Bất ngờ cuộc sống của "tỷ phú" trúng số độc đắc ở Long An
(Dân trí) - "Đang nằm đợi khách trong thùng xe ba gác thì người bán vé số gọi điện nài nỉ mua. Lúc đó tôi nói, mua 20 tờ lúc nào có tiền trả. Ai ngờ chiều hôm đó trúng luôn 3 tờ độc đắc", ông Tuấn kể.
Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng câu chuyện kỳ lạ ông Đỗ Tuấn (52 tuổi, ngụ thị trấn Bến Lức, Bến Lức, Long An) mua thiếu 20 tờ vé số rồi thành tỷ phú vẫn thường xuyên được người dân trong vùng nhắc đến.
Nhiều người cho rằng sự việc ông Tuấn trúng số là những câu chuyện "lạ đời" nối tiếp, có một không hai.
Mua chịu 20 tờ vé số, bất ngờ thành tỷ phú
Theo chỉ dẫn của người trong vùng, chúng tôi tìm đến nhà ông Tuấn, ngôi nhà cấp 4, mái tôn thấp lè tè lọt thỏm giữa những ngôi nhà của hàng xóm, khác xa với tưởng tượng của mọi người về ngôi nhà của một tỷ phú.
Trong nhà, vợ chồng ông Tuấn đang ngồi gia công quai đeo ba lô, căn nhà tuềnh toàng với toàn vật dụng cũ kỹ.
Nhắc đến chuyện trúng số, ông Tuấn tươi cười nói: "Ước nguyện của tôi là xây cho mẹ đang ở quê cái nhà kín trên bền dưới, trúng số, xây xong thì cũng an tâm. Tiền còn lại tôi nghĩ là lộc trời, tôi chia cho anh em bà con mỗi người một ít. Tôi cũng dành một phần chiêu đãi bạn bè, làng xóm và làm từ thiện".
Ông Tuấn kể, ông bắt đầu ra chợ Bến Lức chạy xe ba gác từ hơn 20 năm trước. Hồi đấy kiếm được tiền, ngày nào ông cũng dành hàng trăm nghìn mua vé số nhưng tuyệt nhiên hơn chục năm ròng không trúng bất kỳ giải nào. Có những ngày ông Tuấn mua đến vài trăm tờ vé số nhưng cũng chẳng trúng.
Một ngày cuối năm 2011, vắng khách, ông Tuấn đang nằm nghỉ trong thùng xe thì một người bán vé số gọi. Biết là người gọi nài nỉ mua mấy tờ vé ế nhưng vì bản thân cũng cả ngày không kiếm được đồng nào, không có tiền nên ông Tuấn không nghe máy.
"Hôm đó tôi ế cả ngày nên làm gì có tiền, nhưng nó (người bán vé số) cứ gọi hoài, bực mình nên tôi nghe máy và nói để cho tôi 20 tờ lúc nào có tiền thì trả. Tôi cũng chẳng nhớ dặn để cho mình tờ số đuôi bao nhiêu nữa rồi sau đó cũng chẳng quan tâm đến", ông Tuấn kể.
Chưa chạy xong một chuyến xe để kiếm tiền trả thì người bán lại gọi, ông Tuấn miễn cưỡng nghe máy với thái độ bực dọc. Nào ngờ người bán không hề đòi tiền mà thông báo ông trúng 3 vé độc đắc mỗi vé trị giá 1,5 tỷ đồng cùng hơn 10 vé an ủi mỗi vé trị giá 100 triệu đồng, tổng tiền trúng thưởng là gần 6 tỷ đồng.
"Nghe nói vậy nhưng tôi cũng chẳng tin, tôi chỉ bảo một lúc nữa lấy được tiền thì đến trả nợ rồi tắt máy. Khi tôi đến quán cà phê để trả tiền cho người bán vé số thì hàng chục người đổ ra chúc mừng, có người còn bắt tay, vuốt áo lấy vía khiến tôi bán tín bán nghi.
Cầm xấp vé số và bảng kết quả dò qua một lượt tôi vẫn chưa tin là thật, phải gọi tổng đài hỏi cho chắc. Khi biết mình trúng giải thật, tôi đã nói với mọi người đang có mặt là sẽ mời tất cả đi An Giang du lịch. Tôi cũng trả 200 nghìn đồng tiền nợ và cho người bán vé số thêm một vé độc đắc khiến ai nấy ngỡ ngàng", ông Tuấn vẫn nôn nao khi nhớ đến giây phút bất ngờ thành tỷ phú.
Chia sạch tiền thưởng, chỉ mong được sống bình thường
Ông Tuấn kể tiếp, sau khi lĩnh thưởng ông liền mở tiệc để khao hàng xóm láng giềng và bạn bè. Ông cũng chi hàng chục triệu đồng mời mọi người đi chơi An Giang như đã hứa.
Suốt một tuần từ lúc thần tài gõ cửa, gặp bất kỳ người già, người tàn tật bán vé số thì còn bao nhiêu tờ ông Tuấn cũng mua hết "coi như làm từ thiện". Trong hơn một năm kể từ ngày trúng số, mỗi khi có dịp ông Tuấn đều chi tiền mời bà con bạn bè, làng xóm đi ăn, đi chơi.
Nhìn những người trong vùng vì giàu lên đột ngột nhờ trúng số thì bắt đầu vung tiền mua xe, xây nhà, dẫn đến tâm tính thay đổi, hư hỏng, ăn chơi rồi bán nhà, đổ nợ, ông Tuấn cũng lo mình như thế.
Ông Tuấn bảo rằng tiền bạc dù quý thật nhưng cũng là mầm tai họa, một người chưa từng có nhiều tiền như ông chẳng biết cách dùng tiền sao cho đúng, dễ "bị tiền sai khiến". Vì thế mà ông Tuấn quyết định chia hết tiền cho anh em họ hàng trước sự bàng hoàng của mọi người.
"Tiệc tùng xong thì tôi về quê xây cho mẹ già căn nhà như đã hứa, một căn nhà cấp bốn vừa đủ dùng chứ cũng không đồ sộ gì. Số tiền còn lại, tôi họp anh em họ hàng thân thích chừng 30 người, nhà nào thiếu nợ thì tôi trả giúp, nhà nào nghèo thì tôi cho vốn làm ăn.
Tôi có 2 vợ, vợ nào cũng có năm sáu anh chị em, rồi anh em ruột của tôi, tôi cho đều mọi người chứ không phân lớn nhỏ. Có những người khó khăn nợ nần tôi cho đến mấy trăm triệu đồng. Phân phát hết chỉ còn khoảng 600 triệu đồng làm vốn, trúng số rồi tôi vẫn chạy xe ba gác như thường chứ không thay đổi gì", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn bảo rằng giờ đây khi trong nhà chỉ vừa đủ ăn, mỗi ngày ngồi may gia công chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, nhớ lại có khi mình từng là tỷ phú thì có vài phần tiếc nuối.
Dù vậy, mỗi khi có người hỏi đến "cựu tỷ phú" ông Tuấn lại cười sảng khoái, ông tự nhận mình là người rất may mắn khi trúng số mà vẫn được hưởng cuộc sống bình thường.
"Tôi có 2 vợ, nhà gần nhau nhưng hòa thuận. Tôi lại từng trúng độc đắc để được trải nghiệm cảm giác làm tỷ phú. Giờ về già cũng sống an nhàn, con cái chăm ngoan, nhìn lại cuộc đời tôi thấy mình may mắn", ông Tuấn tâm sự.
Bà Huỳnh Thị Đẹt (52 tuổi) vợ hai của ông Tuấn cho biết thời điểm ông Tuấn trúng độc đắc thì gia đình bà kể cả vợ lớn, vợ nhỏ và các con đều không tỏ ra quá phấn khích. Hai bà vẫn đi làm công nhân bình thường, các con cũng ai làm việc nấy. Khi ông Tuấn phân phát tiền thưởng cho bà con, họ hàng thì gia đình cũng không cấm cản hay phản đối.
"Chỉ cần gia đình hòa thuận là được rồi, tôi không quan tâm tiền của ông ấy. Tôi mà tham, giữ cho mình thì giờ tôi ở nhà đẹp chứ đâu ở nhà như vầy", bà Đẹt nói.
Ông Huỳnh Thanh Phong (53 tuổi), một đồng nghiệp chạy xe ba gác với ông Tuấn ở chợ Bến Lức cũng như nhiều người trong vùng vẫn chưa hết mơ hồ về chuyện ông Tuấn trúng số.
"Người bán vé số thiếu nếu ỉm đi mà đi lĩnh tiền thì cũng chẳng ai biết, đã thế còn đi tìm người trúng để trả cho bằng được. Còn người trúng thì không lấy tiền xây nhà, mua xe mà đi phân phát hết để vẫn chạy xe ba gác, lại cảm ơn người bán vé số đến một tỷ rưỡi, đúng là lạ đời có một không hai".
Ông Phong nhớ hồi ông Tuấn mới trúng số, ông Tuấn rất hay tổ chức, mời mọi người đến ăn cỗ. Có những người ái ngại gửi tiền thì đều bị ông Tuấn từ chối.
Một cán bộ địa phương xác nhận chuyện ông Tuấn trúng số và cho người bán vé số 1,5 tỷ đồng là thật vì người bán vé số này thời điểm đó ở trọ trên địa bàn. Vị cán bộ cũng xác nhận chuyện ông Tuấn nhanh chóng phân phát hết tiền rồi quay lại cuộc sống bình thường là thật.
"Hồi đó chuyện của ông Tuấn xôn xao lâu mới lắng. Ông ấy có mời mọi người đi An Giang nhưng những người đi chuyến đó chủ yếu là bà con họ hàng. Người bán vé số được ông Tuấn cho tiền sau đó cũng có một thời gian rất thân thiết với ông Tuấn.
Ông Tuấn có 2 vợ, sống cạnh nhau nhưng gia đình êm ấm nên địa phương cũng không can thiệp", vị cán bộ cho biết.