Các nhà khoa học nói gì về việc dạy trẻ bằng roi vọt?
(Dân trí) - Bạn có thể vẫn cho rằng “yêu cho roi cho vọt”, nhưng các nhà khoa học hoàn toàn không nghĩ như vậy.
Gần đây, một trường học ở bang Georgia, Mỹ đã gây ra một cuộc tranh cãi khi nói rằng sẽ áp dụng việc trừng phạt học sinh bằng cách đánh đòn. Đây là một tuyên bố gây sốc với rất nhiều người vì ít ai tin rằng trừng phạt thân thể vẫn là một điều tồn tại, nhất là ở các nước có nền kinh tế phát triển, trong năm 2018.
Trên thế giới, có 60 quốc gia cấm trừng phạt thân thể trẻ tại nhà, bao gồm Kenya, Brazil, New Zealand, và Thụy Điển – quốc gia đầu tiên ban hành luật cấm này vào năm 1979. Tại Vương quốc Anh, Scoland và xứ Wales đều đang trong quá trình hạn chế hoặc cấm.
Ở Mỹ, có 28 tiểu bang cấm hoàn toàn việc trừng phạt thân thể ở trường. Tuy nhiên, có 15 tiểu bang cho phép việc này, bao gồm Florida, Texas, và Bắc Carolina.
Theo một cuộc thăm dò của hãng Tin tức ABC trong năm 2017, có đến 26% người trưởng thành ở Mỹ tán thành việc đánh đòn trẻ ở trường học. Đáng ngạc nhiên là con số này tăng lên đến 65% khi đề cập đến việc đánh đòn ở nhà. Tỷ lệ này khá ổn định kể từ năm 1990.
Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc trừng phạt thân thể trẻ không chỉ không có hiệu quả trong dạy dỗ con mà còn làm tổn hại đến hạnh phúc của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nhiều người sẽ phản đối và cho rằng “Tôi vẫn bị đòn hồi nhỏ và hoàn toàn không thấy nó ảnh hưởng gì khi lớn lên”, thế nhưng các nghiên cứu khoa học thu thập được cho đến ngày nay lại chứng minh điều ngược lại.
Nghiên cứu mở rộng nhất cho đến nay bao gồm 75 loại giấy tờ sưu tầm trong giai đoạn 50 năm, tiến hành nghiên cứu trên hơn 160.000 trẻ. Kết quả cho thấy rằng, việc đánh đòn liên quan đến 13 trên 17 kết quả phân tích được, trong đó bao gồm hành vi chống đối xã hội cao hơn và sức khỏe tâm thần kéo hơn ở cả thời thơ ấu và khi trưởng thành.
Mọi người đều biết não trẻ dễ tổn thương như thế nào, và kết quả đề cập ở trên chỉ là một số ít trong những tác động xấu mà việc đánh đòn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ trong cả hiện tại và tương lai.
Hữu Nguyên
Theo BM