Phát triển doanh nghiệp ở huyện Hoài Đức: Luồng gió mang tư duy mới

Sau 8 năm thực hiện, dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, giống như một luồng gió mang tư duy mới về quản trị doanh nghiệp, xây dựng nông thôn mới cho người dân nơi đây, giúp các doanh nghiệp địa phương biết cách tạo thế đứng vững chắc để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Thúc đẩy môi trường làm việc an toàn- hiệu suất- chuyên nghiệp

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên cả nước, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Khối doanh nghiệp này vừa là động lực tăng trưởng, và cũng là xương sống của nền kinh tế quốc dân, là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…Chính vì vậy, công tác hỗ trợ DNNVV được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy khu vực doanh nghiệp này đổi mới sáng tạo, phát triển, đóng góp ngày càng cao cho nền kinh tế.

Một khóa tập huấn của dự án phát triển DNNVV tại huyện Hoài Đức
Một khóa tập huấn của dự án phát triển DNNVV tại huyện Hoài Đức

Trong xu thế phát triển chung của đất nước, cũng như của Hà Nội, huyện Hoài Đức hiện có gần 3.000 doanh nghiệp đang đầu tư hoạt động và hơn 10.000 hộ sản xuất kinh doanh (SXKD), sự phát triển của các doanh nghiệp và hộ SXKD đang góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế chung của huyện.

Trong những năm qua với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và tâm huyết của Tổ chức Thanh niên với sứ Mệnh Youth With A Mission (goi tắt là YWAM), triển khai thực hiện dự án phát triển nông nghiệp nông thôn, bảo vệ môi trường, đặc biệt triển khai thực hiện dự án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Hoài Đức đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ SXKD phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ- thương mại, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Ông Đỗ Đức Chung-Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Thực hiện chỉ đạo của chính phủ về tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, ngoài về mặt bằng, ngoài các điều kiện về hạ tầng kinh tế xã hội, huyện vẫn đầu tư nhưng một vấn đề hết sức quan trọng đó là kiến thức quản trị, kiến thức điều hành, kiến thức tổ chức và đảm bảo hoạt động sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường đủ sức cạnh tranh bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, và giải quyết vấn đề xã hội đó là giải quyết lao động, an sinh là hết sức quan trọng

Dự án được triển khai từ năm 2009 đến nay thu hút đông đảo sự quan tâm của hầu hết các chủ doanh nghiệp trong việc tiếp cận dần với các cơ chế, chính sách xuyên suốt, điều kiện để đầu tư cả về quy mô, lẫn thị trường mới trong sản xuất kinh doanh, ổn định để có thể tự cạnh tranh bằng thực lực trong nền kinh tế thị trường. Dự án cũng góp phần nâng cao sự chuyên nghiệp trong việc quản trị, điều hành doanh nghiệp, quản lý lao động, cơ sở vật chất, mặt bằng, năng lực về thị trường hay thủ tục pháp lý… nhằm giảm những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất kinh doanh thúc đẩy môi trường làm việc an toàn- hiệu suất- chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam có vị thế để đi tới tương lai

Là người luôn theo sát dự án, Bà Roslyn Jackson - Giám đốc Tổ chức Thanh Niên Với Sứ Mệnh (YWAM) đại diện tại Việt Nam cho rằng: “Cho đến thời điểm này chúng ta có thể chứng kiến các thành quả của nhiều học viên ứng dụng những gì họ học và thúc đẩy nó. Vì thế chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp thành công đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho các lao động địa phương.

Chúng tôi cũng thấy môi trường làm việc của người lao động cải thiện rất nhiều, và điều kiện lao động cũng an toàn hơn nhiều, nơi mà các chủ doanh nghiệp hiểu vai trò lãnh đạo doanh nghiệp chứ không chỉ tất bật việc nọ, việc kia để có giải quyết các vấn đề phát sinh. Các doanh nghiệp Việt Nam có vị thế để đi tới tương lai, đặc biệt khi Việt Nam đổi mới, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, sản xuất và tôi thấy các học viên có vị thế tốt để phát huy các nguồn lực họ có”.

Bà Roslyn Jackson – GĐ Tổ chức Thanh Niên Với Sứ Mệnh (YWAM) đại diện tại Việt Nam
Bà Roslyn Jackson – GĐ Tổ chức Thanh Niên Với Sứ Mệnh (YWAM) đại diện tại Việt Nam

Đổi mới DN trong tiến trình hội nhập là một yêu cầu cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, mở rộng thị trường của DN thông qua các lớp tập huấn về quản trị doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất kinh doanh; các buổi tư vấn nhóm lớn theo chủ đề, các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao kiến thức, kĩ năng quản trị sau các đợt tập huấn. Bên cạnh đó là hoạt động truyền thông về hậu quả của sự cạnh tranh không lành mạnh và sự cần thiết hợp tác để phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp; thăm các mô hình làm ăn thành công sau khi tham dự lớp tập huấn và tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ ứng dụng công cụ và kiến thức đã học từ lớp tập huấn; khẳng định rõ tầm quan trọng của người đứng đầu DN đối với vận mệnh của mình trong việc vận dụng tối ưu hóa vào sản xuất, thực hiện văn bản quản trị nội bộ và xây dựng thương hiệu từng bước bền vững.

Ông Vương Trí Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại và Kinh doanh Tùng Lâm một trong những doanh nghiệp chia sẻ: Nhờ hỗ trợ của tổ chức YWAM công ty đã thực hiện được nhiều chương trình, những công cụ đưa vào sản xuất như quản trị nội bộ có nhiều mặt tích cực trong công tác lãnh đạo khi đưa ra những đường hướng mục tiêu mới chỉ ra được từng chi tiết công việc cụ thể làm cho tất cả bộ phận trong công ty có những bước đi nhẹ nhàng, không bị áp lực trong công việc.

Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó DN đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững đó. Nhằm đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, trong thời gian qua việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN đang được đặc biệt quan tâm và chú trọng, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hiện tại, có một số DN ngày càng quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững. Họ không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DN mà còn kết hợp với thực hiện các mục tiêu xã hội, đảm bảo môi trường nơi làm việc, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng luôn được các DN đặt lên hàng đầu.

Tám năm triển khai thực hiện dự án phát triển DNNVV tại huyện Hoài Đức là khoảng thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn, đủ để DNNVV nhận thấy muốn tồn tại và phát triển vững chắc trong thời kỳ hội nhập, cần xác định rõ vai trò vị trí của mình, phát hiện đúng xu thế phát triển của thời đại, của thị trường và của địa phương mình trong thời kỳ hội nhập, biết cách tạo thế đứng thật vững chắc để tồn tại và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng cần nhận được sự đồng lòng từ các cấp chính quyền địa phương, Ban quản lý dự án, các hội phụ nữ, doanh nghiệp, nông dân… để các DNNVV của huyện Hoài Đức tự tin hội nhập với bạn bè quốc tế.

Những con số biết nói

Sau 8 năm thực hiện, dự án phát triển DNNVV huyện Hoài Đức đã tổ chức được 12 lớp quản trị doanh nghiệp; 623 buổi tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp. Dự án giúp đào tạo trực tiếp hơn 900 công nhân viên về 5S và tối ưu hóa sản xuất; tác động tới gần 12.000 lao động cố định và thời vụ đang làm việc tại hơn 1.000 doanh nghiệp.

Gần 2.000 cán bộ nòng cốt tại 20 xã, thị trấn trong huyện được đào tạo để tận dụng nguồn lực địa phương trong phát triển kinh tế, tư duy mới trong công tác chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu hoàn thiện xây dựng nông thôn mới…

Lan Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm