9x kiếm trăm triệu mỗi tháng nhờ "chế" mô hình rô bốt khổng lồ
(Dân trí) - Từng theo học ngành Nội thất, trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội nhưng Đỗ Đức Mười (SN 1997, Lào Cai) quyết định nghỉ học để theo đuổi đam mê của mình. Đến nay Mười đã là giám đốc một công ty chuyên sản xuất các bộ đồ siêu nhân, nhân vật hoạt hình, rô bốt với doanh thu lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Đỗ Đức Mười sinh năm 1997, quê Lào Cai, đang sống ở Hà Nội là một trong những nhân vật nổi tiếng trong giới cosplay của Việt Nam. Không chỉ là tác giả của hàng trăm bộ siêu nhân, siêu anh hùng “gây sốt” mạng xã hội, Mười còn là giám đốc một công ty chuyên sản xuất, thiết kế các trang phục cosplay, cho doanh thu mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng.
Hẹn gặp Mười khi cậu đang bận rộn tại công xưởng thiết kế cosplay ở Hà Đông. Mười cho biết, đến với nghề một cách rất tình cờ.
Năm lớp 11, nhà trường tổ chức một buổi biểu diễn văn nghệ, hóa trang, vốn yêu thích nhân vật siêu nhân nên Mười đã mày mò may trang phục, hóa thân thành “Người sắt” trong phim Iron Man của Mỹ. Bộ trang phục được Mười thực hiện trong vòng 1 tháng. Để thiết kế giống như thật, Mười lên ý tưởng rồi phác thảo ra giấy, sau đó thực hiện may và lắp ráp theo.
Sau khi hoàn thiện, bộ siêu nhân nặng gần 7kg, với mũ bằng nhựa lên tới 2,4kg và được đích thân Mười mặc, trình diễn ở trường. “Ngày hôm đó, khi mình xuất hiện trên sân khấu cả hội trường như vỡ òa ra, liên tục reo hò thích thú. Tiết mục của mình về sau cũng được bình chọn là tiết mục xuất sắc đại diện cho trường đi giao lưu với các trường khác”, Mười kể.
Sản phẩm đầu tiên thành công ngoài mong đợi khiến Mười có động lực để sáng tạo, thiết kế các trang phục siêu nhân khác. Mỗi sản phẩm làm xong, 9x này đều chia sẻ lên mạng xã hội và trong các diễn đàn của dân chơi cosplay. Không chỉ nhận được hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ và bày tỏ sự thích thú, Mười còn được nhiều shop thời trang đặt hàng theo yêu cầu.
“Mỗi sản phẩm khi ấy, có giá chỉ từ 1-2 triệu đồng nhưng với mình cũng là một số tiền lớn, giúp mình có thêm các khoản tiêu vặt mà không phải xin tiền bố mẹ”, Mười kể.
Khi trở thành sinh viên của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội, Mười vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê cosplay của mình. Thời điểm năm thứ 2 Đại học, nhận thấy nhu cầu thị trường về lĩnh vực này ngày càng lớn, cậu thuê một căn phòng 3 tầng và thành lập một nhóm chuyên thiết kế trang phục cosplay. Để sản phẩm chuyên nghiệp, Mười đầu tư các máy may, máy cắt đồng thời đọc thêm tài liệu, video của nước ngoài về thiết kế các trang phục siêu anh hùng.
“Ban đầu chủ yếu là các đơn đặt hàng nhỏ lẻ, sau đó nhiều người biết đến giới thiệu lẫn nhau. Bọn mình cũng chủ động tìm kiếm khách hàng qua các diễn đàn, mạng xã hội”, Mười kể.
Thời điểm đó,trung bình mỗi tháng Mười và nhóm bạn đạt doanh thu từ 60-80 triệu từ công việc độc đáo này. Cũng chính nhờ nguồn thu ổn định mà Mười không cần phải xin tiền bố mẹ thậm chí có một khoản riêng để tiết kiệm.
Đến năm thứ 3 Đại học, công việc kinh doanh khá bận rộn, các đơn đặt hàng ngày một nhiều lên đòi hỏi Mười phải mở rộng quy mô công xưởng. Lúc này, cậu bạn đã quyết định nghỉ học dành thời gian kinh doanh.
“Thời gian đầu khi quyết định nghỉ, mình phải giấu bố mẹ, âm thầm xoay sở, vay mượn tiền bạc để mở xưởng. Mình nghĩ đơn giản, cơ hội chỉ đến một lần nếu không nắm bắt sẽ dễ bị bỏ lỡ”, Mười nói.
Theo 9x này, các sản phẩm cosplay rất kén người làm. Mỗi bộ trang phục có rất nhiều chi tiết, phụ kiện, mảng màu nên đòi hỏi người thợ không chỉ tỉ mỉ, khéo léo mà phải biết cách quan sát, phối đồ. Để hoàn thành một bộ cosplay đôi khi phải mất một tháng thậm chí lên tới vài tháng.
“Có những bộ đồ nặng tới 50kg, cao 3-4m, với rất nhiều chi tiết nên để hoàn thành không hề đơn giản. Cái khó của cosplay là trang phục không chỉ giống thật mà các đường nét cũng phải tinh tế thế hiện được cái hồn, thần thái của nhân vật được hóa trang”, Mười nói.
Giá cả của các bộ cosplay do Mười thiết kế phụ thuộc vào độ phức tạp, yêu cầu của khách hàng. Trung bình với các bộ đơn giản giá từ 5-10 triệu, những bộ khó có thể lên tới cả trăm triệu đồng/bộ. Theo Mười thời điểm đông khách nhất là dịp đầu và cuối năm khi các lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi. Không chỉ phục vụ dân chơi cosplay mà công xưởng của Mười còn đáp ứng nhu cầu cho các công ty, đơn vị quảng cáo, tổ chức sự kiện. Hiện mỗi tháng công xưởng của Mười cho doanh thu từ 120-150 triệu đồng.
Đỗ Đức Mười cho biết, cậu mong muốn theo đuổi đam mê để phát triển phong trào cosplay ở Việt Nam. Thời gian tới, Mười dự định sẽ mở một cửa hàng trưng bày các sản phẩm do mình làm ra, bên cạnh đó cậu cũng muốn nâng cao trình độ, kỹ năng tạo ra những đồ cao cấp hơn để làm kỹ xảo vật lý cho phim điện ảnh.
Hà Trang
Ảnh, video: Toàn Vũ