Ông Tatsuya Koiwa, Giám đốc Nhà máy Bia Sapporo Việt Nam: “Men người” quyết định men bia

Có mặt ở Việt Nam chỉ mới 3 năm nhưng Sapporo đang dần trở thành thương hiệu quen thuộc. Ngoài những chiến dịch marketing lớn và những hoạt động xã hội ấn tượng, bí quyết để Sapporo chinh phục khách hàng là hương vị.

Trong một thị trường hội tụ gần như tất cả các ông lớn của ngành bia trên thế giới như Việt Nam, ấn tượng về hương vị chính là chìa khóa để mở cánh cửa thị trường. Nhưng, rất nhiều người khẳng định, dù cùng sản phẩm, cùng một chất lượng, nhưng vị bia Sapporo ở Việt Nam vẫn có nét riêng so với Nhật. Ông Tatsuya Koiwa, Giám đốc Nhà máy Bia Sapporo tại Việt Nam, vị chuyên gia nấu bia đã gắn bó với Sapporo hơn 20 năm qua, lý giải những thắc mắc này.

Xuất hiện khá nhiều trong những sự kiện marketing lớn, tính đến nay, theo ông, Sapporo đã có đủ thời gian để làm quen với người tiêu dùng (NTD)?

Sapporo có nhờ đối tác thứ 3 nghiên cứu và được biết, độ nhận biết về thương hiệu ở các thành phố lớn như TP.HCM của chúng tôi đã đạt hơn 90%. Ở các tỉnh thành lân cận, độ phủ chưa đạt đến mức này nhưng chúng tôi vẫn có mặt đầy đủ ở hệ thống các siêu thị, cửa hàng lớn nên có thể nói, Sapporo đang định hình và trở nên quen thuộc ở thị trường VN.

Ông Tatsuya Koiwa – Giám đốc nhà máy Sapporo Việt Nam tại Long An.
Ông Tatsuya Koiwa – Giám đốc nhà máy Sapporo Việt Nam tại Long An.

Theo ông, NTD nhớ gì khi nhắc đến Sapporo, hương vị hay thương hiệu?

Theo nguyên lý kinh doanh, giai đoạn này NTD chủ yếu nhớ đến thương hiệu Sapporo hơn là ấn tượng về hương vị đặc trưng của sản phẩm. Chúng tôi đang cố gắng để người dân VN biết đến mình nhiều hơn vì phải biết thì KH mới thử. Kinh nghiệm bán hàng của Sapporo cho thấy, KH cần phải có thời gian. Khi đã thử thì tôi tin là hương vị của Sapporo có thể chinh phục người dùng.

Tuy nhiên, như vậy không đồng nghĩa là hiện nay chúng tôi chỉ chăm chỉ làm thương hiệu mà xao nhãng đầu tư khâu sản xuất. Sapporo phải luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm ở mức cao nhất để chinh phục KH mới và giữ chân KH cũ.

Ông dự đoán, bao lâu thì Sapporo có thể chinh phục NTD bằng chính hương vị của mình?

Thật khó để đoán định một mốc thời gian cụ thể nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện các kế hoạch chinh phục người dùng dựa theo mục tiêu, chiến lược trong ngắn hạn và trung hạn ban đầu đề ra. Từ đó, Sapporo hướng đến mục tiêu dài hạn là trở thành hương vị bia được yêu mến và không thể thiếu trong đời sống ẩm thực VN.

Với chính sách phát triển phù hợp, Sapporo hiện đang là thương hiệu yêu thích của người tiêu dùng.
Với chính sách phát triển phù hợp, Sapporo hiện đang là thương hiệu yêu thích của người tiêu dùng.

Nói vậy nghĩa là việc sản xuất của Sapporo ở Nhật có khác với thị trường các nước?

Sapporo có gần 140 năm gắn bó với việc nấu bia và vẫn không ngừng hoàn thiện. Ở thị trường các nước, tuy vẫn áp dụng chung công thức lẫn bí quyết sản xuất nhưng chúng tôi có vài điều chỉnh nhỏ để thích hợp với khẩu vị của người dân bản địa. Ví dụ ở VN, NTD có thói quen uống bia với đá nên sản phẩm phải thích hợp dù họ có uống với đá hay không.

Điểm đặc biệt của Sapporo là không sử dụng nguồn nguyên liệu thương mại sẵn có trên thị trường mà phát triển riêng nguồn nguyên liệu cho mình. Sapporo hợp tác với nông dân ở các vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp trên thế giới từ khâu gieo trồng đến thu hoạch. Điều này đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng của nguyên liệu.

Sản xuất bia là một ngành đặc trưng, không phụ thuộc hoàn toàn vào phần cứng, vì máy móc hiện đại, thương hiệu nào cũng trang bị được. Dù có những công nghệ độc quyền như Fresh Keep để nâng cao chất lượng bia nhưng Sapporo vẫn chú trong về mặt phần mềm. Nghĩa là, ngoài ngoài việc kiểm soát chất lượng bằng các thông số kỹ thuật như thời gian, nhiệt độ…, chuyên gia người Nhật tại nhà máy còn áp dụng cả phương pháp định tính. Bởi chỉ cần các thông số chênh lệch một chút, sản phẩm đã khác biệt. Nói cách khác, “men người” có thể quyết định men bia. Tuy quy trình sản xuất khép kín, ít có sự can thiệp của con người, nhưng chúng tôi luôn có cơ chế kiểm soát chất lượng bằng chính chuyên gia từ Nhật Bản trong từng công đoạn cụ thể. Hiện Sapporo đang đầu tư nhiều về khâu đào tạo để nhân lực VN có thể đảm đương vị trí này, nhưng đây là chiến lược lâu dài bởi đòi hỏi của chúng tôi ở khâu này rất khắt khe.

Hiện công suất nhà máy của Sapporo Việt Nam đã được khai thác hết?

Nhà máy Sapporo hiện đang ở giai đoạn 1 với công suất thiết kế là 40 triệu lít/năm. Chúng tôi đang dần chuyển sang giai đoạn 2, công suất 100 triệu lít/năm. Đến giai đoạn thứ 3, công suất của nhà máy sẽ đạt đến 150 triệu lít/năm.

Xin cảm ơn ông!

PV