Làm giàu không khó: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai

Nói đến Kềm Nghĩa, dân kinh doanh ai cũng biết đây là một tên tuổi trong ngành dụng cụ làm đẹp. Nhưng ít ai ngờ rằng, cái tên Kềm Nghĩa để đến được với người tiêu dùng dung dị và thân thiện như ngày nay là biết bao thăng trầm, cực nhọc của giám đốc Nguyễn Minh Tuấn.

Anh bắt đầu lập nghiệp từ một chiếc bàn con mài kềm nơi vỉa hè thành phố Hồ Chí Minh gần hai chục năm về trước. Mấy năm đầu, anh Tuấn vất vả lắm. Có cửa hàng cùng chút tiền tích cóp, đỡ cực những ngày mưa nắng vỉa hè chưa bao lâu, anh lại lao vào nghiên cứu, thử nghiệm để lập xưởng sản xuất kềm.

Những chiếc kềm đầu tiên ra đời năm 1992. Ngay từ những ngày đó, anh Tuấn đã rất có ý thức tạo dựng tên tuổi riêng cho mình, nhưng khổ nỗi người Việt thời đó chuộng hàng ngoại, mác ngoại. Cái tên Nghĩa mà anh chọn cho các sản phẩm kềm của mình chắc chắn chẳng được ai màng tới.

Bởi vậy anh nghĩ ra một kế nhỏ để dần tạo lập thương hiệu: sản phẩm vẫn được bán ra với rất nhiều mác ngoại nhưng nếu ai chú ý, sẽ thấy dưới cái tên hiệu Tây nổi bật là chữ Nghĩa nho nhỏ, khiêm tốn được khắc rất kín đáo.

Người dân ngỡ là hàng ngoại, ùn ùn mua kềm của anh Tuấn. Thế nhưng, dù bán được nhiều hàng, thời gian đầu, lợi nhuận vẫn không đủ trang trải chi phí. Cả chủ cả thợ đánh vật trong gian xưởng thuê nóng nực. Anh thuyết phục người bạn là chủ một ngân hàng uy tín cho anh vay vốn xây nhà xưởng khang trang.

Mọi việc đang ổn định và thuận lợi thì đến cuối năm 1997, người quản lý đối ngoại của anh ra riêng lập xưởng, hút hết khách hàng của công ty. Anh lo lắm, vì khách hàng là nguồn vốn quý nhất.

Anh tổ chức ngay một bữa tiệc cuối năm, mời tất cả các đối tác và khách hàng quan trọng. Tiệc tất niên thời đó mấy ai làm, nên ai cũng ấn tượng với doanh nghiệp của anh. Các mối quan hệ được thiết lập, cũ có, mới có... Đối tác cũ hiểu công ty, quay lại đã vui rồi, anh còn mừng hơn bởi tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng mới cũng tìm đến.

Cứ thế, chữ Nghĩa trên các sản phẩm to dần lên, cái tên Tây bé lại. Đến một ngày, khi cái tên Tây biến mất, thì khách hàng cũng đã dùng quen. Anh đã “Thay xà đổi cột” một cách khéo léo và kiên trì, kéo dài trong hàng chục năm, nên nếu khách hàng không tinh ý, chắc không mấy người nhận ra.

Và khi Kềm Nghĩa đã thực sự mạnh, anh Tuấn quyết định bỏ ra một lượng vốn lớn, đầu tư xây dựng bộ logo thương hiệu rất ấn tượng.

Trò chuyện với anh, chúng tôi mới cảm nhận được đằng sau thành công của một thương hiệu là cả chặng đường dài không dễ vượt qua. Mỗi khó khăn là thêm một bước trưởng thành.

Cửa hàng nhỏ của anh giờ đã là nhà máy; chiếc kềm giản đơn đã biến thành những bộ đồ làm móng tinh xảo; tiếng tăm không những nổi bật trong nước mà được cả giới làm nail ở Mỹ biết đến. Với anh, chẳng gì có thể ngăn cản thành công đến, chỉ cần bắt đầu bằng những ước mơ...

PV