Tập đoàn GFS mở rộng đầu tư vào Thanh Hóa
(Dân trí) - Ngày 24/10 tại Hà Nội, Tập đoàn GFS và đại diện chính quyền địa phương huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác toàn diện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai bên.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng dự án Thủy điện Sông Âm với công suất 13 MW tại xã Tam Văn - huyện Lang Chánh, Tập đoàn GFS sẽ tiến hành nghiên cứu đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc tại địa phương này.
Cùng với việc phát triển lĩnh vực bất động sản đã đạt được nhiều thành tựu, với chiến lược đưa Khoa học - Công nghệ làm định hướng phát triển của Tập đoàn, GFS lấy Viện Công nghệ GFS làm hạt nhân, đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu doanh thu của Tập đoàn sẽ được điều chỉnh là 70% từ khoa học – công nghệ với trọng tâm là nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc, bền vững; 30% từ bất động sản và các hoạt động khác. Trong nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc, GFS đầu tư 70% cho dược liệu với khát vọng “Đưa Việt Nam trở thành vườn dược liệu của thế giới” và 30% là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác, bao gồm thực phẩm chất lượng cao.
Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi, ở quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ quy trình nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu quý hiếm, thực phẩm hữu cơ đặc sắc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ…GFS tiến tới xây dựng các mô hình nông thôn mới hiệu quả, thân thiện, đặc biệt là chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ khác từ dược liệu là du lịch sinh thái, điều dưỡng gắn với văn hóa, trân trọng các giá trị văn hóa độc đáo của phương Đông.
Chia sẻ về chiến lược phát triển của tập đoàn, ông Phạm Thành Công – Chủ tịch Tập đoàn GFS cho biết: “Để có thể hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc, chúng tôi cần những không gian đủ rộng để có thể phát triển ở quy mô công nghiệp và điều kiện về đất đai, thổ những, khí hậu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của nông nghiệp hữu cơ. Lang Chánh với tiềm năng đất sạch cùng khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ là địa điểm lý tưởng để Tập đoàn GFS nghiên cứu đầu tư”.
Là huyện miền núi nằm ở phía Tây - Tây Bắc của tỉnh Thanh Hoá, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 100km, huyện Lang Chánh có diện tích tự nhiên hơn 58.659 ha; dân số khoảng 49.000 người với 21.000 người trong độ tuổi lao động. Nằm ở độ cao khoảng 500m - 700m so với mặt nước biển, Lang Chánh có khí hậu mát mẻ, có nguồn nước sạch từ 3 con sông, đất đai phì nhiêu… hoàn toàn phù hợp với việc trồng cây dược liệu và thực phẩm hữu cơ.
Với tiềm năng, thế mạnh của hai bên, ông Phạm Đăng Lực – Bí thư huyện ủy Lang Chánh tin tưởng việc hợp tác sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho Lang Chánh, góp phần cải tạo, phát triển kinh tế địa phương. “Việc GFS lựa chọn những địa phương còn nhiều khó khăn như Lang Chánh để đầu tư phát triển không chỉ mang ý nghĩa to lớn về kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn cao cả, phát triển bền vững. Huyện Lang Chánh ủng hộ về mặt chủ trương và cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Tập đoàn GFS có thể sớm khảo sát, lên phương án để trình các cấp phê duyệt trong thời gian sớm nhất”, ông Phạm Đăng Lực cho biết.
Cũng nhân dịp này Tập đoàn GFS đã trao tặng quỹ Khuyến học huyện Lang Chánh món quà trị giá 500.000.000 đồng.
PV