Bắn dây chun, giẫm gai hoa hồng: Hành hạ bản thân hay đào tạo bản lĩnh?

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Theo TS Vũ Thu Hương, khi bị rơi vào bẫy thao túng tâm lý, nhiều người có thể nghĩ mình là vĩ nhân, ảo tưởng về sức mạnh bản thân, nghĩ mình có thể làm mọi việc, hoàn thành mọi mục tiêu bán hàng.

 Bắn chun, cõng nhau bước lên cành hồng "vượt ngàn chông gai"

Thời gian gần đây, một số đơn vị, nhãn hàng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán hàng theo hệ thống thường tổ chức các buổi đào tạo người lãnh đạo, truyền đạt kinh nghiệm bán hàng, tăng doanh số, "phá đảo thị trường" với những cách thức gây tranh cãi. Nhân viên sẽ được tham gia những thử thách có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Một công ty ở Hà Nội trong buổi đào tạo người lãnh đạo đã cho người liên tục kéo căng nhiều dây chun đang đeo ở cổ tay 2 người cô gái rồi bật thật mạnh. Lực tác động mạnh và căng khiến tay 2 cô gái tham gia đỏ ửng, phồng rát. Trò chơi được thuyết minh là nhằm "minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh".

Bắn dây chun, giẫm gai hoa hồng: Hành hạ bản thân hay đào tạo bản lĩnh? - 1

Clip ghi lại cảnh bắn chun vào tay trưởng nhóm gây xôn xao (Ảnh: Cắt từ clip).

Cô gái trực tiếp tham gia thử thách "trừng phạt" này chia sẻ rằng, cô thấy rất đau, cảm giác khó chịu tưởng không vượt qua được. Tuy nhiên, khi kết thúc, cô lại cảm thấy được truyền năng lượng và học hỏi được nhiều điều.

 Theo người này, đây chỉ là một thử thách bình thường trong vô số những thử thách đáng sợ mà người bán hàng hệ thống phải vượt qua khi tham gia các khóa đào tạo.

Cách đây không lâu, một công ty mỹ phẩm cũng thực hiện thử thách giẫm lên cành hoa hồng gây xôn xao.

Theo đó, những người tham gia sẽ "vượt ngàn chông gai" bằng cách thay nhau cõng đồng nghiệp bước qua con đường trải toàn cành hoa hồng. Một số người hoàn thành thử thách đã vô cùng xúc động, không ít người bật khóc.

Những thử thách mới lạ khi được chia sẻ nhận về không ít ý kiến trái chiều. Một số cho rằng, các hoạt động này giúp tạo động lực, tăng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với tập thể.

Bắn dây chun, giẫm gai hoa hồng: Hành hạ bản thân hay đào tạo bản lĩnh? - 2

Hành động gây đau đớn nhưng kích thích cảm xúc của người tham gia (Ảnh: Cắt từ clip).

Không ít ý kiến lại khẳng định, đây chỉ là chiêu "làm màu", hành hạ bản thân, không liên quan gì đến công việc kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe.

Khi xem clip, hình ảnh, hầu hết người xem đều nhận ra điều bất thường bởi sự nguy hiểm và những điều kỳ lạ khác thường. Họ cho rằng, đây là cách hành hạ bản thân hơn là truyền đạt kỹ năng, tinh thần bán hàng.

Tuy nhiên, các cá nhân tham gia thử thách lại khẳng định, "chỉ những người trong cuộc mới hiểu", cộng đồng mạng không nắm được thông điệp phía sau nên quá gay gắt.

Thao túng tâm lý, ảo tưởng về năng lực của bản thân

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, việc nhiều người sẵn sàng tham gia các thử thách tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe, thậm chí hô hào, gào khóc theo đám đông là do bị thao túng tâm lý.

Theo TS Vũ Thu Hương, cảm xúc của một người thường bị tác động bởi lời nói, cử chỉ, hành động và nhiều yếu tố tinh thần khác.

Người Việt Nam đề cao cảm xúc nên nhiều người dễ rơi vào bẫy của thao túng tâm lý. Ở những quốc gia mà con người đề cao lý trí như Nhật Bản hay Đức thì câu chuyện này sẽ khó xảy ra hơn vì mỗi cá nhân sẽ quan sát bằng lý trí, quy định của pháp luật.

Vị chuyên gia phân tích, thao túng tâm lý là chiêu thức sử dụng lời nói, hành động, cử chỉ, ánh mắt để tác động về mặt tâm lý nhằm truyền tải thông điệp tới cá nhân.

Cá nhân chịu thao túng tâm lý bị điều chỉnh cảm xúc, quá trình này diễn ra lâu dài có thể khiến nạn nhân thay đổi cả quan niệm sống, suy nghĩ, hành động theo hướng người thao túng muốn.

Ở mức độ cao hơn, người thao túng thậm chí còn điều khiển nạn nhân theo ý mình. Nạn nhân khi ấy không đủ tỉnh táo để hành động theo ý chí, suy nghĩ và hiểu biết của bản thân mà hoàn toàn đi theo định hướng của người thao túng họ.

Bắn dây chun, giẫm gai hoa hồng: Hành hạ bản thân hay đào tạo bản lĩnh? - 3

Thử thách giẫm lên cành hồng (Ảnh: Cắt từ clip).

 "Những tổ chức quản lý nhân sự dựa trên cảm xúc sẽ lựa chọn cách thức đào tạo này. Những người tham gia không sử dụng được lý trí và hiểu biết hàng ngày mà dễ bị cuốn theo đám đông.

Sau đó, họ có thể vẫn tin những gì được nghe, được thấy cho đến khi có ai đó tác động giúp họ hiểu ra vấn đề. Lúc ấy, họ sẽ rất ngạc nhiên là không hiểu tại sao mình từng hành xử kỳ lạ như thế", TS Vũ Thu Hương nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, các mô hình kinh doanh theo hệ thống luôn có màn hô hào, tung hứng, kích thích nhằm tăng sự phấn khích. Khi trải qua thử thách, các nhân viên thấy tự hào về bản thân, nghĩ người thường không làm được mà mình lại làm được nên rất tự hào…

Khi tâm lý bị tác động, cơ thể họ sản sinh ra dopamine (hormone hạnh phúc). Khi lượng hormone hạnh phúc dopamine trong cơ thể tăng cao, họ sẽ có cảm giác vui vẻ, phấn khích, lao vào làm việc. Nhiều người thậm chí "nghiện" cảm giác như vậy nên sẵn sàng tìm mọi cách tìm kiếm cảm giác đó.

Ngoài ra, theo TS Vũ Thu Hương khi bị rơi vào bẫy thao túng tâm lý, nhiều người có thể nghĩ mình là vĩ nhân, ảo tưởng về sức mạnh bản thân, nghĩ mình có thể làm mọi việc, hoàn thành mọi mục tiêu.

Bà Hương cho rằng, không nên tạo ra áp lực từ những thử thách tranh cãi như trên bởi hoạt động này ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của các cá nhân.

"Nếu đến ngày nào đó họ được tác động, thay đổi nhận thức và nhận ra những thử thách mình tham gia là nhố nhăng, năng lực của mình không thực sự được hoàn hảo như đám đông tung hô họ sẽ thấy suy sụp tinh thần và đối mặt với những hệ lụy khó lường", chuyên gia nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc giẫm lên cành hoa hồng, bắn chun vào tay… không phải là phương pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao ý thức về nghề nghiệp hoặc sự cố gắng.

Theo ông Thịnh, những thử thách này chỉ làm tổn thương lòng tự trọng và ý chí tự tôn của người tham gia vào quá trình đào tạo, không liên quan đến hoạt động của cá nhân hay quá trình kinh doanh của một đơn vị.

Ông Thịnh cho rằng, có nhiều cách để làm cho người kinh doanh thay đổi, tăng cường nhận thức của bản thân với công việc, nâng cao trách nhiệm bán hàng. Tuy nhiên, không ai áp dụng cách đào tạo phản cảm này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm