Các cặp sinh đôi và câu chuyện về áp lực khi bị so sánh

(Dân trí) - Nhiều cặp chị em, anh em sinh đôi đã bày tỏ trên sóng truyền hình về những áp lực, sự tổn thương khi luôn bị gia đình, mọi người so sánh với em trai/em gái của mình...

Để lại ấn tượng mạnh mẽ trong chương trình “Thiếu niên nói” tuần này là cô bé Đỗ Phương Anh học lớp 8, trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội với câu chuyện “Áp lực khi chị em sinh đôi bị so sánh”. Phương Anh cho biết mình có em trai sinh đôi khác trứng, tên Tiến Dũng và thường chia sẻ với nhau những sở thích như bóng rổ, ca hát.

Các cặp sinh đôi và câu chuyện về áp lực khi bị so sánh  - 1

Đỗ Phương Anh (trái) và MC- diễn viên Bảo Hân trong tập 6 chương trình.

Các cặp sinh đôi và câu chuyện về áp lực khi bị so sánh  - 2

Bố mẹ và em trai sinh đôi của Phương Anh đã rất xúc động trước chia sẻ của cô bé.

Nhưng có những chuyện mà Phương Anh chưa bao giờ chia sẻ, đó là áp lực khi là một người chị. “Đầu tiên đó là áp lực về ngoại hình, những phép so sánh của mọi người. Mình khác em rất nhiều về ngoại hình cả tính cách. Mọi người luôn hỏi tại sao em trai gầy thế kia mà mình lại như thế này? Em trai mình có ngoại hình bảnh bao, có nhiều bạn gái theo đuổi. Và có khi bạn gái nào theo đuổi em trai thì lại qua mình. Mình tự hỏi,  tại sao em trai được như vậy còn mình chỉ như thế này?

Áp lực thứ hai là về điểm số học tập. Vài năm trước, mình cảm thấy kém thực sự so với em trai, điểm cuối kỳ rất thấp trong khi em trai toàn điểm 10 và mình rất sợ bị đem ra so sánh. Mình sợ, mọi người hỏi rằng sao cùng bố mẹ mà em trai thì toàn điểm 10 còn mình thì điểm số thế kia? Mình rất sợ về sẽ bị bố mắng.

Sau đó, mình tập trung vào học để ngang bằng em trai và bây giờ mình học... nhỉnh hơn em một chút. Áp lực về điểm số giờ lại chuyển qua em trai mình. Trong các giờ học gia sư thì mình luôn làm bài xong trước. Nếu hai năm trước, mình rất thích vì đã làm xong trước, mình đã thắng em trai.

Nhưng sau này, mình làm được nhiều bài hơn trong khi em trai vẫn miệt mài giải từng phép tính và bị gia đình nói làm con trai phải cố gắng, phải có bản lĩnh thì thay vì cảm giác chiến thắng, mình lại thương em trai mình vô cùng. Tại sao nó lại phải chịu cảm giác đó? Con muốn hỏi bố một câu khi so sánh như vậy bố có nghĩ đến cảm giác của con và em trai không?”, Đỗ Phương Anh rơm rớm nước mắt nói.

Các cặp sinh đôi và câu chuyện về áp lực khi bị so sánh  - 3

Đồng cảm với tâm sự của Phương Anh, cặp chị em nổi tiếng người đẹp Nam Em (phải) và chị gái Nam Anh cho rằng sự so sánh vô tình khiến cả hai chị em bị tổn thương.

Trước câu chuyện áp lực của những cặp sinh đôi, cặp chị em nghệ sĩ nổi tiếng Nam Anh - Nam Em đã lắng nghe và thể hiện sự đồng cảm. Hoa khôi đồng bằng Sông Cửu Long năm 2015 bộc bạch: “Thời đi học hai chị em hay bị so sánh Nam Anh với Nam Em ai đẹp hơn, ai học giỏi hơn. Chỉ là nói vui thôi nhưng thà so sánh với một người xa lạ còn hơn so sánh với người trong nhà. Tôi có lời khuyên dành cho tất cả mọi người, nếu bị tác động bởi gia đình hay xã hội làm cho ý chí mình bị đi xuống thì hãy học cách đối diện và vượt qua nó”.

Còn Nam Anh thì cho rằng việc so sánh “đã vô tình làm tổn thương cả hai”.

Trung Anh - Trung Việt (Vlog 1997) cũng chia sẻ: “Mình cảm thấy buồn nhất khi bố mẹ so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Bố mẹ luôn bảo nuôi mình ăn học sao kết quả mang về lại không cao giống các bạn? Những lúc như thế, mình tự nhủ bản thân rằng mỗi người đều có năng lực riêng và cố gắng phát huy điểm mạnh của bản thân.

Mình muốn gửi lời, ai cũng có thế mạnh và mong ước riêng nên sự so sánh đều khập khiễng, và mong các bậc phụ huynh dành thời gian lắng nghe để thấu hiểu con cái từ đó biết được điểm mạnh của các con là gì để trân trọng và giúp các con phát triển bản thân”.

Các cặp sinh đôi và câu chuyện về áp lực khi bị so sánh  - 4

Cặp anh em sinh đôi Trung Anh- Trung Việt hi vọng các bậc phụ huynh lắng nghe, thấu hiểu con cái.

Trước câu hỏi của Đỗ Phương Anh, xuất hiện trong chương trình, bố của em cho biết những điều mình làm đều mong muốn con tốt hơn, nếu lúc nào mệt mỏi các con có thể dừng lại để nghỉ ngơi. “Bố từng là học sinh chuyên toán từ bé, là kỳ vọng của ông bà nên áp lực rất lớn. Cũng có thể vì điều đó, bố đã gây áp lực cho các con lúc mới bước vào con đường học vấn. Nhưng sau này, bố suy nghĩ khác. Có rất nhiều cách vào đời nhưng cách tốt nhất vẫn phải học. Học là con đường duy nhất để sau này các con đỡ khổ”, phụ huynh của Phương Anh nhắn nhủ.

Phương Anh cũng nhận ra những áp lực trên đều là vì bố mẹ muốn hai chị em tốt hơn, còn so sánh là còn quan tâm và em chia sẻ: “Con yêu tất cả mọi người, con đã nắm tay Dũng (em trai) bước vào mẫu giáo, cấp một, cấp hai, thì sẽ nắm tay Dũng bước vào cấp ba, đại học và xa hơn nữa là giấc mơ Mỹ  tiến”.

Mẹ của Phương Anh chia sẻ, chị sẽ rút kinh nghiệm không nên so sánh và đặt áp lực vào các con quá nhiều và nói “mẹ yêu hai chị em rất nhiều, cùng cố gắng và đạt được ước mơ của mình”. Riêng Tiến Dũng cũng gửi lời đến chị  gái: “Em thương chị rất nhiều!”

Hà Thanh