“Tôi cần kiếm một ngách nào đó để có thể giành lại thị trường”

Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy đã đưa ra quyết định tập trung vào gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đi theo định hướng “chỉ một đậu nành” khi công ty đứng trước bờ vực phá sản.

Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy.
 
Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy.

 

Với tư cách là diễn giả, ông Tụ đã kể lại câu chuyện của mình trong buổi Tọa đàm “Lợi thế Việt Nam – Bắt đất hóa tiền” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư đồng hành cùng thương hiệu Royal Salute tổ chức tại Đà Nẵng. Đây là buổi Tọa đàm thứ 2 trong chuỗi sự kiện giải thưởng “50 Nhà Lãnh Đạo Doanh Nghiệp – Mark of Repest 2014”.

 

Ông đã lấy chính trường hợp của Vinasoy để nói về các lợi thế sẵn có của nông nghiệp Việt Nam, hướng đi mà ông đã chọn để cứu công ty của mình. Nếu biết cách đầu tư đúng hướng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế từ ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

Đối mặt với hai đối thủ lớn trên thị trường sữa, kem, yaourt lúc bấy giờ là Vinamilk và Dutch Lady, nhà máy sữa Trường Xuân (tiền thân của Vinasoy) dần mất hết thị phần vào tay đối thủ. Trong 3 năm kể từ năm 2000 với mức đầu tư và khoản lỗ đã lên đến 90 tỷ đồng, công ty gần như bị loại bỏ khỏi thị trường. Để tránh phá sản, lúc này ông Tụ phải tìm đến một ngách thị trường nào đó còn bỏ ngỏ, tránh cảnh “lấy trứng chọi đá” may ra mới có thể cứu được công ty.

 

Ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy.
Để có được các sản phẩm nông nghiệp tốt, cần gia tăng giá trị bằng cách biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm tiêu dùng nhanh.

 

Với cơ duyên có phần may mắn, khi sữa đậu nành Fami (một trong những dòng sản phẩm chiếm tỉ trọng nhỏ nhất của nhà máy sữa Trường Xuân) được chọn làm sản phẩm độc quyền trong chương trình “Dinh dưỡng học đường”, cung cấp sữa cho học sinh vùng sâu vùng xa do Bộ Nông nghiệp Mỹ triển khai thực hiện tại Việt Nam. Khi đó, nhờ hợp đồng ký được trong vài năm, sau hơn 4 năm loay hoay thoát lỗ và tìm định hướng phát triển, Vinasoy đã tạm an toàn trước nguy cơ phá sản.

 

Ông Tụ chia sẻ, lúc đó, Vinasoy chưa hiểu nhiều về sản phẩm mình đang làm, cứ nghĩ họ chọn sữa đậu nành vì giá rẻ, đáp ứng được quy mô lớn cho chương trình. Tuy nhiên, thực tế họ chọn sữa đậu nành vì đó là loại sữa phù hợp nhất với trẻ em, đặc biệt là với trẻ em mới làm quen với sữa, nhiều dinh dưỡng nhưng lành tính (do không có đường lactose gây dị ứng, chướng bụng ở trẻ).

 

Hơn 7 năm đồng hành cùng chương trình, Vinasoy càng ngày càng “ngộ” và “thấm” hơn sự kỳ diệu của đậu nành. Từ đó, Vinasoy quyết tâm theo đuổi chiến lược “chỉ một đậu nành”.

 

Theo ông Tụ, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay không đạt hiệu quả kinh tế cao là do chỉ xuất bán dưới hình thức nguyên liệu thô. Vì vậy, để có các sản phẩm đạt giá trị cao như của Vinasoy, cần phải có sự đầu tư vào dây chuyền sản xuất, biến các sản phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh có giá trị gia tăng cao mới đạt được hiệu quả kinh tế tốt.

 

Chuyên tâm vào phát triển các vùng nguyên liệu trồng đậu nành, ông Tụ đã đi đến 27 tỉnh thành trên cả nước, là những vùng có thể trồng được cây đậu nành. Ông đã lấy giống đậu nành từ viện giống cây trồng, phát mẫu cho nông dân và hướng dẫn nông dân trồng giúp năng suất tăng lên từ 10 – 15%. Theo đó, tập trung phát triển duy nhất các sản phẩm từ đậu nành giúp Vinasoy tăng doanh thu hơn gấp 150 lần từ 20 tỷ lên 3.100 tỷ chỉ trong vòng 12 năm.

 

Tại Việt Nam có rất nhiều loại cây trồng có khả năng phát triển và trở thành sản phẩm thương mại mà doanh nghiệp có thể đầu tư. Vinasoy đã tìm ra tiềm năng phát triển của cây đậu nành, trước khi Vinasoy tìm ra điều đó, chúng ta đang ngồi trên đống tiền mà không biết.

 

Việt Nam hiện có lợi thế rất lớn về đất đai và khí hậu. Chúng ta nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới, có thể trồng cây quanh năm. Khác với các quốc gia nằm trong vùng khí hậu ôn đới, họ chỉ có thể trồng cây trong 6 tháng, việc điều khiển nhiệt độ thích hợp để trồng cây quanh năm là rất tốn kém. Có thể thấy Việt Nam đang nắm giữ lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp nhưng chúng ta thực sự chưa khai thác được hết các tiềm năng đó.

 

Nếu các doanh nghiệp biết cách nắm bắt, nhìn ra được lợi thế của nông nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể “Bắt đất hóa tiền” trong tương lai.

 

Đ.Phạm