Làm lúa sạch, khó nhưng lãi gấp đôi lúa truyền thống

Trải qua 4 vụ làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ, đến nay Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Tiến ở tổ 10, ấp 9, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã có thể khẳng định hướng đi này là đúng đắn, vừa góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, vừa giúp bà con tăng thu nhập, đồng thời còn đem đến cho người tiêu dùng những hạt gạo thơm ngon nhất, an toàn nhất.

Thay đổi từ niềm tin

Trò chuyện với phóng viên, ông Dương Văn Thành – Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến cho biết, khi bắt tay vào trồng lúa hữu cơ, HTX có thuận lợi đó là được doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm, được hướng dẫn thực hiện quy trình trồng lúa hữu cơ và hỗ trợ một phần đầu tư. Thấy đây là hướng đi nhiều triển vọng, HTX đã tổ chức họp dân phổ biến mô hình, động viên xã viên tham gia.

Ông Thành kể: “Do bà con đã quá quen với việc sản xuất lúa truyền thống nên để thay đổi quy trình, tập quán canh tác sang trồng lúa hữu cơ, phải mất rất nhiều thời gian. 2 vụ đầu, năng suất lúa đều thấp, chỉ đạt dưới 4 tấn/ha, trong khi làm lúa thường đạt 6 - 7 tấn/ha nên nhiều người chán nản. Chúng tôi phải tới tận nhà để vận động bà con làm trở lại…”.

Cánh đồng mẫu của mô hình trồng lúa hữu cơ tại ấp 9, xã Mỹ Lộc, Vĩnh Long.
Cánh đồng mẫu của mô hình trồng lúa hữu cơ tại ấp 9, xã Mỹ Lộc, Vĩnh Long.

“Thật may là sang tới vụ 3 và 4, năng suất vụ đông xuân tăng lên 5 tấn/ha, vụ hè thu đạt 4,5 tấn. Mặc dù làm lúa hữu cơ phải đầu tư nhiều hơn so với làm lúa truyền thống, tuy nhiên nhờ giá bán ra cao nên sau khi trừ chi phí, bà con vẫn lãi tới 22 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi. Tới vụ đông xuân này, tại ấp 9 có 81 hộ tham gia trồng lúa hữu cơ, với diện tích hơn 40ha” – ông Thành chia sẻ thêm.

Hiện sản phẩm lúa hữu cơ của HTX đang được hệ thống siêu thị của Saigon Co.op hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 11.000 đồng/kg, cao gấp đôi so giá lúa bên ngoài. Chỉ tính riêng vụ hè thu vừa qua, Saigon Co.op đã tiêu thụ cho HTX 199 tấn lúa hữu cơ.

Mặc dù trồng lúa hữu cơ là hướng đi có nhiều triển vọng, thị trường phản hồi tích cực nhưng theo ông Thành, HTX vẫn đang gặp rất nhiều thách thức. Chủ yếu vẫn là do chi phí trồng lúa hữu cơ cao; việc xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng còn nan giải. “Lúa trồng quy trình hữu cơ chăm sóc cầu kì, nhưng phát triển chậm hơn. Bên cạnh đó, bà con phải tuân thủ tuyệt đối việc chỉ được bón phân hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu bệnh sinh học, vì chỉ cần 1 lần doanh nghiệp test sản phẩm thấy có dư lượng hóa học là mất luôn khách hàng, ảnh hưởng tới thương hiệu sản phẩm của HTX. Lần nào họp xã viên chúng tôi cũng phải quán triệt tinh thần, cách làm việc nhất quán như vậy để bà con nắm được” – ông Thành cho biết.

Tại diện tích lúa sản xuất theo quy trình truyền thống, nhờ bón đạm hạt đục Cà Mau mà năng suất bình quân của HTX Tân Tiến đạt từ 6-7 tấn/ha/vụ.
Tại diện tích lúa sản xuất theo quy trình truyền thống, nhờ bón đạm hạt đục Cà Mau mà năng suất bình quân của HTX Tân Tiến đạt từ 6-7 tấn/ha/vụ.

“Cứ đi rồi sẽ thành đường quen”

Đó là suy nghĩ của ông Thành khi nói về dự định của HTX. Theo ông, dù lợi nhuận hiện chưa đạt như mong muốn, song HTX sẽ quyết tâm làm lúa hữu cơ, trước mắt là ổn định diện tích như hiện tại, chắc chắn ngon cơm, đảm bảo an toàn để tạo lòng tin cho bà con, khách hàng rồi sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất. Hiện nay, HTX có 2 kỹ sư hỗ trợ kỹ thuật (cơ quan khuyến nông và bên bao tiêu sản phẩm); cứ 10 ngày họp xã viên một lần, tỷ lệ tham gia cuộc họp tới 90%, ai không tham gia thì đích thân ông Thành tới nhà hoặc gọi điện để thông báo kết quả cuộc họp.

Ông Nguyễn Đức Hòa, xã viên HTX Tân Tiến cho biết: “Nhà tôi canh tác 2 công theo mô hình lúa sạch, vụ hè thu vừa rồi nhờ chăm bón kỹ, lúa đạt 33 giạ/công. Sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 2,2 triệu đồng/công, hiệu quả gấp hai lần sản xuất lúa thường”.

Nhờ tham gia hoạt động của HTX, bà con xã viên ấp 9, xã Mỹ Lộc (hyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã thay đổi tập quán trồng lúa.
Nhờ tham gia hoạt động của HTX, bà con xã viên ấp 9, xã Mỹ Lộc (hyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã thay đổi tập quán trồng lúa.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Thành cũng cho biết, ngoài sản xuất lúa hữu cơ, vụ đông xuân này HTX tiếp tục duy trì hơn 40ha lúa thơm và lúa chất lượng cao. Hiện bà con đã gieo sạ được hơn 10 ngày, lúa đang lên rất khỏe. “Đối với diện tích lúa thường, để đạt năng suất cao, hạt lúa chắc mẩy và chất lượng gạo ngon, chúng tôi chăm sóc rất cẩn thận theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng”, “1 phải 5 giảm”. Trong đó, “4 đúng” là bón phân đúng lúc, đúng loại, đúng đúng liều lượng và đúng phương pháp…” – ông Thành nói.

Với lúa thường, ông Thành cho biết bà con ở ấp 9 chủ yếu chọn phân đạm hạt đục của Cà Mau để bón. Các đại lí tại địa phương cũng chủ yếu tiêu thụ đạm Cà Mau vì loại phân này có đặc điểm hạt to tròn, dễ phối trộn với các loại phân khác như kali, lân. Những loại đạm khác hạt nhỏ nên khó trộn, mau chảy nước, ảnh hưởng đến quá trình bón phân, làm tốn công và tốn phân. Bên cạnh đó, hạt đạm Cà Mau có độ phân giải chậm, giúp cây lúa hấp thu từ từ chất dinh dưỡng, không bị “ngộp” nên giúp bà con tiết kiệm lượng phân cần bón.

“Thông thường với 1 công lúa, chúng tôi bón 10kg đạm hạt đục Cà Mau + 10kg kali + 20-25 kg lân/ vụ. Nhờ vậy lúa có đủ chất dinh dưỡng để tạo hạt, bông chắc, to, năng suất cao” – ông Thành chia sẻ.

Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã gắn với sơ kết 01 năm thực hiện đề án thí điểm về củng cố và phát triển hợp tác xã kiểu mới vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” tại Khách sạn Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau).

Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/3/2016, với mục tiêu xây dựng 300 HTX nông nghiệp kiểu mới, gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản.