5 lần 7 lượt lên núi mua hoàng mào, đại gia từ chối bán dù được trả tiền tỷ
(Dân trí) - Vị đại gia cho biết, để có được con chim hoàng mào này, ông đã mất rất nhiều thời gian lên Lạng Sơn "săn lùng". Hiện, có người trả ông một tỷ đồng để mua lại con chim nhưng ông không bán.
Trong giới chơi sinh vật cảnh ở Việt Nam, Chương Tailor không còn là một cái tên xa lạ. Vị đại gia trong ngành thời trang nổi tiếng với bộ sưu tập chim đột biến quý hiếm lên tới 76 con với tổng giá trị vào khoảng 10 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số này nhiều con chim hoàng khuyên, chào mào, chích choè than bạch, chích choè lửa bông kiếm trắng, họa mi bạch tạng, chim rẻ quạt bạch tạng… được xem là “độc nhất vô nhị”, ở Việt Nam chỉ mình ông có.
Mới đây, ông lại tiếp tục bổ sung vào bộ sưu tập đắt đỏ một con chim hoàng mào - tức chào mào núi đột biến, mà theo ông đây là con duy nhất ở Việt Nam vào thời điểm này.
Con chim hoàng mào này có màu lông vàng óng bắt mắt, dưới bụng có màu vàng sẫm hơn và ở cổ thì điểm chút lông màu cam đỏ. Con chim có giọng hót thánh thót, bắt tai.
"Tôi đang sở hữu khá nhiều hoàng khuyên, chào mào bạch biến... nhưng riêng chào mào núi đột biến với lông vàng thế này chỉ duy nhất một con", ông Chương cho biết.
Vị đại gia cho biết, để có được con chim hoàng mào này, ông đã mất rất nhiều thời gian lên Lạng Sơn "săn lùng". Biết đến hoàng mào đã lâu nhưng nhiều năm qua, ông Chương chưa thể sở hữu một con cho riêng mình. Có thời điểm, ông đã tìm được một người muốn bán hoàng mào nhưng lại "chậm chân" nên không mua được.
Mới đây, khi nghe tin một người dân tộc ở Lạng Sơn bắt được hoàng mào, ông Chương lập tức lên đường tìm mua. Di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn, ông Chương còn phải đi tiếp 30km đường đồi núi rồi đi bộ vào một bản giáp biên giới. Thế nhưng, mất cả ngày thuyết phục và trả giá rất cao, người này vẫn không chịu bán. Sau đó ông Chương "5 lần 7 lượt" tìm đến, họ đều kiên quyết lắc đầu từ chối.
"Tôi có gửi lại số điện thoại và hy vọng khi họ muốn bán thì sẽ liên hệ với tôi. Nhưng ở đây, họ còn không dùng điện thoại. Cuối cùng tôi đi khắp bản tìm một người có điện thoại, nhờ họ để ý giúp nếu gia đình kia muốn bán hoàng mào thì lập tức liên hệ tôi", ông Chương kể lại.
Sau thời gian sốt ruột chờ đợi, cuối cùng ông Chương cũng nhận được cuộc điện thoại từ Lạng Sơn. Ông vui mừng lên đường để "đón" hoàng mào về Hà Nội. Được biết, số tiền ông trả cho người bán và cảm ơn người hàng xóm trong bản để có được hoàng mào là gần 150 triệu đồng.
Sau khi về Hà Nội, hoàng mào được đặt trong một chiếc lồng gỗ cầu kì do ông Chương đặt làm riêng từ các nghệ nhân. Tương tự như những con chim đột biến khác trong bộ sưu tập của ông Chương, hoàng mào ở trong phòng điều hòa với quy chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm; có người chăm sóc riêng và được thăm khám định kì.
"Chim đột biến không chỉ quý hiếm mà chúng còn rất yếu nên việc chăm sóc phải kì công, chu đáo. Tôi nuôi chim trong phòng điều hòa cả mùa đông lẫn mùa hè. Hàng ngày tôi và người chăm sóc chỉ đưa chim ra ngoài khi thời tiết thích hợp, thường là sáng sớm hoặc chiều tà", ông Chương cho biết.
Mua hoàng mào về Hà Nội không lâu, ông Chương đã nhận được những lời đề nghị mua lại từ một số đại gia khác trong giới sinh vật cảnh. "Một người chơi lan đột biến đã nhiều lần đề nghị mua lại chú hoàng mào này của tôi. Vốn mê lan đột biến nên ông ta cũng mê chú hoàng mào này và mong muốn sở hữu. Ông ta đề nghị mua lại với giá hơn một tỷ đồng. Nhưng tôi không bán", ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, trước giờ ông không tiếc công tiếc của sưu tập chim đột biến và chưa bao giờ bán chim kiếm lời. "Với tôi, mỗi con chim là một người bạn, một niềm vui riêng, có giá trị tinh thần rất lớn. Dù ai đề nghị giá cao gấp 10 - 20 lần tôi cũng không bán".