SHB chung tay ủng hộ người dân vùng lũ
(Dân trí) - Trong những ngày qua, người dân cả nước đều đang hướng về các tỉnh vùng cao phía Bắc sau trận mưa to kèm lũ lụt, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Với tinh thần tương thân tương ái, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã trực tiếp tới thăm hỏi, tặng quà và chia sẻ khó khăn với bà con tại các huyện biên giới hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang với số tiền ủng hộ hơn 500 triệu đồng.
Hơn mười ngày sau khi trận lũ lịch sử quét qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu và Hà Giang vẫn còn ngập trong nước, nhà dân cùng các công trình sinh hoạt bị cuốn trôi, vùi lấp, nhiều gia đình vẫn bị cô lập, gặp khó khăn trong sinh hoạt...
Ngay sau khi nhận được thông tin thiệt hại do mưa lũ gây ra, Công đoàn ngân hàng SHB đã phát động chương trình thiện nguyện, quyên góp được hơn 500 triệu đồng để hỗ trợ bà con vùng lũ. SHB đã phối hợp cùng bộ đội biên phòng trực tiếp tới thăm hỏi bà con 3 huyện Phong Thổ, Tân Uyên, Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu và 2 huyện Vị Xuyên, Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Đây đều là những huyện biên giới chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn sau trận lũ quét lịch sử.
Hàng trăm phần quà đã được SHB chuẩn bị, vận chuyển lên Lai Châu, Hà Giang và trao tận tay các gia đình chịu thiệt hại sau thiên tai. Bên cạnh các nhu yếu phẩm thiết thực như gạo, gia vị…, Ngân hàng ủng hộ mỗi gia đình từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng tiền mặt với mong muốn giúp các gia đình có thể phần nào khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra, để bà con sớm ổn định lại cuộc sống. Riêng đối với các gia đình không may có người thân mất trong cơn lũ, SHB đặc biệt ủng hộ thêm mỗi trường hợp 3 triệu đồng nhằm chia sẻ với những mất mát, đau thương của bà con.
Chị Xìn Văn Xiềng – Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu – cho biết dù may mắn hơn các gia đình khác khi không có thiệt hại về người nhưng nương rẫy đã bị sạt lở đã quá nửa, toàn bộ vật nuôi bị cuốn trôi. “Gia đình tôi rất cảm ơn sự chia sẻ, quan tâm kịp thời của các anh các chị ngân hàng SHB", chị Xiềng xúc động, chia sẻ khi đón nhận tấm lòng cùng sự ủng hộ của ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB chia sẻ: “Những món quà cũng chính là tình cảm, tấm lòng của SHB với mong muốn chia sẻ với những mất mát mà người dân vùng lũ đang gặp phải. Chúng tôi mong bà con sớm khắc phục những khó khăn và ổn định cuộc sống.”
Chia sẻ yêu thương luôn, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn là truyền thống văn hóa được SHB xây dựng, duy trì liên tục trong suốt chặng đường gần 25 năm xây dựng và phát triển. Bằng nhiều hình thức khác nhau, việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn dần trở thành truyền thống nhân văn tốt đẹp trên toàn hệ thống SHB. Mới đây nhất, trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, SHB đã đồng loạt triển khai chương trình “SHB – Chia sẻ yêu thương” tới khắp các tỉnh, thành SHB có chi nhánh hoạt động, tặng 6.000 suất quà cho trẻ em nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn,…với tổng số tiền lên đến 5 tỷ đồng cùng nhiều hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa ý nghĩa khác.
Những đóng góp từ hoạt động từ thiện vì cộng đồng của SHB đã, đang và ngày càng thắp sáng lên ngọn lửa tình thương, khơi dậy lòng nhân ái vốn đã là truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được thành lập từ năm 1993. Trải qua gần 25 năm xây dựng và phát triển, SHB hiện là 1 trong 5 Ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng Thương mại uy tín nhất Việt Nam, Top 500 Ngân hàng mạnh nhất Châu Á....
Tính đến hết 31/3/2018, SHB có tổng tài sản đạt 286.904 tỷ đồng. Vốn điều lệ ở mức hơn 12.036 tỷ đồng. Với gần 7.000 cán bộ nhân viên, mạng lưới rộng hơn 500 điểm giao dịch ở Việt Nam, Lào và Campuchia, SHB đang phục vụ gần 4 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. SHB đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức uy tín trong nước và Quốc tế.
Với tôn chỉ hoạt động “Đối tác tin cậy, Giải pháp phù hợp”, chiến lược của SHB là trở thành Ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại hàng đầu Việt Nam, tiến tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính mạnh theo chuẩn quốc tế vào năm 2020.