“Cắm đầu” vào smartphone, bỏ bê con cũng là một dạng bạo hành!

(Dân trí) - “Bạn có tiếp tục làm việc khi đã về nhà và thường chúi mũi vào smartphone để xem… khi đã ngồi vào bàn ăn”, “bỏ bê và vô trách nhiệm với trẻ cũng là một dạng bạo hành”, tác giả Hoàng Anh Tú bày tỏ quan điểm trong cuốn sách “Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành”.

Bạo hành trẻ vốn không phải là đề tài mới mẻ nhưng luôn là một đề tài thời sự khi số liệu thống kê từ UNICEF cho thấy tại Việt Nam có đến 68,4% trẻ ở độ tuổi từ 1 đến 14 trong các cuộc khảo sát cho biết mình bị bạo hành.

Cũng theo số liệu thống kê này ở Việt Nam có hơn 1,7 triệu lao động trẻ em; 172.500 trẻ không được bố mẹ chăm sóc; 21.000 trẻ em đường phố; 12.000 trẻ em vi phạm pháp luật; 2.381 trẻ có HIV/AIDS; 1.067 trẻ sử dụng ma túy. Đó mới chỉ là bề nổi với những con số thống kê được.

“Cắm đầu” vào smartphone, bỏ bê con cũng là một dạng bạo hành! - 1

Cuốn sách “Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành” ra mắt như một chiếc chìa khoá mở cánh cửa của sự thấu hiểu dành cho các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy cô giáo và trẻ em dưới 16 tuổi. Tác giả của cuốn sách là Hoàng Anh Tú (anh Chánh Văn chuyên trả lời thắc mắc tâm sinh lý tuổi mới lớn trên báo Hoa học trò từ năm 2000 đến năm 2012, Facebooker với hàng trăm bài viết gây sốt về dạy con trên mạng xã hội,…) và hoạ sĩ Đậu Quyên (từng vẽ minh hoạ rất nhiều cuốn sách cho thiếu nhi).

Cuốn sách gồm 4 phần: Bạo hành là gì hở mẹ? Con bạn có đang bị bạo hành? Con yêu, bố mẹ luôn ở đây! và Bố mẹ có thể làm gì cho con? Mỗi phần là những gợi ý, tư vấn dễ đọc, dễ nhớ, đặc biệt là có hình ảnh minh họa do họa sĩ Đậu Quyên thực hiện.

Phần 1: “Bạo hành là gì hở mẹ” giúp độc giả có cái nhìn bao quát về bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành tâm lý, bỏ bê và lạm dụng.

Tác giả nhấn mạnh, bỏ bê và vô trách nhiệm với trẻ cũng là một dạng bạo hành thường thấy trong nhiều gia đình, trường lớp và cả ngoài xã hội.

“Bỏ bê và vô trách nhiệm với trẻ cũng là một dạng bạo hành”, tác giả nhấn mạnh.
“Bỏ bê và vô trách nhiệm với trẻ cũng là một dạng bạo hành”, tác giả nhấn mạnh.

Phần 2: “Con bạn có đang bị bạo hành” phản ánh những lầm tưởng của bố mẹ về bạo hành như: Bạo hành có nghĩa là ai đó đánh đập con mình? Kẻ bạo hành là người lạ và người "xấu"; Trẻ thì phải dạy dỗ mới nên người được; Thời gian sẽ chữa lành tất cả...

Tác giả cũng đề cập đến việc lắng nghe cơ thể con, cách phân tích con đang che giấu điều gì với bố mẹ, cách giúp con phòng tránh vấn nạn bạo lực học đường,…

Phần 3: “Con yêu, bố mẹ luôn ở đây” giúp tháo gỡ câu hỏi: Làm sao để bảo vệ con mình trước vấn nạn bạo hành. Tác giả khẳng định mỗi bố mẹ là một chuyên gia và hãy trang bị vũ khi cho trẻ. Tác giả cũng dành những lời khuyên cụ thể, chi tiết cho bố mẹ có con bị bạo hành.

Phần 4: “Bố mẹ có thể làm gì cho con để con không bị bạo hành” đề cập 45 kĩ năng tối thiểu cần phải có cho mỗi trẻ nhỏ. Bộ 15 câu hỏi cùng những gợi ý, đáp án cũng được tác giả xây dựng để bố mẹ có thể chơi cùng con mỗi ngày giúp trẻ có phản xạ tốt với những tình huống xấu.

Ngoài ra tác giả còn dành 10 câu hỏi để thức tỉnh chính các bậc làm cha làm mẹ về những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học có thể ảnh hưởng đến con trẻ như: về nhà là chúi mũi vào smartphone và trả lời email khi đã ngồi vào bàn ăn, tranh cãi với vợ chồng về công việc trước mặt con cái,…

Tác giả cũng đúc rút từ những kinh nghiệm của mình để không cần roi vọt mà vẫn đủ yêu thương trong cách giáo dục con.

“Dạy con không phải chỉ ngày một ngày hai, không phải chỉ có qua vài trang sách mà cần phải duy trì nó thường xuyên và suốt đời. Tin buồn là bạn sẽ còn phải nghĩ đến con ngay cả khi bạn đã là ông bà nội, ông bà ngoại. Tin vui là bạn sẽ hạnh phúc vì điều đó, mỗi ngày”, Hoàng Anh Tú gửi gắm.

Phương Nhung