Doanh nghiệp bia trở tay không kịp vì cách tính thuế mới
Nghị định 108 và Thông tư 195 đều được ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016, do đó sẽ là một gánh nặng khiến doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành rượu, bia không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như vậy.
Trở tay không kịp
Trong khi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi quy định việc tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên thêm 5% mỗi năm kể từ năm 2016 thay vì tăng một lần 15% đang được sửa đổi và chờ đưa ra thông qua ở kỳ họp Quốc hội khoá 13 tới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định 108 và Thông tư 195 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB sửa đổi cuối năm 2015, có hiệu lực vào 1/1/2016 vừa qua.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với Nghị định 108 và Thông tư 195 mục tiêu ban đầu của Bộ Tài chính là nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến việc có doanh nghiệp thời gian gần đây đã lập ra nhiều cấp độ công ty thương mại mà theo quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc làm này tiềm ẩn sự không minh bạch trong hoạt động kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chính những quy định mới được nêu ra trong Nghị định 108 và Thông tư 195 không những không giải quyết được vấn đề nêu trên mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính khác cũng như toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh bia.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, Nghi định và Thông tư trên ban hàng quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016 khiến doanh nghiệp không thể có kế hoạch đáp ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, được ban hành khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá chịu thuế TTĐB tiêu thụ đặc biệt trong việc tuân thủ.
Cũng theo vị đại diện này, Nghị định và Thông tư đưa ra những quy định mới chưa được quy định trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt làm tăng hơn nữa chi phí thuế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đưa ra khái niệm cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ-công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ vô hình chung tạo ra một sự đối xử bất bình đẳng giữa các công ty, khiến các công ty thương mại này kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại độc lập khác trong khi việc thành lập các công ty thương mại trong một tập đoàn hiên nay đang là xu hướng khá phổ biến trên thế giới nhằm tăng tính chuyên môn quá và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cuối cùng, quy định giá tính thuế không được thấp hơn 7% giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại độc lập là không phù hợp với Luật Cạnh tranh khi yêu cầu nhà sản xuất phải kiểm soát giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập trong khi giá bán trên thị trường thay đổi theo từng thời điểm do tác động cung và cầu của thị trường.
Ông Lê Hồng Xanh, Thành viên HĐQT Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho rằng, việc áp dụng Nghị định 108, Thông tư 195 sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải đóng thêm ngàn tỉ đồng thuế trong năm 2016.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Linh, Thành viên HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng cho biết, thời gian từ khi ban hành đến khi có hiệu lực quá gấp gáp (ban hành từ tháng 10/2015 có hiệu lực vào tháng 1/2016) quá gấp gáp khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ khó hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.
Khiến nghị lùi thời gian áp dụng
Bên cạnh việc nêu ra những khó khăn, vướng mắc khi Nghị định 108 và Thông tư 195 có hiệu lực, đại diện các doanh nghiệp cũng nêu kiến nghị lùi thời gian có hiệu lực vào 1/1/2017 để Bộ Tài chính có thời gian xem xét và cân nhắc đưa ra giải pháp cân bằng hơn. Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm giải quyết tình trạng doanh nghiệp cố tình thành lập nhiều công ty thương mại dẫn đến sự thiếu minh bạch trong kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, quy định giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng trong chuỗi lưu thông có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất đó.
Theo đó, các công ty thương mại có quan hệ công ty mẹ, công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất, là một pháp nhân độc lập cùng hệ thống kế toán độc lập, sẽ có được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giúp doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại, đem lại công ăn việc làm cho người lao động cũng như nguồn thu cho Nhà nước và vẫn đảm bảo tính chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp theo xu hướng quốc tế.
Đặc biệt, theo các doanh nghiệp, đề xuất này không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư, tính ổn định pháp lý mà vẫn đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá, cũng như đảm bảo tính khả thi và minh bạch cho cả doanh nghiệp trong việc tuân thủ thực hiện cũng như cho cơ quan thuế trong việc thực thi.
Việt Anh