Ám ảnh tắc đường Hà Nội: Về quê lúc 1h, trèo cổng vào nhà vì bố mẹ ngủ say
(Dân trí) - Để tránh tắc đường, nhiều gia đình chấp nhận rời Hà Nội từ 1-2h. Những người không thể về sớm hơn thì chuẩn bị thực phẩm, nước uống chuẩn bị sẵn tâm lý cho một ngày dài.
1h về một mình một đường
Đêm muộn 24/1, sau khi chuẩn bị tươm tất hành lý về quê ăn Tết, anh Nguyễn Nam (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cài 2 lần chuông báo thức. Trước khi ngủ, anh vẫn tranh thủ lên mạng cập nhật tình hình giao thông lộ trình Hà Nội - Thanh Hóa.
Thấy khắp các diễn đàn chia sẻ hình ảnh dòng xe cộ nhích từng chút trên đường, ùn tắc kéo dài trục vành đai 3 ra cao tốc Pháp Vân, anh Nam bàn với bố sẽ chọn lộ trình khác.
"Bình thường từ nhà tôi về Thanh Hóa đi vành đai 3 trên cao ra cao tốc Pháp Vân là nhanh nhất. Tuy nhiên, vì sợ cảnh tắc đường, tôi dự định đi Đại lộ Thăng Long, di chuyển hướng Thường Tín rồi vòng ra cao tốc. Lộ trình này xa hơn nhưng sẽ ít bị tắc cứng", anh Nam nói.
Gần 2h30 chuông đồng hồ báo thức, việc đầu tiên khi tỉnh giấc anh Nam làm là tra Google Maps (ứng dụng bản đồ trực tuyến) để nghe ngóng tình hình giao thông.
Thấy bản đồ báo dọc đường vành đai 3 "xanh" (dấu hiệu cho thấy không xảy ra tắc đường) anh Nam nhanh chóng chốt phương án vẫn đi theo lộ trình quen thuộc. Anh di chuyển thuận lợi ra cao tốc Pháp Vân và lái xe thẳng về nhà, thời gian chỉ mất gần 3 tiếng.
Người đàn ông này cho biết, vợ và con anh đã về quê từ 5 ngày trước để tránh cảnh tắc đường. Anh do phải làm hết ngày 24/1 nên sáng 25/1 mới có thể về quê. "Giao thông Tết năm nào cũng ùn tắc. Vì vậy, gia đình tôi phải tính toán hợp lý, ra về sớm nhất có thể", anh Nam nói.
Chị Đoàn Tuyết, quê TP. Vinh, Nghệ An, gần như không ngủ trước khi về quê. "Chiều tối 24/1, mọi người đổ ra về sau ngày làm việc cuối cùng nên đường tắc là điều dễ hiểu. Tôi dự đoán ngày 25 mọi người về quê còn đông hơn nên bàn với chồng sẽ rời Hà Nội vào thời điểm mà mọi người đã đi ngủ đó là lúc 0h hoặc 1h", chị Tuyết nói.
Tối hôm trước, gia đình chị Tuyết ăn cơm sớm. Chồng chị ngủ 2-3 tiếng để lái xe còn chị Tuyết tranh thủ thu dọn hành lý, sắp xếp quà biếu tặng mọi người. 0h, chị gọi chồng dậy, cả nhà lục tục rời Hà Nội lúc 1h.
"Ra đường lúc ấy cứ một mình một đường, nhà tôi chỉ mất 4 tiếng đã về đến Nghệ An. Về ban đêm có ưu điểm là đường thông thoáng tuy nhiên tôi nghĩ các tài xế phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần minh mẫn, nghỉ ngơi trước khi lên xe đưa cả gia đình về quê. Như thế mới đảm bảo an toàn cho cả nhà", chị Tuyết nói.
Chị Trần Vân rời Hà Nội lúc 1h và chỉ mất 2 tiếng di chuyển về nhà ở Ý Yên, Nam Định. Chị Vân cho hay: "Đường đi rất thoáng, chúng tôi về nhà mà không gặp bất cứ đoạn ùn tắc nào".
Vợ chồng chị Vân gặp tình huống dở khóc dở cười khi về nhà xuyên màn đêm. "Tôi về nhà không báo trước vì không muốn bố mẹ chờ. Về đến nhà cổng đã khóa, bố mẹ ngủ say gọi mãi không ai dậy, chồng tôi phải trèo cổng vào nhà đập cửa sổ một hồi lâu bố mẹ mới tỉnh giấc. Cả nhà được một trận cười", chị Vân bật cười kể.
Về sớm chưa đủ mà phải về thật sớm
Anh Trần Văn Tuấn (nhà ở Nam Từ Liêm) cảm thấy bất ngờ khi có thể về quê một cách thuận lợi. "4h tôi xuất phát từ chung cư, 6h15 đã có mặt ở Tiền Hải, Thái Bình. Dậy sớm quả thực vẫn là chân ái", anh Tuấn nói.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, nhiều người liên tục cập nhật tình hình giao thông ngày Tết ở các cửa ngõ Hà Nội, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam - hướng về các tỉnh Thái Bình, Nam Định, các tỉnh miền Trung, miền Nam…
Khoảng 9h hơn ngày 24/1, anh Quang Trung (Nam Định) chia sẻ: "Cao tốc Pháp Vân điểm qua Vực Vòng ùn tắc nên cảnh sát giao thông đã điều hướng các xe chuyển làn xuống quốc lộ 1A cũ. Ai về các tỉnh Nam Định, Thái Bình… thì đừng lên cao tốc nhé. Đường tắc lắm".
Dưới bài chia sẻ của anh Trung, nhiều người bày tỏ trạng thái ngao ngán khi phải vượt qua các điểm ùn tắc trên đường đi: "Đường về nhà xa quá", "Cuộc di cư lớn nhất năm mọi người cứ bình tĩnh…".
Về quê ở Bắc Giang, chị Vũ Thị Hải Yến thường phải đi qua cầu Thanh Trì. Cây cầu này thường xuyên ùn tắc nên chị không khỏi lo lắng.
Để không phải chôn chân trên đường, năm nay, chị Yến quyết định không đi qua cầu Thanh Trì mà chuyển hướng đi qua cầu Nhật Tân - quốc lộ 18. "Tôi tham khảo thông tin trên các hội nhóm và được nhiều tài xế khuyên đi theo lộ trình này, có vòng vèo một chút nhưng đường luôn thoáng", chị Yến nói.
Giao thông ngày Tết luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, nhất là những người có quê ở xa. Lịch nghỉ Tết mỗi năm 8-9 ngày nhưng nhiều gia đình thường mất 1-2 ngày di chuyển trên đường, không ít trường hợp mệt mỏi, kiệt sức vì tắc đường 2-3 tiếng chưa thể rời khỏi cửa ngõ Thủ đô. Đôi khi chỉ chênh nhau ít phút xuất phát là đã phải chịu cảnh "không lối thoát".
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm (ở Cầu Giấy) dự định lên xe về quê lúc 5h. Tuy nhiên, vì gia đình có con nhỏ, mất nhiều thời gian chuẩn bị buổi sáng khi bé thức giấc không chịu ngủ tiếp, đến 5h40 chị mới rời khỏi nhà. Chị Tâm chuẩn bị trên xe sẵn bánh chưng, giò, bánh mỳ... để chuẩn bị cho một hành trình dài.
"Ra đường khi ấy đã thấy tấp nập, di chuyển khó khăn. Ai cũng có chung tư tưởng về sớm tránh tắc nên lại thành ra đông đúc. Về sớm thôi chưa đủ, phải về thật sớm và cộng thêm chút may mắn", chị Tâm chia sẻ.
May mắn chị Tâm nói ở đây là không gặp phải các vụ va chạm. Bởi một người bạn của chị Tâm về sớm trước chị hơn 1 tiếng, ra khỏi Hà Nội thuận lợi nhưng lại gặp phải vụ va chạm trên đường.
"Tôi nghe bạn kể khoảng 6h sáng 25/1 có vụ tai nạn giữa xe limousine và xe con ở gần đoạn vào trạm thu phí Liêm Tuyền, ùn tắc kéo dài tới 2-3km. Bạn tôi phải mất hơn 30 phút mới thoát được điểm tắc này", chị Tâm nói.
Dịp nghỉ Tết là kỳ nghỉ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam nên nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết của người dân tăng mạnh.
Tại Hà Nội, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng phân luồng các tuyến đường, các tổ CSGT thuộc Cục CSGT còn đi mô tô làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, chống ùn tắc tại cửa ngõ của TP Hà Nội.