Nâng cao ngành Vận tải biển Việt Nam lên tầm thế giới

Tại Việt Nam, các hãng vận tải biển đa quốc gia đang nắm giữ 75% thị phần. Đây không phải là thách thức mà ngược lại, còn là một lợi thế cho ngành vận tải biển.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc công ty Maersk Việt Nam, các quốc gia có nền kinh tế tương tự Việt Nam, như Thái Lan, và cả những nước phát triển, như Mỹ, đều không đặt nặng việc phát triển thương hiệu vận tải biển quốc gia. Và vận tải biển của các nước này đều phát triển tốt. Không những thế, họ còn tận dụng chính các hãng tàu quốc tế với mạng lưới rộng lớn, cơ sở hạ tầng tiên tiến và bề dày kinh nghiệm để xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành vận tải biển nước nhà.

Vậy, qua bối cảnh thực tiễn trên toàn thế giới, Việt Nam có thể rút ra bài học gì để cải thiện ngành vận tải biển một cách toàn diện? Hiện đang đứng tại vị trí có thể quan sát tình hình phát triển của các nước đối tác và cả đối thủ cạnh tranh, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những chiến lược phù hợp để xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành vận tải biển nước nhà.

Đầu tư phát triển cảng nước sâu

Tập trung phát triển các cảng nước sâu là việc thiết yếu mà ngành vận tải Việt Nam cần triển khai ngay lập tức. Bởi hiện tại, cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, tuy cơ sở hạ tầng hoàn thiện, vẫn hoạt động với hiệu suất thấp. Dù có thể tạo điều kiện cho các tàu cỡ lớn đi thẳng từ Việt Nam tới Mỹ và Châu Âu, nhưng do chưa được sử dụng hết công suất nên dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu.

Việt Nam cần tập trung khai thác các cảng nước sâu, đón tàu cỡ lớn.
Việt Nam cần tập trung khai thác các cảng nước sâu, đón tàu cỡ lớn.

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển cảng nước sâu đang được đặc biệt chú trọng trên nhiều quốc gia. Ví dụ như, Indonesia đã thông báo sẽ đầu tư 3.6 tỷ đô-la để mở rộng hệ thống vận chuyển container của mình, trực tiếp cạnh tranh với Singapore và Malaysia. Hay ngay cả Chính phủ Anh cũng đang lên kế hoạch nâng cấp cả cảng nước sâu ở London và Liverpool để tập trung đón tàu cỡ lớn.

Hiện nay, chi phí đưa tàu vào cảng hiện tại của nước ta đang cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các cảng tại Hồng Kông, Singapore và Malaysia. Vì vậy, nếu Việt Nam chỉ tập trung khai thác các cảng sông, tình hình vận tải biển sẽ khó lòng cải thiện rõ rệt. Theo ước tính, các hãng tàu hiện đang mất thêm khoảng $300 cho mỗi TEU nếu khai thác và phục vụ các cảng đường sông, thay vì các cảng nước sâu. Nhìn vào chiến lược của các nước bạn, Việt Nam có thể học tập khai thác các cảng nước sâu, để tiếp tục đón nhiều tàu cỡ lớn, từ đó, trở thành một trong những trung tâm vận tải chính của khu vực.

Tận dụng thế mạnh về giá cước

Cùng với các nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, ngành vận tải biển Việt Nam đồng thời có thể tận dụng thế mạnh về mặt giá thành hiện tại của mình. Cước phí vận tải biển tại Việt Nam hiện đang ngang bằng với các cảng chính khác trong khu vực và đang ở mức thấp nhất, đặc biệt trên các tuyến Á – Âu. Không những thế, mức thu phụ phí thao tác container tại cảng (THC) hiện đang thấp thứ 2 trong khu vực, chỉ xếp sau Thái Lan.

Cước phí vận tải biển Việt Nam hiện đang ngang bằng với các cảng chính trong khu vực
Cước phí vận tải biển Việt Nam hiện đang ngang bằng với các cảng chính trong khu vực

Với mức giá cước và phụ phí rất cạnh tranh như vậy, Việt Nam cần tối ưu hóa lợi thế này để thúc đẩy phát triển phù hợp với cơ hội tăng trưởng hiện có vào thời điểm hiện tại.

Tăng cường ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Tom Broadley, giám đốc hàng hải của Lloyd’s Register (Anh), công nghệ sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành vận tải biển.

Có thể thấy, không chỉ với ngành vận tải biển mà mọi hoạt động kinh doanh đều đang lệ thuộc rất lớn vào công nghệ. Do đó, việc tích hợp và ứng dụng những công nghệ tân tiến vào ngành công nghiệp này chắc chắn sẽ tối ưu hóa năng lực và năng suất của các doanh nghiệp liên quan.

Thời gian gần đây, dù Việt Nam đang nỗ lực nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thương mai điện tử trực tuyến, nhưng vẫn cần ứng dụng ở mức độc sâu rộng hơn để tăng tính thuận tiện, giảm khối lượng thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian làm việc.

Quá trình đưa công nghệ hiện đại vào cung cấp dịch vụ hàng hải cũng như phát huy toàn bộ tiềm năng của cảng nước sâu, đồng thời tận dụng trọn vẹn tiềm năng và lợi thế về giá cước sẽ giúp Việt Nam không những đủ khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng, mà về lâu dài còn có thể vươn lên thuộc nhóm dẫn đầu trong ngành vận tải biển thế giới.

PV