Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học "món lạ" bán không ngơi tay

Diệp Bình

(Dân trí) - Ở tuổi 72, bà Trần Lệ Kim (ngụ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn có tinh thần học hỏi đáng nể.

Dầu trong khuôn bánh đã nóng, bà Lệ cẩn thận cho bột vào. Phân nửa chiếc bánh đã chín vàng, bà cho nhân gồm bắp hạt, thịt... rồi chậm rãi lật nghiêng. 

"Trông đơn giản vậy chứ làm thất bại gần trăm lần", người phụ nữ 72 tuổi nói.

Một bên mắt bị hỏng, tay yếu, chân đi chầm chậm nhưng bà Lệ đã từng lên TP.HCM học làm bánh Takoyaki (bánh bạch tuộc Nhật Bản). Xe bánh của bà nằm tại góc đường Lý Thường Kiệt, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nhận được sự ủng hộ của học sinh các trường quanh khu vực này. 

Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học món lạ bán không ngơi tay - 1

Bà Lệ bên xe bánh Takoyaki của mình (Ảnh: Diệp Bình).

Bà có hàng chục năm bươn chải, mưu sinh đủ nghề, bán trái cây, các loại bánh lá truyền thống... Sau khi chồng qua đời, 5 người con trưởng thành đều có gia đình, lập nghiệp nơi khác, bà sống cùng cháu ngoại. Tuy nhiên, cháu hiện đi học xa, bà đành ở một mình. 

Khoảng 5 năm trước, bà đứng ở vỉa hè bán món cơm cháy. Tuy nhiên, món ăn này dần không thu hút được nhiều khách hàng. "Có khi đứng cả ngày chỉ được khoảng 2-3 phần, chưa đến 200.000 đồng", bà nhớ lại. 

Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học món lạ bán không ngơi tay - 2

Món ăn đòi hỏi sự khéo léo của người thực hiện (Ảnh: Diệp Bình).

Gần đó, có xe bán Takoyaki rất đông khách hàng, bà bèn tìm đến xin học việc. Tuy nhiên, người chủ đã lắc đầu từ chối, cho rằng không ai có thể chỉ công thức cho người ở gần, sẽ tăng sự cạnh tranh.

Bà Lệ suy nghĩ suốt một tuần, quyết định gom 10 triệu đồng dành dụm để lên TPHCM học nghề. Khóa học kéo dài 1 tuần liền, bà ở nhờ nhà sui gia, tự mua nguyên vật liệu làm bánh.

Bà kể: "Người dạy thấy tôi già cả, khăn gói gần 60km để đi học nên họ thương lắm. Tuy nhiên, tôi học hơi chậm vì lớn tuổi".

Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học món lạ bán không ngơi tay - 3

Những viên Takoyaki chín vàng bắt mắt (Ảnh: Diệp Bình).

Takoyaki là loại bánh của Nhật Bản, có nhân bạch tuộc thái hạt lựu, dùng kèm nước sốt. Bà Lệ cẩn thận ghi chép các nguyên liệu, cách pha chế bột... Tuy nhiên, khâu khó nhất là đổ bánh trên khuôn. 

Bà kể, lần đầu tiên đổ bột, bà bị run tay, chế tràn cả khuôn. Bên cạnh đó, việc lật bánh khá khó khăn vì phải đảm bảo bánh chín vàng vỏ ngoài, khi xoay trở mới tạo thành hình cầu. Thao tác này được thực hiện bởi hai chiếc đũa nhọn. Nếu việc lật bánh thất bại, bánh sẽ không thể chín vàng, vỏ sẽ bị lồi lõm, trào nhân ra ngoài.

Suốt một tuần, bà không nhớ hết đã làm thất bại bao nhiêu mẻ bánh. Tập luyện cả tháng trời, những viên Takoyaki của bà mới tròn đầy, đều đặn. "Hàng xóm hai bên nhà được tôi tặng bánh ăn thử đến ngán luôn", bà Lệ cười, nhớ lại.

Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học món lạ bán không ngơi tay - 4

Thành phẩm được bà rắc thêm chà bông (Ảnh: Diệp Bình).

Đêm trước khi dọn bán, bà Lệ đã trằn trọc không ngủ được. Khách đến đông đến nỗi phải xếp hàng, bà phải luôn miệng xin lỗi khi họ đứng đợi. Bánh có 14 khuôn, bà phải liên tục trở bánh để không bị khét.

"Họ càng hối, tay tôi càng run không thể thao tác được. Tuy nhiên, tôi rất may mắn khi nhận được sự ủng hộ của bọn trẻ con", bà nói. Sau vài ngày mở bán, nhiều học sinh góp ý rong biển có mùi vị "khó ăn" quá. Bà dần thay đổi để hợp khẩu vị với người địa phương hơn.

Bà thêm thịt, bắp hạt, cải bắp... vào nhân. Người phụ nữ nghĩ ra cách thay chà bông, sốt tương ớt, mayonaise để có chút cay, thơm béo. Một viên bánh được bán với giá 3.000 đồng, phù hợp với túi tiền học sinh.

Bà Lệ cho biết, do bản thân mưu sinh từ nhỏ nên không thích sống dựa dẫm vào con cháu. Đó là lý do ở tuổi U80, bà vẫn muốn đi học để tự kiếm tiền, trang trải cuộc sống.

Bà chủ động lên YouTube để học hỏi thêm cách làm món ăn đường phố của Nhật Bản, gắn liền với văn hóa của họ. Học sinh có học tiếng Nhật ghé mua, bà hỏi thăm từ "takoyaki" có nghĩa là gì. Từ đó, bà mới biết "tako" là bạch tuộc, "yaki" nghĩa là nướng. 

Bà ngoại U80 vượt 60km, xách cặp đi học món lạ bán không ngơi tay - 5

Bà Lệ quan niệm bản thân phải luôn có tinh thần tự học (Ảnh: Diệp Bình).

Tính đến hiện tại, bà đã có thể thành thục chiên bánh trên khuôn để bánh đạt độ căng phồng, đẹp mắt. Bột bên trong cũng nêm nếm vừa ăn, có thêm trứng gà để tăng độ béo. Bà cho biết, quyết định đi học của bà nhận được sự ủng hộ của các con. 

Phần nào khó nhớ, bà làm đi làm lại nhiều lần. Có thất bại cũng không nản chí, tiếp tục làm đến khi thành công thì thôi. "Mỗi ngày cố gắng một ít. Giới trẻ bây giờ thay đổi không ngừng. Tụi nhỏ thích cái mới, ăn những món được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Bản thân mình cũng phải thích nghi", bà nói.

Khoảng ba tháng trước, một TikToker chuyên chia sẻ trải nghiệm ẩm thực đã tình cờ ghé mua bánh ủng hộ bà. Cô gái này cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước câu chuyện học làm món ăn có nguồn gốc từ nước ngoài của bà.

"Bà lạc quan, vui vẻ và dễ mến", cô nhận xét trong video. Hiện tại, đoạn video này đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên mạng xã hội.