Khánh thành thủy điện Bản Chát và phát điện tổ máy số 1 thủy điện Huội Quảng
(Dân trí) - Ngày 31/12/2015, tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ khánh thành Công trình thủy điện Bản Chát và phát điện tổ máy số 1 Công trình thủy điện Huội Quảng.
Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong nhiều năm qua, EVN đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các dự án nguồn điện và lưới điện theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Tổng sơ đồ điện VII, với giá trị đầu tư năm sau luôn luôn cao hơn năm trước.
Trong những năm gần đây, EVN đã liên tục hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với nhu cầu tăng trưởng phụ tải hàng năm bình quân 10%; đã đưa điện đến 99,8% số xã, 98,76% số hộ dân nông thôn, làm thay đổi diện mạo các vùng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Thủy điện Bản Chát và thủy điện Huội Quảng là các dự án nhóm A với tổng công suất 740 MW, có nhiệm vụ hàng năm cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia tổng sản lượng điện có tính đến gia tăng cho thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình là 3,062 tỷ kWh/năm, chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Trong đó thủy điện Bản Chát có công suất 220MW, sản lượng1,158 tỷ kWh/năm được xây dựng trên sông Nậm Mu, thuộc địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu; thủy điện Huội Quảng có công suất 520MW, sản lượng 1,904 tỷ kWh/năm được xây dựng trên sông Nậm Mu, thuộc địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Hai công trình cùng trên một dòng sông Nậm Mu, sau khi xây dựng sẽ là một dây chuyền sản xuất điện đồng bộ, hiệu quả, đóng góp sản lượng lớn cho hệ thống điện Quốc gia.
Trong đó, đáng lưu ý, công trình thủy điện Huội Quảng là công trình thủy điện ngầm lớn thứ ba của Việt Nam (sau thủy điện Hòa Bình và Ialy), lần đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, quản lý giám sát và thi công.
Để có được mặt bằng thực hiện các dự án, hai tỉnh Lai Châu và Sơn La phải giải phóng tổng diện tích đất 8.707 ha, trong đó thủy điện Bản Chát là 7.694 ha (di dân 2.664 hộ với 15.017 nhân khẩu), thủy điện Huội Quảng là 1.013 ha (di dân 722 hộ với 4.333 nhân khẩu), tỉnh Lai Châu thực hiện di dân 3.366 hộ với 19.263 nhân khẩu, tỉnh Sơn La là 20 hộ với 87 nhân khẩu.
Theo lãnh đạo EVN, trong quá trình thi công xây dựng cả 2 công trình đều gặp rất nhiều khó khăn trở ngại vì nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, địa bàn có địa hình, địa chất, khí hậu phức tạp, việc thu xếp vốn cho các dự án hết sức khó khăn song vẫn đạt các mốc tiến độ theo yêu cầu, đảm bảo an toàn, chất lượng.
Phương Dung