Ám ảnh cảnh chim trời bị khâu mắt, buộc chân làm mồi nhử đồng loại
(Dân trí) - Những con chim, cò bị thợ săn khâu mắt, cột chân vào sợi dây để làm mồi nhử đồng loại. Phía dưới những lùm cây là ma trận "thiên la địa võng" keo dính được dăng sẵn chờ đón chim trời.
Những năm gần đây, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tại Hà Tĩnh đã ra quân mạnh mẽ, quyết liệt để dẹp bỏ nạn săn bắt chim trời. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương của tỉnh này, thực trạng nhức nhối trên vẫn còn tồn tại.
Cứ vào độ tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi trời bắt đầu chuyển sang Thu, nhiều người dân tại huyện Lộc Hà, Nghi Xuân lại chuẩn bị các loại dụng cụ để săn bắt chim trời.
Ghi nhận của phóng viên tại xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), nhiều người dân nơi đây lợi dụng các vùng rừng phi lao, bụi cây rậm rạp để biến thành những cái bẫy nhằm săn các loại chim như cò, cói, vạc.
Những lùm cây phi lao, cây bụi rậm được người dân dựng thành nhà lán nhỏ. Bên trên ngọn những bụi cây này, các thợ săn sẽ đặt những con chim mồi. Chân của chim mồi được nối với một sợi dây dùng để giật cho con chim vỗ cánh nhằm thu hút, lôi kéo đồng loại. Xung quanh chim mồi được cắm một rừng cây nhạ (keo dính). Khi chim trời phát hiện đồng loại thì sẽ sà xuống và mắc bẫy.
Tại hiện trường săn bắt chim trời, chúng tôi không khỏi ám ảnh khi chứng kiến những con chim mồi bị hành hạ gầy đến trơ xương, nhiều con lúc được giải cứu đã kiệt quệ đứng không nổi. Thậm chí, có những con chim mồi bị khâu cả 2 mắt đến nỗi lâu ngày phần mắt đã bị thối rữa. Phía dưới những lùm cây là la liệt lông chim, cò bị người dân bỏ lại.
"So với những năm trước thì năm nay số người săn bắt chim ít hơn nhiều vì lực lượng chức năng ra quân xử lý nhiều hơn", một người dân ở xã Thịnh Lộc cho biết.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương ra quân quyết liệt nhằm dẹp bỏ nạn săn bắt chim. Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an và chính quyền địa phương cũng đã đồng loạt ra quân để phá bỏ những nhà lán được người dân dựng làm bẫy chim, thu gom các loại chim mồi, chim giả và cây nhạ.
"Hằng năm, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân, đồng thời ra quân xử lý nên nạn săn bắt chim trời đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân còn lén lút để săn bắt chim, cò", một lãnh đạo xã Thịnh Lộc cho biết.
Theo ông Trần Huy Tâm, Trưởng bộ phận Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống săn bắt, giết các loại động vật hoang dã và chim tự nhiên, đơn vị đã ra quân ngay từ đầu năm.
"Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong thời gian vừa qua, nên nạn săn bắt các loại động vật hoang dã, chim trời ở trên địa bàn đã giảm nhiều, nhất là ở xã Thịnh Lộc. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thu gom hàng, phá hàng loạt điểm săn chim, bẫy nhạ, chim mồi", ông Trần Huy Tâm cho biết.
Cũng theo vị này, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để tuyên truyền tới từng hộ gia đình, kết hợp với đồng loạt ra quân để xử lý triệt để các điểm săn bắt, bẫy động vật hoang dã, chim trời.
Một số hình ảnh phóng viên Dân trí ghi lại về nạn săn bắt chim trời: