LendingClub - Những người mở đường cho làn sóng P2P lending
(Dân trí) - Theo nguồn tin từ trang CNNMoney, dịch vụ cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending) đang nở rộ ở Mỹ, kết nối giữa những người có vốn để cho vay và những người cần vay tiền cho mọi mục đích từ mua sắm tới đi du lịch.
Có thể coi Peer-to-peer Lending (P2P Lending) là một giải pháp công nghệ mới của ngành tài chính cho vay, cho phép mọi người vay và cho vay tiền mà không cần thông qua một tổ chức trung gian nào khác. Tận dụng công nghệ 4.0 và big data, nền tảng P2P kết nối người vay với các nhà đầu tư nhanh hơn và tiện lợi hơn.
Ý tưởng này trở nên phổ biến khi nó được đề xuất đầu tiên vào khoảng một thập kỷ trước tại Mỹ. Cho đến nay, mô hình này đã phát triển một các nhanh chóng tại các cường quốc tài chính, đặc biệt là ở Mỹ. Nền tảng kết nối cho vay tiên phong P2P của Mỹ là LendingClub đã được định giá 9 tỷ đô la Mỹ trong đợt niêm yết vào năm 2014. Có thể nói LendingClub đã có vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công vang dội, với mức giá cổ phiếu tăng vọt hơn 50% so với dự kiến ban đầu. Thương vụ phát hành này đã đem về cho LendingClub số tiền 870 triệu đô la Mỹ, với mức giá cổ phiếu 15 đô la Mỹ.
Thành công này của LendingClub được đánh giá là tín hiệu tích cực cho xu hướng cho vay ngang hàng ở Mỹ trong bối cảnh các ngân hàng nước này khi đó đang chật vật tìm mức lợi nhuận cao hơn giữa lúc lãi suất thấp kỷ lục, còn người tiêu dùng thì khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng.
Tìm hiểu về mô hình của LendingClub, dễ dàng để thấy cơ cấu tổ chức, hoạt động của công ty này khá đơn giản: người vay có thể nộp đơn xin vay vì bất cứ mục đích gì, kể cả vay tiền đi nghỉ hay mua sắm. LendingClub sẽ kết nối họ với một nhà đầu tư phù hợp đang có nhu cầu cho vay hoặc người cung cấp khoản vay để được trả lãi suất hàng tháng. Mỗi khoản vay này sẽ được gắn “điểm” dựa trên các yếu tố như lịch sử tín dụng và thu nhập của người đi vay. Mức vay tối đa là 35.000 đô la Mỹ đối với cá nhân và 100.000 Đô la Mỹ đối với doanh nghiệp.
LendingClub tính phí cho nhà đầu tư bằng 1% số tiền thanh toán của người vay nhận được trong vòng 15 ngày kể từ ngày đến hạn. Người vay trả một khoản phí ban đầu từ 1% đến 5%, tùy thuộc xếp hạng tín dụng. Nhà đầu tư phải đặt cọc 1.000 đô la để bắt đầu đầu tư vào LendingClub.
LendingClub sử dụng một hệ thống xếp hạng mô hình cho người vay. Hệ thống sử dụng sự kết hợp của một mô hình chấm điểm độc quyền, điểm FICO, và các tính năng tín dụng khác của người nộp đơn. Theo số liệu trên website của LendingClub, mức lãi suất trung bình đối với một khoản vay điểm “A” hiện là 7,6 %, trong khi đó khoản vay có điểm số thấp nhất “G” chịu mức lãi suất khoảng 25%.
Chia sẻ về mô hình cho vay này, đại diện của LendingClub nói rằng, mô hình của công ty này khiến các nhà đầu tư có vốn để cho vay thích thú vì dễ hiểu hơn so với việc đầu tư vào cổ phiếu. LendingClub nhận định rằng về cơ bản, mọi người đều hiểu việc cho vay ở một mức lãi suất cố định. Họ cảm thấy thoải mái và kiểm soát được khoản tiền mà họ đã cho vay.
Cũng theo chia sẻ từ đại diện LendingClub, đã có khoảng 6 tỷ đô la Mỹ vốn vay được cấp thông qua công ty này kể từ khi công ty bắt đầu hoạt động vào năm 2006 và đã có 596 triệu đô la Mỹ lãi suất được trả.
Bên cạnh đó, có thể thấy lượng người tìm kiếm các từ khóa như “Peer to Peer Lending”, “P2P Lending” trên phạm vi toàn cầu tăng mạnh từ năm 2004 cho đến nay. Số liệu từ Google cho thấy, lệnh tìm kiếm từ khóa liên quan đến P2P Lending đạt đỉnh vào tháng 10/2018 và tập trung vào các nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nga, Brazil, Australia.
Tại Việt Nam, mô hình cho vay ngang hàng này đã xuất hiện với sự ra mắt của các công ty như Loanvi, TIMA. Chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2016, startup TIMA đã chạm được những thành công đầu tiên với gần 30,000 người đăng ký cho vay, gần 2.7 triệu người đăng ký vay, hơn 4 triệu đơn vay trên hệ thống và hơn 50 nghìn tỷ được giải ngân.
Có một thực tế là cho vay ngang hàng hiện vẫn đang là một lĩnh vực tương đối mới và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Người dân không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia khác vẫn còn lo ngại về độ rủi ro của nó khi có biến động lãi suất, vỡ nợ và các vụ kiện vẫn xảy ra. Tuy nhiên, với những con số biết nói về kết quả kinh doanh của LendingClub, cũng như việc IPO thành công và sự tham gia của những nhân vật kỳ cựu trong giới tài chính Mỹ như cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers và cựu CEO ngân hàng Morgan Stanley John Mack, người dùng tại Mỹ nói riêng và người dùng trên thế giới nói chung có thể an tâm tiếp cận và sử dụng mô hình fintech mới, cũng như một hình thức đầu tư tối ưu hoá số tiền nhàn rỗi và đạt được những mục tiêu tài chính của mình.