Nông dân khởi nghiệp: Con đường nào dẫn tới thành công?

Chiều ngày 18/9/2017, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức Hội nghị tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp.

Tham dự Hội nghị tọa đàm có đại diện các bộ, ban, ngành TƯ, các chuyên gia và 300 nông dân tiêu biểu toàn quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lại Xuân Môn nhấn mạnh: Đây là một trong những hoạt động thuộc chuỗi sự kiện chào mừng 87 năm ngày thành lập Hội NDVN. Nông dân hiện chiếm trên 70% dân số cả nước, do đó nông dân cần tích cực tham gia vào phong trào khởi nghiệp

Phong trào khởi nghiệp Quốc gia đang được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi nông dân khởi nghiệp thành công sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển đi lên, nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Từ đó, giúp nông dân ngày càng giàu có với những sản phẩm nông nghiệp sạch đảm bảo sức khỏe cho người dân. Nông dân hãy "làm giàu" kiến thức, kĩ năng để trở thành những nông dân chuyên nghiệp trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, nông dân hãy chuyển từ kinh tế hộ đơn lẻ sang kinh doanh hợp tác xã, chuyển từ kỹ thuật truyền thống sang kỹ thuật công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng.

Nông dân muốn khởi nghiệp phải được hỗ trợ đầy đủ 5 yếu tố về đất đai, vốn, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ sở hạ tầng đi kèm. Những điều kiện này nông dân không thể làm được một mình mà cần sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Văn Tùng- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: Khởi nghiệp trong nông nghiệp hiện nay đang dần trở thành một xu hướng mới tại Việt Nam. Ngày càng nhiều các công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cùng với đó là sự thay đổi trong nhận thức của nhiều bạn trẻ vừa ra trường. Nếu như trước đây, thanh niên Việt Nam có xu hướng ở lại thành phố để lập nghiệp thì hiện tại, có rất nhiều bạn sẵn sàng từ bỏ cơ hội được làm tại các doanh nghiệp lớn để về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây được coi là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam bởi nông nghiệp vốn là một lợi thế đặc biệt của đất nước và khởi nghiệp là phương thức hữu hiệu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

“Để phát triển nông nghiệp cần phải có hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải hiểu rằng áp dụng công nghệ chính là chía khóa đưa doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp. Cũng phải hiểu rằng, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn là một lĩnh vực nhiều rủi ro, chậm thu hồi vốn do vậy vai trò của nhà nước, xã hội là vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp” - Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ thêm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều mô hình khởi nghiệp đã được giới thiệu như: Nuôi trồng và tạo các loại nấm đông trùng hạ thảo công nghệ cao tại tỉnh Lai Châu; ứng dụng công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất ngọc trai nước ngọt bằng phương pháp lai ghép mô tế bào ở tỉnh Bắc Giang; mô hình đa canh công nghệ cao phục vụ du lịch tại An Giang; mô hình HTX thu mua, sơ chế và sản xuất các sản phẩm từ quế tại Lào Cai; nuôi vịt trời ở Bắc Ninh…

Điển hình như anh Đào Huy Cường (Lai Châu) người đang khởi nghiệp với mô hình đông trùng hạ thảo cho hay: Tôi bắt đầu nuôi đông trùng hạ thảo từ tháng 7.2015 tới nay. Cấy đông trùng hạ thảo trên con sâu chít. Hiện, giá bán con tươi là 100.000/con nhưng cũng không có mà bán. Mô hình nuôi nấm này chưa từng được thực hiện ở địa phương. Ngoài sản xuất nấm đông trùng hạ thảo dạng tươi và khô, tôi đang nghiên cứu nấm này với rượu để thành một loại thuốc bổ quý. Tuy nhiên vấn đề mà chúng tôi đang gặp phải là kinh phí đầu tư lớn.

Cũng với sản phẩm quế, nhưng anh Triệu Phúc Lý (Lào Cai) lại chọn hướng sản xuất bằng cách gia tăng giá trị qua sản phẩm tinh dầu làm từ quế hữu cơ. Sản phẩm của anh được tiêu thụ rộng rãi và xuất khẩu sang Ấn Độ. “Nếu chỉ bán quế thô thì ở đâu cũng làm được. Giá trị thu được rất thấp, nhưng nếu gia công thêm đầu tư thêm chế biến, sản phẩm làm ra bao nhiêu đều được bao tiêu đến đó. Quan trọng nhất vẫn là lựa chọn sản phẩm và đầu tư công nghệ vào đó để gia tăng giá trị sản phẩm” – anh Lý chia sẻ

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp thành công phải hỗ trợ nông dân đầu tư công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể; thông tin về thị trường cho nông sản phải nhanh nhạy và chính xác; vốn cho các dự án khởi nghiệp phải bảo đảm sản xuất theo quy mô lớn...

Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường (Bộ Khoa học & Công nghệ) Trần Xuân Đích nhận định: Địa phương nào có sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, thì giá trị hàng hoá đó được nâng cao. Một khi đã có nhiều sản phẩm địa phương, khi xác định được chủ lực thì vai trò của khoa học công nghệ phải cao hơn nữa và tạo nó thành sản phẩm hàng hoá, tiếp cận thị trường. Áp dụng khoa học công nghệ từ thấp đến cao, tuỳ theo mức độ của mình. Như vậy cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát huy tiềm năng.

Nông dân khởi nghiệp: Con đường nào dẫn tới thành công? - 1

Tại Hội nghị tọa đàm các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp, Ban Tổ chức đã vinh danh, trao thưởng 3 mô hình khởi nghiệp thành công, 10 mô hình khởi nghiệp xuất sắc, 10 mô hình khuyến khích. Đây là những mô hình khởi nghiệp được Ban Chuyên gia đánh giá, chọn lọc từ 43 hồ sơ phù hợp với thể lệ của chương trình phát động khảo sát, lựa chọn, giới thiệu và đề cử từ Hội ND các tỉnh, thành phố.

Tại buổi tọa đàm, nhằm hỗ trợ các hộ nông dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra, Ban Tổ chức đã phát động quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ đồng bào miền Trung.

Theo Tiền Phong