Visa và bước đột phá khai thác thị trường thanh toán điện tử

Trong 10 năm đầu có mặt tại Việt Nam, Visa chỉ phát hành 150.000 thẻ thanh toán điện tử nhưng một thập kỷ gần đây, Visa đã cán mốc 5 triệu thẻ. Để đạt con số ấn tượng trên, Visa đã có những bước “đột phá” trong khai thác thị trường thanh toán điện tử đáng nể phục.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động của Visa tại Việt Nam, ông Sean Preston, Giám đốc điều hành Visa khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia đã có những chia sẻ thân tình về hoạt động cũng như chiến lược phát triển của Visa tại thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam.

 


Ông Sean Preston, Giám đốc điều hành Visa khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia 

Ông Sean Preston, Giám đốc điều hành Visa khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia 

 

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển thị trường công nghệ thanh toán điện tử, Visa đã có những bước đi tiên phong tại thị trường này như thế nào?

Năm 1995, thẻ Visa của khách du lịch đã được chấp nhận tại Việt Nam nhưng phải hai năm sau, chiếc thẻ tín dụng đầu tiên mới được phát hành trên phạm vi toàn quốc. Năm 2005, Visa mở văn phòng tại TPHCM và liên kết với ngân hàng Eximbank phát hành thẻ ghi nợ đầu tiên.

Cho đến nay, thẻ ghi nợ của Visa đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam, chiếm hơn nửa lượng thẻ phát hành tại đây. Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Visa trên thế giới. Chúng tôi đã gặt hái được nhiều tiến bộ vượt bậc trong ngành công nghệ thanh toán điện tử tại đây hơn 20 năm qua.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức mà chúng tôi phải vượt qua mà điển hình là Việt Nam còn lệ thuộc khá nhiều vào phương thức thanh toán bằng tiền mặt. Tuy vậy, Visa vẫn nhận thấy các dấu hiệu khả quan cho bước chuyển giao của nền kinh tế, bao gồm việc gia tăng sử dụng phương thức thanh toán điện tử như thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng cùng với sự phát triển thương mại điện tử.

Theo ông, tại sao hình thức thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn chưa thật sự quen thuộc với doanh nghiệp hay người tiêu dùng Việt Nam?

Nhìn chung là do nhận thức. Nếu hiểu biết và tin tưởng về việc thanh toán điện tử thì người tiêu dùng sẽ thanh toán bằng thẻ ngày càng tăng nhanh. Chúng tôi tập trung mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ, số lượng thẻ và tập trung khuyến khích vào gia tăng các giao dịch. Khi mà người tiêu dùng hiểu thẻ Visa là biện pháp thanh toán an toàn, tiện lợi và nhanh chóng thì người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng nhiều hơn. Cũng xin được thông báo rằng, khối lượng giao dịch bằng thẻ của chúng tôi năm vừa rồi đã tăng 44%, tổng doanh số thương mại điện tử đạt 49% và mức độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 14%. Điều đó, chúng tôi nhận thấy người dân ở Việt Nam đang chuyển dịch dần và ngày càng giảm bớt thanh toán bằng tiền mặt.

Vậy VISA đã và đang có những chiến lược, giải pháp gì để thay đổi thói quen này cũng như đẩy mạnh hơn nữa hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam?

Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều chương trình để thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi chuyển từ thanh toán tiền mặt sang bằng thẻ. Chúng tôi đang tập trung vào các chương trình chính như: mở rộng mạng lưới thanh toán điện tử, đẩy mạnh thẻ debit card và giáo dục tuyên truyền để hướng dẫn cho người dân về việc quản lý ngân sách của mình, chi tiêu như thế nào cho trách nhiệm, hợp lý. Chúng tôi tập trung ứng dụng những công nghệ mới trong việc thanh toán bằng thẻ để mang lại sự tiện lợi nhất đến với khách hàng.

Ngày nay thanh toán điện tử đang là một thị trường giàu tiềm năng, do vậy có rất nhiều đối thủ đang nhảy vào. Vậy đâu là những giá trị cốt lõi cũng như điểm nổi bật mà Visa mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trong suốt 20 năm qua?

Chúng tôi có những giải pháp toàn diện cho người tiêu dùng lẫn các điểm bán hàng. Chúng tôi có những trung tâm xử lý dữ liệu lớn và có khả năng xử lý nhanh lên đến 56.000 giao dịch/giây. Điều đó, giúp cho mạng lưới ở các máy ATM và mạng lưới ở các điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ được hoạt động xuyên suốt, nhanh chóng và an toàn. Với những công nghệ và khả năng xử lý đó, chúng tôi bảo đảm cho người tiêu dùng và giới doanh nhân an tâm sử dụng tiện ích một cách nhanh chóng và an toàn.

Nói về cạnh tranh, chúng tôi hoan nghênh cạnh tranh tại Việt Nam, càng có nhiều công ty tham gia cạnh tranh trong ngành này thì có nhiều tiền đầu tư và phát kiến về công nghệ mới. Điều đó sẽ mang đến những công nghệ tiện ích hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về tốc độ sử dụng internet, thiết bị điện tử thông minh thì mức chi tiêu cho mua sắm tiêu dùng trực tuyến, thu nhập trung bình ngày càng tăng của người Việt, ông dự đoán bức tranh của thị trường thanh toán bằng công nghệ điện tử của Việt Nam sẽ có màu sắc gì? Và Visa sẽ ghi dấu ấn gì trong chặng đường bước sang tuổi 21 cũng như các năm kế tiếp tại Việt Nam trên bức tranh này?

Tương lai thanh toán điện tử ở Việt Nam rất là tươi sáng. Trong năm tới, chúng tôi sẽ không có thay đổi gì lớn về chiến lược của mình. Chúng tôi sẽ mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ và nâng cao công nghệ. Môi trường công nghệ đã giúp người tiêu dùng Việt Nam sử dụng nhiều hơn với các thiết bị thông minh như điện thoại, tablet, laptop… khiến chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn để đưa ứng dụng không cần thẻ mà vẫn thanh toán được thương mại điện tử bằng các điện tử thông minh.

Trong năm 2016, chúng ta sẽ thấy việc thanh toán không tiếp xúc, không cần cà thẻ hay nhập mã pin. Ở Singapore chúng tôi uống café chỉ cầm thẻ lướt qua máy đọc thẻ là đã thanh toán xong. Tại Singapore thì thanh toán hạn mức dưới 80 USD không cần chữ ký theo kiểu cũ, ở Việt Nam, hạn mức thanh toán dưới 1 triệu đồng/giao dịch thì sẽ không đòi hỏi chữ ký của người mua hàng.

Với công nghệ Pay Wave, chỉ dùng làn sóng lướt thẻ qua đầu đọc không chỉ sử dụng cho thẻ Visa mà còn có thể cài một mã vào điện thoại di động cũng có thể biến điện thoại thành thẻ Visa. Với công nghệ này, chúng ta có thể thiết lập một nút ấn và tắt trong điện thoại và chỉ cần bấm nút là có thể thanh toán thương mại điện thử một cách dễ dàng mà không cần dùng thẻ. Thanh toán bằng thẻ khi sử dụng điện thoại di động sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều so với thanh toán bằng tiền mặt kiểu “thối lui thối tới”.

Nói chung, chúng tôi vui khi ngày càng thấy người Việt Nam sử dụng nhiều hơn các thiết bị thông minh điện tử. Điều đó cũng tạo nên sự cạnh tranh, đồng thời tạo ra cơ hội để chúng tôi tạo ra cơ hội mới.

Xin cảm ơn ông!

Minh Trung (thực hiện)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm