Ám ảnh "làng khói" Mẫn Xá: Làng giàu lên nhưng sức khỏe... nghèo đi
(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí, nhiều chuyên gia cho biết họ ám ảnh, bàng hoàng trước hình ảnh ô nhiễm bụi nhôm tại làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Hình ảnh ngôi làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) bị bao phủ bởi thứ khói bụi xám bạc lờ nhờ, không khí đặc quánh, những ngôi nhà tầng cửa đóng then cài quanh năm nhìn tiêu điều, ảm đạm, người dân đi ngủ cũng đeo khẩu trang... do PV Dân trí ghi lại khiến nhiều độc giả không khỏi ám ảnh, xót xa, thậm chí rùng mình.
Mẫn Xá là làng tái chế nhôm quy mô lớn nhất miền Bắc. Trong làng có khoảng gần 3.200 hộ thì có tới 400 lò luyện thủ công.
Nghề đúc nhôm đã đem đến cuộc sống khấm khá cho người dân Mẫn Xá, khiến nơi đây còn được gọi tên khác là "làng tỷ phú" khi nhiều căn nhà tiền tỷ mọc san sát.
Chia sẻ với Pv Dân trí, lãnh đạo xã Văn Môn cũng thừa nhận, làng Mẫn Xá có kinh tế phát triển mạnh, số lượng tỷ phú tương đối nhiều.
Thế nhưng, "cái giá" của sự khấm khá ấy lại "không hề rẻ".
Làng giàu lên... nhưng sức khỏe "nghèo" đi
Chia sẻ với PV, nhiều chuyên gia không khỏi "sốc", cho biết họ ám ảnh, bàng hoàng trước các hình ảnh ô nhiễm bụi nhôm được Dân trí đăng tải, chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những người dân sinh sống trong khu vực.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, để nấu chảy được nhôm và oxit nhôm có trong nhôm, người ta phải cho thêm nhiều phụ gia và dùng nhiệt đốt. Đặc biệt, một số kim loại khi được thiêu đốt từ mức nhiệt 300 độ C trở lên đã nóng chảy, hình thành bụi và xỉ thải, gây ô nhiễm môi trường và tác động trực tiếp tới sức khỏe con người.
Việc sử dụng chất đốt tại các lò đúc nhôm đã sinh ra các chất độc hại có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, da, hệ tiêu hóa,... Dễ nhận thấy nhất là người dân sống tại làng nghề đúc nhôm thường mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi,… thậm chí có thể gây ung thư, tử vong.
"Xỉ thải chứa chất nhôm và oxit nhôm còn sót lại bị oxi hóa thành muối nhôm. Chưa kể trong xỉ thải còn có thể lẫn nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, cadimi,... Khi các chất này bị thải ra môi trường, nước ngấm xuống sẽ thấm hút toàn bộ, sinh ra môi trường axit và hòa tan các kim loại nặng đó vào trong nước.
Quá trình hòa tan này diễn ra từ từ, dần ngấm vào môi trường nước và đất, từ đó bám vào các loài động vật và thực vật như cá, tôm, rau cỏ,... mà con người sử dụng hàng ngày", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, khi người dân ăn cá hoặc rau được tưới tiêu từ nguồn nước ô nhiễm trên, các chất độc hại theo đó ngấm vào trong cơ thể, gây nguy hiểm về mặt lâu dài.
"Hàm lượng chất độc trên tuy ít nhưng vượt ngưỡng an toàn thực phẩm nên con người ăn vào sẽ gây bệnh, dẫn đến tình trạng mắc các bệnh hiểm nghèo, mãn tính.
Đặc biệt những bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên thì càng khó chữa và mất nhiều năm mới phát hiện ra. Khi phát hiện bệnh, bác sĩ cũng chỉ có thể chữa theo triệu chứng, không thể trị tận gốc được cho bệnh nhân. Và khi sức khỏe con người đi xuống dẫn đến giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế chung của xã hội", chuyên gia nhận định.
Làng nghề "đơn độc" trong cuộc chiến với ô nhiễm
Trong khi đó, nói về tình trạng ô nhiễm môi trường dai dẳng, kéo dài nhiều năm qua tại làng đúc nhôm, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, nguyên nhân chính là do thiếu hệ thống thiết bị xử lý phù hợp.
Ngoài ra, nó còn xuất phát từ cơ chế quản lý chồng chéo, từ cấp xã, huyện đến các sở, ngành; từ sự thiếu ý thức của người dân đến vấn đề thiếu tiềm lực, tiềm năng và thẩm quyền của cấp xã cho đến việc thiếu đồng bộ, chưa có tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý chuyên ngành về môi trường và cơ quan quản lý làng nghề.
"Việc lắp đặt hệ thống các thiết bị xử lý khí thải, chất thải đòi hỏi mức chi phí khá đắt, còn người dân làm nghề bằng phương pháp thủ công nên e ngại vấn đề tốn kém. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý môi trường chưa chặt chẽ, các cơ quan chức năng chưa xử lý quyết liệt và thiếu chế tài phù hợp, nghiêm khắc nên việc đổ xỉ thải trộm tái diễn hàng ngày", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Bên cạnh đó, bà An cũng cho rằng, thực trạng ô nhiễm kéo dài nhưng cơ quan quản lý môi trường vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, phổ biến là không hiệu quả, cần kiểm tra quyết liệt, xử lý triệt để.
Về giải pháp khắc phục, vị chuyên gia cho hay, nếu các hộ kinh doanh gặp khó khăn, không có đủ kinh phí lắp đặt hệ thống xử lý thì nên nhờ nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ, từ đó đồng bộ quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn sức khỏe con người cũng như bảo vệ môi trường xung quanh.
"Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc liên quan, tạo cơ chế phù hợp và đề nghị rà soát lại toàn bộ, đánh giá chính xác tình trạng hoạt động sản xuất tại làng nghề.
Về phía Sở Tài nguyên môi trường cần tham mưu cho chính quyền để tạo ra các làng nghề có đầy đủ điều kiện, vừa duy trì được nghề truyền thống và kế sinh nhai cho người dân, vừa không gây ô nhiễm môi trường mà vẫn phát triển được kinh tế, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của đất nước", vị chuyên gia môi trường nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, một số người dân sinh sống tại làng Mẫn Xá cho biết, vì khu vực thiếu nơi lưu chứa chất thải rắn, không có biện pháp xử lý xỉ thải theo quy định nên các hộ kinh doanh, xưởng đúc nhôm vẫn đổ trộm trực tiếp ra môi trường, tràn lan từ tỉnh lộ đến cả nghĩa địa.
Trong khi đó, lý giải về việc tình trạng ô nhiễm kéo dài nhiều năm tại địa phương, ông Bùi Đức Thuyên - Phó chủ tịch xã Văn Môn cho biết, còn tồn tại nhiều vướng mắc.
"Trong quá trình triển khai thực tế, xã cũng gặp nhiều khó khăn do không có đủ thẩm quyền và tiềm lực, tiềm năng để giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, trong công tác giải phóng mặt bằng, một số hộ dân không ủng hộ, đồng tình với chính quyền địa phương về việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang khu xử lý chất thải cứng và chất thải sinh hoạt", ông Thuyên nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, từ năm 2021 đến nay, UBND xã đã xử lý 16 vụ đổ trộm xỉ thải nhôm ra môi trường và xử phạt 1.5 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên các vụ đổ trộm vẫn diễn ra thường xuyên.
Ông bày tỏ mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa và hỗ trợ địa phương có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm kéo dài mà vẫn đảm bảo duy trì phát triển làng nghề, giúp bà con mưu sinh cũng như bảo vệ môi trường.