Bên trong mộ cổ trên 2.000 năm ở Hà Nội: Từ đồ gốm, xương lợn tới đá quý

Hồng Anh

(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, các ngôi mộ cổ ở di chỉ Vườn Chuối nói riêng và nhiều ngôi mộ cổ Việt Nam không có đồ tùy táng giá trị: Vàng bạc, châu báu... như nhiều người vẫn tưởng.

"Không có đồ tùy táng giá trị là vàng bạc, châu báu"

Trên khu đất rộng 6.000m2 ở di chỉ Vườn Chuối (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), hàng chục nhân công tỉ mỉ nạo từng lớp đất mỏng.

Đang đưa chiếc bay nhỏ đều tay, một nữ nhân công bỗng thấy khựng lại. Nhẹ nhàng cào đất thêm, chị phát hiện phần xương sọ lộ ra nên báo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng các nhà nghiên cứu lập tức tới hố khai quật. Ai cũng mừng rỡ khi nhận ra xương cốt của người đã khuất còn khá tốt, hàm răng gần như nguyên vẹn, phần xương sọ, các chi tay chân còn đầy đủ. Đồ tùy táng đi kèm chủ yếu vẫn là các nồi gốm.

Bên trong mộ cổ trên 2.000 năm ở Hà Nội: Từ đồ gốm, xương lợn tới đá quý - 1

PGS.TS Nguyễn Lân Cường tại di chỉ Vườn Chuối (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Hài cốt này là 1 trong số hơn 300 bộ hài cốt được tìm thấy ở di chỉ Vườn Chuối. Đây là khu nghĩa địa tập hợp mộ táng thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm - khoảng 4.000 năm trước) và Đông Sơn (khoảng 2.000 năm trước) được các nhà khảo cổ học miệt mài nghiên cứu thời gian qua.

Mỗi bộ hài cốt được tìm thấy lại ẩn chứa những thông tin giá trị giúp giải mã lịch sử, chứng minh về sự có mặt từ rất sớm của con người trên khu vực Hà Nội ngày nay.

Vườn Chuối là di chỉ khảo cổ được phát hiện năm 1969. Trải qua 11 đợt khai quật, các nhà khảo cổ đánh giá đây là di chỉ hiếm và quý trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Trong 2 năm 2019-2020, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học xác định diện tích phân bố di tích ở gò Vườn Chuối là 12.000m2. Trong đó một nửa phía đông nằm trong công viên của khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, nửa phía tây nằm trong phạm vi vành đai 3.5.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, các bộ di cốt vẫn đang được giữ nguyên vị trí để chờ giai đoạn chỉnh lý tiếp theo. Sau này, khi đưa các di cốt lên, các nhà khoa học mới có thể biết được chắc chắn ngôi mộ chôn vào thời điểm nào.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, các nhà khoa học sẽ xác định thông tin ngôi mộ qua việc lấy răng làm niên đại.

Cùng các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực tiếp khai quật tại công trường suốt những năm qua, ông Cường nhận ra nhiều điểm đặc biệt trong các hài cốt trên 2.000 năm được tìm thấy tại các ngôi mộ cổ.

Bên trong mộ cổ trên 2.000 năm ở Hà Nội: Từ đồ gốm, xương lợn tới đá quý - 2

Những hài cốt có niên đại trên 2.000 năm (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

"Tròn 60 năm làm khảo cổ nhưng lần đầu tiên tôi tìm thấy các hài cốt đeo vòng bằng đá trên cẳng tay. Ngoài ra, nhiều hài cốt tìm thấy còn phát hiện bị thiếu răng cửa", ông Cường nói.  

Bước đầu, ông Cường nhận định, người chết thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu sớm có tục nhổ răng (nhổ 2 răng cửa 2 bên hoặc 4 răng cửa trên hoặc 4 răng cửa dưới, có khi đồng thời nhổ cả răng cửa trên và răng cửa dưới).

Khi khai quật, các nhà khoa học tìm thấy khối lượng đồ tùy táng khổng lồ cho thấy đời sống tinh thần phong phú của người xưa.

Đồ tùy táng kèm theo gồm đồ gốm, xương lợn, đá quý, đồ đồng (giai đoạn Đông Sơn). Điều này mang hàm ý về sự chia của giữa người sống và người chết. Người Việt từ xưa quan niệm một người qua đời là sang một thế giới khác. Người sống phải chia cho người chết ít nhiều vật chất khi sang thế giới bên kia.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, các ngôi mộ cổ ở di chỉ Vườn Chuối nói riêng và nhiều ngôi mộ cổ Việt Nam không có đồ tùy táng giá trị như vàng bạc, châu báu như nhiều người vẫn tưởng. Tuy nhiên, nhiều kẻ trộm vẫn bất chấp đào bới các ngôi mộ.

Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam thể hiện sự xót xa khi nhiều năm qua, di chỉ này bị không ít kẻ đào trộm mộ tìm tới, phá hủy những ngôi mộ và các bộ hài cốt có giá trị khảo cổ của tiền nhân.

Đề xuất xây dựng công viên di sản khảo cổ học

Nhận định ban đầu từ các hiện vật khảo cổ và hàng trăm bộ hài cốt cho thấy, di chỉ Vườn Chuối từng là ngôi làng cổ.

Người xưa lợi dụng địa hình dương là những gò đất tự nhiên cũng như những địa hình âm dưới chân gò đã vượt thổ ở khu vực xung quanh tạo khu cư trú ở bên trong và một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m và sâu khoảng 2,5-3m bao quanh bên ngoài.

Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hóa Tiền Đông Sơn. Sườn ngoài của di tích là nơi chôn cất người chết, ở góc tây bắc mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ cổ.

Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm (khoảng 4.000 năm trước) là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này.

Bên trong mộ cổ trên 2.000 năm ở Hà Nội: Từ đồ gốm, xương lợn tới đá quý - 3

Đồ gốm, đồ đồng là đồ tùy táng được tìm thấy phổ biến ở di chỉ Vườn Chuối (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam đem đến những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại.

Việc xây dựng công trình quy mô như trên cũng phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ khá cao.

Nhiều ý kiến cho rằng, di chỉ Vườn Chuối có giá trị lớn cần được bảo tồn để tái hiện bức tranh về ngôi làng cổ cùng mối quan hệ xã hội của các cư dân cổ xưa.

Không ít nhà khoa học đề xuất xây dựng công viên di sản khảo cổ giống như nhiều quốc gia khác tại vị trí này để bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch.

Một số ý kiến đưa ra đề xuất trưng bày các hài cốt ngoài hiện trường, một số khác cho rằng cần đưa vào bảo tàng để lưu giữ các di cốt được lâu hơn.

TS Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học cho hay, sau nỗ lực nghiên cứu không biết mệt mỏi cùng những kiến nghị tâm huyết của các nhà khoa học, UBND TP Hà Nội đã đồng ý sẽ công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp thành phố. Từ đây, các nhà khoa học sẽ có những bước nghiên cứu tiếp theo để bảo tồn di tích.