Buồn, vui đời ở trọ giữa chốn phồn hoa
(Dân trí) - Phần lớn, ai vào TPHCM học tập, làm việc, trước khi mua một căn nhà mà chẳng có thời ở trọ.
Cứ vậy, bao buồn vui ở "đất khách quê người" cũng bắt đầu, để bỗng chốc căn phòng rộng chừng chục mét vuông thành mái nhà, những con người xa lạ dần trở nên thân thương lạ kỳ.
Có thể nói ở trọ tại TPHCM như một thương vụ sổ xố đỏ đen vậy. Ngày trước, khi internet chưa phát triển, sinh viên tìm trọ chủ yếu quanh khu trường học, theo lời hướng dẫn của bạn bè, mấy "bà tám" đầu xóm hoặc những biển chỉ dẫn dán tòn ten trên các trụ điện.
Sau này nhờ app, mạng xã hội, việc tìm trọ trở nên dễ dàng hơn. Ấy vậy, lần đầu mới vào TPHCM, sinh viên ai chẳng đôi lần phải đóng tiền "ngu" cho ít nhất mấy xóm trọ lừa đảo.
9 năm ở TPHCM, tôi chuyển trọ trên dưới 10 lần. Có nơi an yên, hàng xóm hòa thuận, đường phố sạch sẽ, chủ nhà không hạnh hẹ mà cuối tháng chỉ xuề xòa: "Bao giờ có tiền gửi cô sau", thì tôi ở được hơn năm. Nhưng có nơi chuyển vào vài tháng, hàng xóm lục đục, nhậu nhẹt say sỉn, "giang hồ hảo hớn" đua nhau suốt ngày suốt đêm… cố gượng lắm thì sang tháng thứ 3 tôi cũng đành đứt gánh.
Vậy nên, lúc tôi tính viết gì đó về điều tốt đẹp của chuyện ở trọ, có người bạn "nắn gân" liền là phải phản ánh thật đúng, thật chân thành. Rằng TPHCM như bao nơi khác, ở trọ vẫn có chuyện này chuyện kia, không vứt rác đầu hẻm, tị nạnh trồng thêm cái cây thì cũng hàng xóm ở không "đẹp" lòng nhau…
Ban đầu tôi chẳng biết phải nên viết gì. Sang thêm tháng nữa, con hẻm ngập nước, tôi lại chuyển đi nơi khác.
Một tối quay về con đường cũ, mua mớ ốc luộc, tôi ngồi nhâm nhi với nhà hàng xóm năm xưa. Nghe giọng, mấy bà chị sát dãy trọ cũ ghé đầu qua cửa, hỏi: "Ơ, thế về rồi đấy à!". Nghe giọng họ hỏi một người ly hương lâu ngày quay về chốn cũ, nghe sao mà cay xè sống mũi.
Bởi có lẽ ở cái thành phố người ta từng coi là "chốn tạm", hơn 10 triệu dân đông đúc và những cuộc đoàn tụ thường là ngắn ngủi, khó khăn, nhưng vẫn có những con người trong từng ấy căn phòng rộng vài mét vuông, coi trọng nhau bằng cái tình cái nghĩa chân thành.
Đó là tiệm tạp hóa đầu hẻm của bà cô quê gốc ở Quảng Ngãi. Tên quán, bà đặt "Tạp hóa xóm mình". Chữ mình nghe thương ơi là thương như kiểu đó là của chung, của tất cả. Ấy nên, bữa nào có nhà đang kho nồi cá, nấu xoong canh mà thiếu mớ nước mắm, bịch bột ngọt, lại ghé cửa gọi: "Cho tui chai mắm, rảnh tay gửi tiền sau nghen", bà lại tất tả chạy mang sang vì sợ cái xoong cháy khét.
Đó là người chị hàng xóm hôm dịch Covid-19 khiến cả hẻm hơn chục người thành F0, vẫn mặc đồ bảo hộ đến từng cửa phòng trọ, phát mớ rau kêu gọi được trên mạng xã hội từ các mạnh thường quân.
Qua dịch, vợ chồng chị chia tay, chị không dám kể với gia đình vì sợ ba má buồn, càng không tâm sự với bạn bè vì ngại chuyện họ mới kết hôn 5 năm. Vậy mà, đêm nào hàng xóm cũng có người này sang nhà ngủ cạnh để an ủi. Hôm khác chị bận công việc đi công tác tỉnh, đứa con gái 4 tuổi lại đêm ngủ nhà này, trưa ăn cơm nhà nọ, được chăm sóc như một đứa con trong gia đình.
Đó là mấy cô chú từ Thanh Hóa dắt díu nhau vào thành phố này, ở chung một dãy trọ để cùng bán bắp xào, cá viên chiên. Buổi sáng người ta đổ đầy bắp ra sân, vài hàng xóm rảnh tay xúm vào phụ rồi bắt tấm lưới sắt ra phơi đầu hẻm.
17h, những chiếc xe đẩy tỏa đi khắp thành phố. 0h hôm sau, tất cả lại tụ họp trước cửa trọ, nấu nồi nước chè, đếm đi đếm lại xấp tiền cũ trong những câu chuyện thường nhật về cha mẹ đau ốm ở quê nhà, về tiền nong, về tờ số mua vội trên đường mưu sinh với một ước mơ viển vông: "Trúng tỷ rưỡi tôi bán luôn chiếc xe, về quê ở cho đã đời…".
Đó là hoàn cảnh của ngôi nhà cao tầng sát vách phòng trọ tôi. Ban đầu đến đây, đêm nào tôi cũng đau đầu vì tiếng trẻ con la quấy. Sau hỏi ra mới biết con chị mắc bệnh động kinh bẩm sinh.
Hồi xưa, chị cũng làm chức lớn lắm, nhưng đổi lại là không bao giờ có thời gian ở cạnh gia đình, con cái. Rồi thằng bé lên 10 tuổi, nó liên tục lên cơn, la hét khiến chị khóc ngày khóc đêm. Từ đó chị quyết định nghỉ việc, ở nhà hẳn.
6h, chị cho con ăn rồi chở đến trường. 11h, chị đến cổng trường đợi con tan học. Buổi chiều vẫn lặp lại như thế. Đều đặn trên chiếc xe máy cũ, không bao giờ để ai thay thế.
2h, khi cả thành phố đã say giấc, một mình chị mới cột bịch nylon lên xe và đi làm.
"Chị làm gì giờ này?" - tôi hỏi.
"Chị đi đóng gói rau cho siêu thị" - chị đáp.
"Từ bỏ công việc lớn để làm công việc tay chân, chị có bao giờ buồn hông?" - tôi hỏi tiếp.
"Chèn, gì đâu! Hồi xưa chị nhiều tiền nhưng hổng có thời gian ở cạnh gia đình. Còn giờ chị vì con, làm việc chân chính thì chẳng có gì phải buồn, phải hối hận…" - chị cười tủm tỉm.
Cứ thế, đôi khi chị bận rộn cả ngày, có hôm chỉ ngủ được dăm ba tiếng đồng hồ, nhưng mỗi sớm mai nhìn cách chị nhẹ nhàng chỉnh chiếc khăn quàng méo xệch trên cổ áo con, ôm tay con đặt qua eo rồi tà tà chạy chiếc xe máy đến trường, tôi lại thấy chị hạnh phúc vô ngần.
Vậy đấy! Chuyện ở trọ "nhân gian" tại Sài Gòn thì nhiều lắm. Mất đồ, ăn cắp vặt, xích mích, giận dỗi… ti tỉ thứ kể làm sao cho hết.
Nhưng mà ở nơi đó, trong những cuộc gặp gỡ đôi ba lần giữa những con người tha phương, đôi khi ta đã là một phần mảnh ghép yêu thương trong cuộc đời họ. Như cái câu " Ở, thế về rồi đấy à!" của chị hàng xóm ghé qua cửa nói vọng, mới nghe sao thật thương, thật ấm áp, và thật gia đình.