Bé tí hon, lớn thành khổng lồ

(Dân trí) - Sinh tại thành phố Graz, nước Áo năm 1899, đã có lúc Adam Rainer tưởng rằng mình sẽ phải đội lốt “chú lùn” suốt đời, bởi cho đến năm 21 tuổi, chiều cao của anh mới vẻn vẹn được 1m18. Ai ngờ bước sang tuổi 22, chàng trai bắt đầu lớn nhanh vùn vụt.

Từ giữa năm 1921, chiều cao của Adam phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc và không hề có dấu hiệu ngừng nghỉ. Cho đến ngày sinh nhật lần thứ 32, anh chàng đã cao lên gần… gấp đôi so với hồi còn bị gọi là “lùn tịt”: 2m18. Như vậy tính ra, mỗi năm Adam cao thêm gần 9,2 cm, và chính hiện tượng bất thường này đã vắt kiệt sức Adam, khiến anh phải nằm gần như liệt giường.

 

Theo giải thích của giới chuyên gia, nguyên nhân của sự rối loạn tăng trưởng này là do hoạt động thất thường của tuyến yên - tuyến nội tiết chuyên có nhiệm vụ sản sinh ra hormone chiều cao. Có vẻ như sau năm 21 tuổi, từ chỗ nhỏ giọt tí tách, “anh” tuyến yên này đã tháo van cho hormone ào ạt đổ ra như thác lũ. Cơ thể đồng thời phải huy động mọi chất dinh dưỡng, năng lượng để duy trì sự tăng trưởng không kiểm soát, khiến chủ nhân của nó lúc nào cũng ốm yếu và gần như không thể đi lại được.

 

Sau này, chiều cao Adam vẫn tăng đều đặn nhưng với tốc độ giảm đi nhiều. Đến lúc ông từ trần vào năm 1950, thọ 51 tuổi, người ta đo thi thể người chết được đúng 2m34. Adam Rainer là trường hợp đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất mang căn bệnh “bé tí hon, lớn thành khổng lồ” của lịch sử y học.

 

Thùy Vân

Theo Interesting