian bán hàng theo ca ngày, ca đêm.
Từ năm 2014, chính quyền Bangkok quyết tâm "dọn sạch" vỉa hè bằng cách phạt nặng xe đậu, đi trên vỉa hè, quầy bán hàng rong lấn chiếm không gian.
Ngoài ra, người bán hàng rong ở Thái Lan phải đăng ký hoạt động có giấy phép. Với các tiểu thương đủ điều kiện kinh doanh trên phố, chính quyền sẽ thu phí hàng năm gồm tiền giấy phép và phí vệ sinh. Việc thu phí tại thành phố Bangkok do cơ quan thuế của các quận thu hàng tháng tại chỗ, có xuất hóa đơn tài chính.
Những quầy hàng không đăng ký bán trên vỉa hè nhưng vẫn chấp hàng quy chuẩn sử dụng vỉa hè của địa phương, chính quyền có thể phạt vài trăm baht mỗi tháng. Trường hợp cố tình vi phạm, mức phạt trực tiếp mỗi lần từ 2.000 baht đến 10.000 baht (1,3 triệu đồng - gần 7 triệu đồng).
Được biết, Thái Lan không chỉ định giá thuê vỉa hè ở Bangkok theo mét vuông vì tính theo diện tích sẽ dẫn tới tình trạng không công bằng (có quầy kinh doanh tốt, có quầy lại không hiệu quả).
Do vậy, giá thuê vỉa hè ở Bangkok căn cứ theo tình hình doanh thu theo 6 tháng. Điều này có nghĩa, quầy hàng nào doanh thu cao, sử dụng mặt bằng lớn, thời gian chiếm dụng lâu phải đóng phí cao hơn dù có thể không nằm ở khu vực trung tâm.
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA), mức giá thuê quầy hàng cố định ở vỉa hè sẽ tăng lên 500 baht/m2 (350 nghìn đồng) sau 2 tháng hoạt động, trong đó chưa bao gồm tiền điện và phí vệ sinh. Ngoài ra, quầy hàng có không gian cố định để giành lấy vỉa hè cho người đi bộ.
Trong khi đó tại Singapore, quốc gia này tương tự như Việt Nam, hoạt động buôn bán ẩm thực đường phố phát triển mạnh thu hút du khách quốc tế, qua đó mang tới nguồn kinh tế không nhỏ cho quốc gia.
Tuy nhiên, "đảo quốc sư tử" sớm đã quản lý tốt bằng cách quy hoạch khu vực dành riêng cho người bán hàng rong, lập tuyến phố ẩm thực để tiểu thương tới buôn bán, phục vụ du khách tới thưởng thức.
Người bán hàng rong ở Singapore buộc phải tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường cảnh quan và không ảnh hưởng tới người đi bộ.
Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán rất ít xảy ra. Không chỉ chú trọng quy hoạch các tuyến đường, cơ quan chức năng còn tập trung trang hoàng những tuyến phố buôn bán đặc trưng để tiểu thương kinh doanh tốt hơn, đồng thời thu hút khách du lịch. Qua đó, tạo được thói quen cho du khách tới mua sắm, ăn uống ở những tuyến phố đã quy hoạch.
Ngoài ra, các hàng quán phải tuân thủ theo quy hoạch, biển hiệu quảng cáo làm đúng kích thước, đảm bảo mỹ quan đô thị. Ở những tuyến đường mới, chính quyền thành phố thiết kế vỉa hè rộng để người dân đỗ được ô tô, có làn đường cho xe đạp và vỉa hè được ưu tiên.