Bi hài táo bonsai “mọc” trên cây dâm bụt bán đầy đường phố Hà Nội
(Dân trí) - Có hình dáng đẹp mắt, giá rẻ chỉ dao động từ 300-500 nghìn đồng/ cây, táo cảnh bonsai được nhiều người ưa chuộng tìm mua trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, rất nhiều cây trong số này là cây giả, được thương lái gắn quả trên thân cây dâm bụt bán cho người tiêu dùng.
Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường cây cảnh càng trở nên nhộn nhịp, tấp nập. Năm nay bên cạnh loại táo cảnh bonsai được nhập từ Trung Quốc, xuất hiện loại táo mini siêu rẻ có giá bán chỉ từ 300-500 nghìn đồng/ cây.
Trong đó, mỗi cây táo có chiều cao từ 30-50cm, được tạo các dáng thế khác nhau. Đáng chú ý, từ phần gốc cho đến ngọn cây mọc trĩu trịt quả, tỏa hương thơm ngát, rất bắt mắt.
Ghi nhận của Pv trên phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… loại táo bonsai này được người bán chở trên các xe máy bán dạo ven đường. Khi được hỏi về nguồn gốc, các thương lái đều khẳng định đây là loại táo lùn, được trồng ở Việt Nam.
“Chúng được các trại cây cảnh ở Gia Lâm, Hưng Yên… nhân giống tự nhiên, chăm sóc và đưa ra thị trường. Loại táo này tuyệt đối không dùng keo để gắn quả như táo Trung Quốc”, một thương lái tại phố Nguyễn Chí Thanh khẳng định. Người này cũng cho biết, táo lùn bonsai được trồng ở Việt Nam nên có thể chơi Tết cả tháng không hỏng, sau khi chơi xong có thể mang ra vườn trồng.
Nhiều cây, trên ngọn còn có nụ hoa dâm bụt
Thế nhưng, mới đây trên các diễn đàn mạng, nhiều người mua phải loại táo này đã đồng loạt lên tiếng khẳng định, đây chỉ là loại táo giả. Chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) bức xúc: “Quả trên cây táo này gắn keo toàn bộ. Đặc biệt, phần thân cây cũng không phải là cây táo mà là cây dâm bụt”.
Loại táo bonsai này được bày bán khá rẻ với giá chỉ từ 300-500 nghìn đồng/ cây
Cây chỉ cao từ 30-50cm nhưng mọc trĩu trịt quả từ gốc đến ngọn
Chị Hương cho hay, cách đây 3 hôm vì tin lời quảng cáo của người bán nên chị mua cây táo cảnh ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) với giá 500 nghìn đồng, dự định về trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi về đến nhà, quan sát kỹ chị tá hỏa khi phát hiện vết keo màu trắng còn thừa ở phần cuống táo.
“Nhìn cây rất đẹp, lá tươi nguyên, quả trĩu trịt lại có mùi thơm nhẹ nên tôi đinh ninh là cây thật. Ai ngờ về đến nhà kiểm tra kỹ mới biết là cây giả. Đáng chú ý, khi lên mạng tìm hình ảnh cây táo thật thì thấy lá cây này tròn, dẹt chứ không có các răng cưa như cây táo mình mua. Đến lúc này tôi mới biết là mình đã bị lừa”, chị Hương nói.
Nhiều người mua về chơi Tết Nguyên đán nhưng sau đó mới vỡ lẽ là cây táo giả
Đồng cảnh ngộ, anh Hưng, (Hoài Đức, Hà Nội) cũng bức xúc chia sẻ hình ảnh cây táo giả mà mình mua lên facebook. “Nhìn cứ tưởng táo thật, ai dè lại là cây dâm bụt. Mất tiền không xót bằng cảm giác bị lừa dối”, anh Hưng viết.
Anh Hưng kể, người bán gắn keo rất tinh vi. Họ đục một lỗ nhỏ ở cuống táo, sau đó chọn những nhánh nhỏ của cây để đổ keo vào. “Tôi đã quan sát kỹ mà vẫn không phát hiện ra. Đến khi về nhà, tưới nước được 3 hôm thì mới bắt đầu lộ ra vết dính keo”, anh Hưng nói.
Không chỉ gắn quả táo trên cây dâm bụt, nhiều người mua còn phản ánh mua phải cây mít gắn táo giả. “Quả táo trông chín đỏ, tươi ngon, lá xanh nảy lộc rất tươi tốt. Mỗi cây có đến từ 15-20 quả trĩu trịt mọc từ gốc đến ngọn nhưng thực chất tất cả đều là táo được gắn keo để lừa người mua”, một tài khoản có tên Đông Trần cảnh báo trên một diễn đàn chơi cây cảnh.
Trong khi đó, trao đổi với Pv một chủ vườn cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam chưa trồng được loại táo này.
“Táo là loại cây ôn đới, ưa khí hậu lạnh kéo dài trong khi thời tiết ở Việt Nam là nhiệt đới, nóng nhiều nên loại cây này không thích nghi và phát triển được. Nếu có trồng thì cây cũng không thể quả đẹp, trĩu trịt như vậy được”, người này thông tin.
Hà Trang