5 cách nói “Không” khéo léo trên bàn nhậu
Khi ngồi vào bàn nhậu, cánh đàn ông thường có tâm lý là phải uống. Nhưng nhiều người trong số đó tửu lượng không cao, thành ra nâng cốc liên tục là rất khó. Vậy làm thế nào để từ chối mà không làm mất không khí vui vẻ trong bàn nhậu?
Có vô vàn lý do để nam giới cùng nâng cốc: uống vì công việc, tụ họp bạn bè, chia sẻ trục trặc… Năm hết Tết đến, cùng với những bữa tiệc tất niên tân niên, đàn ông lại càng có lý do thoải mái để nâng hết ly này đến ly khác để chúc mừng một năm trôi qua thuận lợi, một năm mới đang đến hanh thông. Cuộc vui cứ thế kéo dài từ bàn này qua bàn khác, từ nhà này sang nhà khác.
Tuy nhiên, đâu phải đàn ông nào sinh ra cũng có tửu lượng tốt. Như anh Phạm Thiện (33 tuổi, nhân viên tiếp thị) chia sẻ: “Tôi vốn dĩ có tửu lượng rất kém, chỉ cần 1, 2 cốc là đã say váng vất rồi. Trong cuộc vui cuối năm của công ty, nếu cụng ly liên tục thì tôi sẽ say, nhưng nếu tôi từ chối thì chẳng khác gì đang từ bỏ cơ hội để mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp, với sếp. Giờ không biết phải làm sao?”.
Rõ ràng để từ chối là một điều khá khó khăn trên bàn nhậu, nhưng để có thể giữ cho bản thân tỉnh táo khi dừng lại đúng lúc mà không làm hỏng không khí cuộc vui, cánh đàn ông có thể áp dụng những cách từ chối mà không làm mất lòng mọi người dưới đây:
Từ chối bằng thức uống khác: Bạn có thể thủ sẵn soda hoặc nước suối để giơ lên nâng cốc cùng mọi người với lời xin phép: “Tôi nghĩ là mình uống đủ rồi, nên xin được tiếp vui bằng cốc nước này!”, hẳn chẳng ai nỡ ép cho bạn say cả.
Từ chối bằng cách đánh trống lảng: Thường thì một khi đã được mời mà không uống là đã mang “nợ” rồi. Để trả “nợ” bạn có thể kể một câu chuyện cười có liên quan đến việc uống bia. Khi cười đùa vui vẻ, mọi người sẽ dễ dàng xuề xòa bỏ qua cho bạn.
Từ chối bằng cách kéo giãn thời gian uống: Bạn có thể viện cớ như quá no bụng rồi, cần đi “xả nước cứu thân”, hoặc chỉ cầm cốc lên cụng rồi nhấp ngụm nhỏ thôi. Cánh đàn ông nhậu để lấy không khí hào hứng là chính mà.
Từ chối bằng cách bày ra trò vui: Bạn có thể đặt ra một luật chơi mang bia ra làm phần thưởng cho người thắng cuộc. Ví dụ như “nhả chữ thành thơ” hoặc bắt vần từ cuối... Chỉ người nào thắng mới được uống bia, như thế cuộc vui vừa hào hứng kéo dài mà vẫn đảm bảo không phải uống nhiều vì bạn có thể… thua.
Từ chối bằng cách đưa ra lý do hợp lẽ: “Để đảm bảo hòa khí thì tôi uống, nhưng để đảm bảo an toàn thì tôi uống ít” chẳng hạn. Hoặc bạn có thể viện lý do nào đó để thoái thác như phải lái xe, dạ dày không ổn lắm…
Thế nhưng, đôi khi cánh đàn ông vì ham vui hoặc cả nể sẽ hiếm khi nói không bị được bạn bè “tận tụy mời uống”. Vì thế, để đảm bảo cuộc vui an toàn, cánh đàn ông có thể học Giáo sư Xoay – Đinh Tiến Dũng về “uống có trách nhiệm” và có thể vần vè để biến cuộc vui thành cuộc cuộc thi đưa ra những lý do để “nếu đã uống bia thì không lái xe, dù chỉ một giọt”.
5 cách nói “KHÔNG” khéo léo trên bàn nhậu
Bên cạnh việc biết dừng đúng lúc, “uống có trách nhiệm” là điều mà cánh đàn ông rất nên lưu tâm để giữ cho một mùa Tết vui vẻ, không chỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân và còn cho mọi người xung quanh.