5 món quà Việt gợi nhớ văn hóa Tết xưa
Tết nay, chẳng có gì lạ lẫm khi anh nhân viên “quèn” biếu ông sếp lớn cả một chai rượu ngoại hạng sang, rồi thì yến sào, vi cá... Qùa càng độc, càng hiếm, càng "nặng túi tiền" dường như mới xứng là thước đo tấm lòng của người tặng.
Qùa Việt xưa liệu có dần trở nên xa lạ trong văn hóa tặng quà Tết ngày nay?
Nhìn lại người Việt xưa, khi nền kinh tế thị trường chưa có những biến suy, thứ mà họ dành tặng nhau là tấm chân tình. Tùy vào điều kiện kinh tế của người biếu và sở thích của người nhận quà mà chọn quà cho phù hợp. Chẳng phải yến sào, vi cá,.. hay của ngon vật lạ trên trời dưới biển, những món quà quê thể hiện sự trân trọng, hàm ơn, khiến người nhận nhớ sâu, nhớ mãi và không bao giờ nhạt phai.
1. Ô mai – mứt cổ truyền
Ô mai - mứt là nét quà không thể thiếu trên bàn trà Việt. Tương truyền, một khay mứt ngày Tết phải đầy đủ quất, gừng, táo, lạc, ô mai… tương ứng với các vị chua, cay, mặn, ngọt, bùi… tượng trưng cho gia vị của cuộc sống, thể hiện ước muốn vạn sự , bốn mùa trong năm mưa thuận gió hòa .Nhiều loại mứt được bày trên cùng một khay còn mang ý nghĩa hòa hợp, đoàn viên sum vầy.
Chính bởi lẽ đó,ô mai – mứt cổ truyền đã trở thành thức quà biếu Tết được lựa chọn đầu tiên mỗi dịp xuân về. Cho đến nay, trên những con phố nổi tiếng về ô mai như Hàng Đường, Phố Huế,... vẫn tấp nập người qua lại, mua sắm. Dù nhịp sống con người có nhiều thay đổi thì sự hiện diện của những hộp bánh mứt đặt trên bàn thờ gia tiên, những khay mứt – ô mai mời bạn bè, mời khách đến chơi nhà vẫn mãi trường tồn với thời gian.
2. Vải lụa mới
Các cụ ngày xưa thường tiết kiệm, tần tảo cả năm, chỉ mỗi dịp lễ Tết mới dám mang áo mới ra mặc. Chính vì thế, để tỏ lòng hiếu thảo, người Việt xưa thường tặng cho ông bà, cha mẹ một tấm lụa mới hay mảnh vải đẹp để các cụ may đồ diện Tết.
Người xưa cũng thường tặng vải lụa mới cho trẻ con, vừa động viên tinh thần là một hình thức động viên, vừa cầu chúc chúng hay ăn chóng lớn.
3. Gà trống
Sự oai phong của gà trống tượng trưng cho những đức tính cao đẹp mà ông cha ta hằng ao ước như:“vũ” thể hiện khí chất lẫm liệt, “nhân”khi kiếm được thức ăn luôn gọi bầy, “tín” khi luôn cũng gáy đúng giờ. Vì vậy, tặng gà trống cho cha mẹ vào năm mới đồng nghĩa với việc người con muốn thể hiện sự kính trọng và tỏ lòng biết ơn vì cha mẹ luôn đã là chỗ dựa vững chắc. Lòng hiếu thảo của con cái được người xưa bộc bạch theo một cách thật mộc mạc mà chân thành.
Bên cạnh đó, con rể tặng gà trống cho bố mẹ vợ thì có nghĩa rằng anh ta đang muốn thể hiện mình là một người đứng đắn, là một anh chồng tốt, xứng đáng để con gái các cụ trao thân, gửi phận.
4. Gạo mới, bánh chưng
Mùa màng bội thu, cả năm no đủ vẫn luôn là nguyện ước ngàn đời của cha ông ta. Dăm ba cân gạo hay nếp mới được gia chủ chi chút, chọn lọc kỹ càng được đem đi biếu để tỏ ý cung chúc một làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no.
Gạo nếp cũng chính là nguyên liệu để làm ra bánh chưng, món ăn truyền thống không thể thiếu của người Việt vào mỗi dịp Tết. Tấm bánh chưng vuông vắn, biểu trưng cho đất, người Việt cúng bánh chưng cũng để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, trời đất và cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng. Vì vậy mà hàng xóm láng giềng cũng hay tặng nhau vài cặp bánh chưng.
5. Bầu rượu quê
Chén rượu đầu xuân không thể chối từ, Tết không thể thiếu rượu. Theo cổ nhân, bầu rượu quý là nơi chứa đựng tinh túy của đất trời. Tặng bầu rượu, con người muốn chúc nhau sung túc, giàu sang. Vì thế, dịp Tết, người Việt xưa thường tặng nhau những bầu rượu ngon nhất, thơm nhất, thường là của nhà tự nấu.
Bên cạnh đó, dưa hấu đỏ, tranh, câu đố, thực phẩm, cây cảnh... cũng là những món quà truyền thống mà ông bà ta ngày xưa thường biếu Tết. Ngày nay, chỉ một số vùng quê còn lưu lại những phong tục này. Tất cả những phần quà ấy giá trị vật chất không nhiều, song cuộn gói trong đó là tình cảm, sự hàm ơn chia sẻ, là lẽ sống tình người tình đời, chứ không hề tính toán thiệt hơn. Quà biếu ấy, cao đẹp và nhân văn gấp vạn lần những món quà “hàng sang”, “hàng độc” để đổi lấy hư danh và mất đi những giá trị Việt vô giá.