Hành trình trở thành thương hiệu mạnh

Trên thị trường thông tin di động VN hiện nay, ba nhà mạng thành công nhất là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều khai thác công nghệ thông tin di động mặt đất GSM.

GSM áp đảo trên thị trường như hôm nay xuất phát từ hành trình với quyết định đầy khó khăn từ những năm 1991-1992 khi bắt đầu xây dựng mạng di động đầu tiên của VN là MobiFone.
 
Khởi đầu từ những quyết định đúng đắn
 
Từ những năm 1990-1991 nhu cầu về thông tin di động đã xuất hiện khi các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào VN. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực nhớ lại, khi ấy đã có một số ý kiến cho rằng nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu vì có ưu thế về độ phủ sóng. “GSM lúc đó mới được triển khai ở một vài nước, giá cả đắt, và một số người sợ rằng chúng ta khó làm chủ được công nghệ”, ông Mai Liêm Trực chia sẻ. Dù khó khăn nhưng cuối cùng, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và VMS-MobiFone cũng đã quyết định chọn công nghệ GSM vì cho rằng cần đi thẳng vào công nghệ hiện đại. Ngày 16/4/1993 mạng MobiFone chính thức ra đời.

Hành trình trở thành thương hiệu mạnh - 1

Người đi tiên phong khai phá bao giờ cũng gặp nhưng khó khăn và gian nan hơn người đi sau. Trong hai năm đầu thành lập, MobiFone thiếu thốn đủ bề, từ vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lí và khai thác mạng, cách thức kinh doanh. Ông Mai Liêm Trực cho biết: “Năm 1989 ngành chỉ có được 1,7 triệu USD để mua tổng đài điện tử, vì thế phải dựa vào phương thức mua trả chậm thiết bị mạng”. Nhưng mua thiết bị trả chậm cũng chỉ là phương thức tạm thời vì thiếu tính chủ động và sa vào nợ nần. Từ thành công trong việc hợp tác kinh doanh (BCC) về lĩnh vực điện thoại cố định quốc tế với Telstra, năm 1995, Tổng cục Bưu điện đã quyết định triển khai BCC với Comvik (Thụy Điển) tại MobiFone. Cú bắt tay trong suốt 10 năm đã mở ra những cơ hội cho MobiFone về nguồn vốn đầu tư, tiếp nhận công nghệ mới, chuyển giao kinh nghiệm, kĩ năng quản lí khai thác mạng lưới và kinh doanh...
 
Những quyết định đúng đắn giúp MobiFone tránh được rủi ro khi công nghê di động vệ tinh toàn cầu thất bại, thêm vào đó lại có thêm cơ hội phát triển, đồng thời mở hướng cho các mạng di động ra đời sau trong việc chọn lựa công nghệ.
 
Lần lượt ra đời sau, các mạng VinaPhone (1997), Viettel (2004) cũng đã chọn công nghệ GSM, và trở thành những đại gia trên thị trường thông tin di động VN hiện nay. Thậm chí HT Mobile sau một thời gian theo đuổi công nghệ CDMA như S-Fone cuối cùng cũng phải chuyển đổi sang GSM với tên gọi mới là Vietnamobile. Giá thiết bị mạng GSM đã giảm nhanh và thiết bị đầu cuối phong phú với giá cả phù hợp nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp đã khiến cho thị trường càng sôi động.
 
Công nghệ chỉ là một yếu tố, quyết định đến sự thành bại chính là chiến lược kinh doanh. Ông Lê Ngọc Minh-Phó tổng giám đốc tập đoàn VNPT-Chủ tịch công ty thông tin di động VMS-MobiFone-chia sẻ thêm: “Ngay từ những ngày đầu bắt tay với Comvik chúng tôi đã mạnh dạn áp dụng phương thức quản lí mới và xây dựng triết lí kinh doanh “Định hướng khách hàng” theo qui luật cạnh tranh thị trường”. Từ triết lí kinh doanh này, MobiFone dù đang “một mình một chợ” nhưng đã chủ động hình thành Phòng chăm sóc khách hàng-một bộ phận mà các doanh nghiệp trên thị trường khi ấy còn khá xa lạ. Đây là bước đi quan trọng xây dựng nền tảng vững chắc để MobiFone đứng vững trước sóng gió thị trường và khẳng định chắc vị thế dẫn đầu.
 
Uyển chuyển trong chiến lược kinh doanh
 
Từ năm 2005-2007 thị trường bùng nổ các đợt giảm cước, khuyến mãi khủng. Viettel đã trở thành nhà mạng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn này nhờ ưu thế cạnh tranh với giá cước rẻ gây xôn xao thị trường.
 
Hai nhà mạng lớn là MobiFone và VinaPhone chiếm thị phần khống chế không được tự quyết định giảm cước. Ông Lê Ngọc Minh cho biết: “Đứng trước rào cản này chúng tôi đã chuyển hướng tập trung tháo gỡ các vướng mắc về đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ mới, gia tăng tiện ích cho khách hàng”.
 
Năm 2007, lần đầu tiên Cục Quản lí chất lượng BCVT-CNTT công bố kết quả đo kiểm. MobiFone đã dẫn đầu đạt 3,576 điểm tương đương với chất lượng điện thoại cố định. Sự chuyển hướng hợp lí và đúng đắn này tạo ra sức bật cho MobiFone nhiều năm liền đạt các giải thưởng như “Doanh nghiệp di động có chất lượng dịch vụ tốt nhất”, “Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất”, “Mạng di động được ưa chuộng nhất” do Bộ TT&TT trao tặng và độc giả của các tạp chí eChíp Mobile và PC World bình chọn.
 
Các chuyên gia phân tích rằng, trong hoàn cảnh khi đó MobiFone đã có một sự xoay chuyển ngoạn mục và sáng suốt, không sa vào cuộc chiến giá, thay vào đó tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và thương hiệu. Nhờ đó năm 2010 MobiFone đã lọt vào tốp 10 thương hiệu hàng đầu VN và là thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực CNTT-VT.