5 sai lầm khi mẹ Việt nấu cháo, bột khiến con chậm lớn, kém thông minh
(Dân trí) - Hâm thức ăn nhiều lần, không bổ sung chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày, "thần thánh hóa" nước hầm xương… là những sai lầm phổ biến của mẹ Việt khiến trẻ thiếu dinh dưỡng và năng lượng để phát triển toàn diện.
Không bổ sung chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ
Tại Hội thảo Sức khỏe và An toàn Thực phẩm 2018 tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh, chất béo là nhóm chất bắt buộc phải có trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ do đóng 4 vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển những năm đầu đời, đó là: tham gia cấu tạo tế bào não; sản sinh năng lượng cho toàn bộ hoạt động của cơ thể; cung cấp 3 nhóm acid béo gồm chất béo bão hòa (SFA), chất béo không bão hòa đơn (MUFA) và chất béo không bão hòa nhiều nối đôi (PUFA); hòa tan các vitamin A, D, E, K cần thiết cho cơ thể.
Quá trình phát triển của não trẻ diễn ra mạnh mẽ nhất trong 3 năm đầu đời. Sau quá trình này, não trẻ sẽ hoàn thiện được 80% so với bộ não của người lớn. Trong đó, chất béo vừa là thành phần chủ yếu chiếm khoảng 60% phần vật chất cấu thành não cứng, vừa tham gia cấu tạo tế bào não. Chất béo còn là cung cấp nguồn năng lượng cho bộ não hoạt động ổn định. Do đó, bộ não nhỏ bé của trẻ chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng, nhưng trung bình tiêu thụ đến 20% năng lượng toàn cơ thể trong 3 năm đầu đời.
Ngoài ra, não bộ trẻ cũng cần các loại chất béo như Omega 3, 6, 9, DHA và EPA để giúp trẻ thông minh, có trí nhớ tốt. Những loại chất béo này đặc biệt có nhiều các loại hạt như dầu ôliu, óc chó và trong cá nước lạnh, như mỡ của cá hồi. Nghiên cứu của Đại học Massey (New Zealand) cho thấy, bổ sung các acid béo có trong cá có thể làm tăng chức năng ghi nhớ của trẻ thêm 15%.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, chất béo nên chiếm khoảng 30% năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể, trẻ 6 tháng mới bắt đầu ăn dặm cần 2,5-5 ml dầu mỡ, trẻ gần một tuổi phải tăng lên 10-15 ml mỗi bữa. Cách đơn giản và tốt nhất để bổ sung đủ chất béo cho bé đang độ tuổi ăn dặm là cho 2 muỗng dầu ăn dinh dưỡng cá hồi hoặc dầu ôliu, loại đặc chế dành riêng cho trẻ nhỏ vào nồi cháo hoặc bột ngay khi vừa tắt bếp. Với trẻ lớn hơn, ba mẹ nên cho dầu vào canh hoặc trộn trực tiếp vào salad.
"Thần thánh hóa" nước hầm xương
Nhiều mẹ cho rằng nước hầm xương ống giàu canxi, nên hay dùng quấy bột, nấu cháo cho con với niềm tin “ăn gì bổ nấy”. Trên thực tế, nước xương tạo cảm giác ngon miệng nhưng “nghèo” canxi hơn cả thịt. Chưa kể, trẻ muốn hấp thu được canxi thì tỷ lệ canxi và phốt pho phải cân đối. Nhưng trong nước xương, lượng phốt pho rất thấp.
Khi cho trẻ ăn nước xương hầm, cơ thể sẽ phải lấy phốt pho từ xương cột sống của trẻ, khiến bé bị còi xương. Ngoài ra khi ninh nấu, chất béo động vật trong tủy xương thoát ra, làm xuất hiện váng mỡ chứa nhiều chất béo không tốt gây no, khó tiêu, ức chế hấp thu các chất dinh dưỡng khác.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn phần thịt, cá, tôm, trứng (xay, cắt nhỏ hoặc băm nhuyễn) để bổ sung đầy đủ canxi và các chất dinh dưỡng khác. Theo nghiên cứu INCAP Oriente của Viện Dinh dưỡng Trung Mỹ và Panama (Mỹ), chiều cao lúc 3 tuổi quyết định tầm vóc khi trưởng thành. Nếu trẻ bổ sung đủ canxi, cao 94,5 cm lúc 3 tuổi, khi trưởng thành sẽ có vóc dáng 1m71.
Khẩu phần ăn đơn điệu
Theo các chuyên gia, bữa ăn cần đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất: đạm, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất. Do đó, mẹ cần kết hợp đa dạng các nguyên liệu, chay đổi thực đơn hàng ngày và hàng tuần để cung cấp đủ chất cho bé, đồng thời ngừa biếng ăn.
Chế độ ăn chưa hợp lý về lượng lẫn chất sẽ gây ra tình trạng trẻ không có đủ nguồn dinh dưỡng và năng lượng để cơ thể phát triển toàn diện. Ví dụ, thiếu canxi khiến trẻ sau này thấp còi, khó ngủ, men răng yếu. Thiếu chất béo sẽ không đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động tốt (1g chất béo cung cấp 9kcal, gấp đôi protein và tinh bột), làm cơ thể uể oải, não bộ trì trệ, đồng thời không hấp thu được các vitamin D, A, E, K tan trong dầu mỡ để phát triển chiều cao và xây dựng hệ miễn dịch tốt.
Hâm lại cháo/bột nhiều lần
Ít cha mẹ biết rằng, khi cháo/bột được hâm lại, lượng dinh dưỡng trong thức ăn sẽ mất đi dần đến gần hết và làm cháo/bột có mùi vị khó ăn. Nên hầm một nồi cháo trắng khoảng 3 chén, sau đó múc ra từng chén cháo để nấu riêng. Lưu ý sau khi băm nhuyễn thịt, cá sống, nên đánh tan phần đạm này trong một ít nước lã trước khi bỏ vào nồi nấu chín thì thịt, cá sẽ không bị vón cục. Phần rau củ cũng nên băm nhỏ để trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng và cũng chỉ nên nấu rau một lần.
Không tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp trong từng thời điểm phát triển
Có nhiều trẻ 3-4 tuổi, răng đã mọc đầy đủ nhưng vẫn phải ăn thức ăn được xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, không có kỹ năng nhai nuốt. Lỗi không phải do trẻ mà đến từ việc cha mẹ không tập cho trẻ ăn những thức ăn phù hợp theo từng thời điểm phát triển.
Khi trẻ 6 tháng tuổi, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn bột loãng rồi sệt dần, 7-8 tháng ăn cháo nhuyễn hoặc bột đặc, 12 tháng thì tập quen với cháo nấu còn hột và các thức ăn mềm như phở, bún, nui…, trẻ 2 tuổi mọc đủ răng hàm thì ăn cơm. Máy xay sinh tố do đó cũng phải được sử dụng khác nhau theo từng giai đoạn từ xay nhuyễn sang xay thô, sau đó ăn cháo nấu đánh qua rây, chuyển dần sang cháo còn nguyên hột, cháo đặc, cơm nhão chan canh, rồi cơm hột để tập dần cho trẻ kỹ năng nhai nuốt, xử lý thức ăn.
Để cung cấp đầy đủ lượng chất béo cần thiết trong một ngày cho trẻ, các chuyên gia khuyến nghị ba mẹ nên bổ sung 2 muỗng dầu ăn một ngày (mỗi muỗng 5ml cho mỗi bữa ăn) vào khẩu phần cho con. Nên lựa chọn các sản phẩm dầu ăn dinh dưỡng đặc chế cho trẻ em ở độ tuổi ăn dặm có bổ sung Omega 3, 6, 9, DHA và EPA và Vitamin A, E như dầu olive Kiddy, dầu cá hồi Kiddy… để hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.