Uber Trung Quốc “bán mình” khi các nhà đầu tư đã chán ngấy vì thua lỗ?

Trong một bài bình luận trên tờ Tech in Asia, tác giả C.Custer cho rằng, việc Uber Trung Quốc “bán mình” cho đối thủ Didi Chuxing có thể là một quyết định bị ép buộc bởi những nhà đầu tư đã chán ngấy việc nhìn Uber đổ tiền vào Trung Quốc mà không giành được nhiều thị phần.

Người ta không rõ số thuế Uber phải nộp ở Việt Nam được bao nhiêu
Người ta không rõ số thuế Uber phải nộp ở Việt Nam được bao nhiêu

“Cuộc chơi của Uber không hề táo bạo”

Truyền thông quốc tế đưa tin về thương vụ Uber sẽ bán công ty của mình tại Trung Quốc cho Didi Chuxing, đối thủ của Uber tại Trung Quốc với giá trị thương vụ 35 tỷ USD. Theo đó, Uber sẽ nhận được 5,89% cổ phần của công ty hậu sáp nhập, tương đương với khoảng 17,7% cổ phần của Didi Chuxing và Didi cũng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào Uber.

Sau khi sự kiện này diễn ra, trong tâm thư gửi Uber Trung Quốc, ông Travis Kalanick, CEO kiêm đồng sáng lập Uber nhắc lại quyết định đặt chân vào thị trường Trung Quốc và cho rằng, đây là “ý tưởng lớn và táo bạo” đặc biệt khi Uber vẫn còn là một công ty khởi nghiệp tương đối nhỏ và không ai tại Trung Quốc đã từng nghe đến.

“Là một nhà kinh doanh cũng có nghĩa bạn là một nhà thám hiểm bẩm sinh, làm những gì mà mọi người nghĩ là không thể… Và tất nhiên, mỗi khi chúng ta rơi vào một cuộc tranh luận về những nỗ lực của chúng ta tại Trung Quốc, đa số mọi người nghĩ rằng chúng ta thật ngây thơ hoặc điên cuồng hoặc là cả hai”, bức tâm thư của vị CEO cho hay.

Tuy nhiên, theo C.Custer nội dung trên đã không hề phản ánh sự thật vì không có gì gọi là đặc biệt táo bạo hay mang tính thám hiểm về việc một công ty công nghệ của Mỹ nhắm tới thị trường Trung Quốc.

“Đây không phải là một vùng nước nằm khuất mà “nhà thám hiểm” Kalanick đã khám phá ra mà là thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Đa số các công ty đạt tới quy mô của Uber đều đã ít nhất cân nhắc việc thử một cuộc chơi tại Trung Quốc”, C.Custer bình luận.

Cũng theo C.Custer, phần lớn mọi người không nói rằng việc Uber gia nhập Trung Quốc là điều không thể, điên cuồng, hay là ngây thơ. “Cuộc chơi của Uber tại Trung Quốc không hề táo bạo hay ngược với lẽ thường, nếu không muốn nói điều này chính là những gì mọi người mong đợi công ty sẽ làm”, C.Custer chia sẻ.

Uber Trung Quốc “bán mình” khi các nhà đầu tư đã chán ngấy vì thua lỗ? - 2

Vì sao Uber phải “bán mình”?

Cũng tại bức tâm thư gửi Uber Trung Quốc, ông Travis Kalanick cho rằng, ông đã học được thành công là lắng nghe cả lý trí và làm những gì con tim muốn, “thương vụ sáp nhập này đã mở đường cho đội ngũ của chúng ta và của Didi với một sứ mệnh vĩ đại, và nó cũng giải phóng một nguồn lực đáng kể cho những sáng kiến táo bạo hướng tới tương lai của những thành phố – từ công nghệ xe tự lái cho tới tương lai của đồ ăn và hậu cần”, Kalanick viết.

Điều này đồng nghĩa, Kalanick đang muốn mọi người tin rằng đây là một quyết định chiến lược hi sinh chính công ty của mình vì lợi ích của hành khách đi xe tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo C.Custer trên thực tế quyết định “bán mình” của Uber có thể là một quyết định bị ép buộc bởi những nhà đầu tư đã chán ngấy việc nhìn Uber đổ tiền vào Trung Quốc mà không giành được thị phần từ Didi.

Theo số liệu thống kê trước đó, Uber đã lỗ hơn 2 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc trong 2 năm hoạt động, khoản lỗ chủ yếu đến từ các khoản hỗ trợ cho lái xe, tiếp thị và khuyến mại. Trong lúc mải miết hiện thực hoá “ý tưởng táo bạo” đối thủ của Uber là Didi Chuxing đã vươn lên chiếm tới 85% thị phần thị trường đặt xe qua ứng dụng tại Trung Quốc trong khi Uber chỉ chiếm 8% do vậy, nhà đầu tư của Uber từ lâu đã đề nghị công ty bán mảng kinh doanh ở Trung Quốc.

“Uber đã mất quá nhiều thời gian và tiền bạc để phủ nhận Uber đã thua tại Trung Quốc. Một năm về trước Didi kiểm soát thị phần lớn nhất của thị trường gọi xe qua ứng dụng của Trung Quốc nhưng chỉ hai tháng trước, với số liệu không khác đáng kể, Phó Chủ tịch chiến lược của Uber Trung Quốc vẫn phát biểu công khai rằng Uber sẽ đánh bại Didi chỉ trong một năm tới”, C.Custer nêu ra.

Trong khi đó, lý giải về thất bại của Uber, Giáo sư William Kirby của trường Kinh doanh, Đại học Harvard cho rằng, Uber không rút khỏi Trung Quốc vì ngại cạnh tranh với Didi mà do các quy định đối với công ty đặt xe sắp được ban hành.

Cụ thể như lái xe của dịch vụ đặt xe qua ứng dụng phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm lái xe và không có tiền án, tiền sự; Các công ty cũng không được phá giá để chèn ép đối thủ hay thống lĩnh thị trường; Các công ty đặt xe qua ứng dụng chịu trách nhiệm đóng thuế và mua bảo hiểm cho khách…

Uber sau khi “bị đá” khỏi thị trường Trung Quốc liệu có chuyển hướng tập trung vào các thị trường khác đặc biệt là Đông Nam Á và Việt Nam là một tâm điểm? Câu trả lời có lẽ là có bởi Uber tại Việt Nam hiện đang “mạnh tay” khuyến mại người tiêu dùng bằng cách liên tục có các mã giảm giá, miễn phí cho người dùng và hỗ trợ lái xe lên đến 50% doanh thu… Tuy nhiên, nhìn vào sự thất bại của Uber Trung Quốc liệu việc hỗ trợ nêu trên không phải là một chiến lược kinh doanh bền vững?

Tương tự, cũng tại Việt Nam, Uber gặp khá nhiều rào cản, bị Bộ Giao thông vận tải trả lại Đề án thí điểm và xây dựng khung pháp lý cho hoạt động dịch vụ kết nối vận tải tại Việt Nam với lý do Uber phải có hiện diện pháp nhân chính thức tại Việt Nam để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các đối tác kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị Uber sửa lại Đề án nhưng được biết cho tới nay, Uber vẫn chưa có động thái nào khác và chỉ có Vinasun và Grab là hai công ty được phép triển khai Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam

Một điểm đáng lưu ý khác, Uber dù đã hoạt động tại Việt Nam từ 2014 đến nay nhưng Cơ quan thuế Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc thu thuế từ Uber.

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm