Chuyên gia Đức và lời khuyên giúp chăn nuôi Việt Nam đứng vững trước "sóng" hội nhập

Theo Tiến sĩ Wilfried Tiegs, chuyên gia về miễn dịch học thú y của công ty Veracus - CHLB Đức, để có thể cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu, các nhà chăn nuôi tại Việt Nam không nên lạm dụng kháng sinh và các chất cấm.

Thay vào đó, họ nên lựa chọn những sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác an toàn hơn cho sức khỏe và ít gây ảnh hưởng đến môi trường sống.


Tiến sĩ Wilfried Tiegs, chuyên gia về miễn dịch học thú y của công ty Veracus - CHLB Đức.

Tiến sĩ Wilfried Tiegs, chuyên gia về miễn dịch học thú y của công ty Veracus - CHLB Đức.

Khi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, chăn nuôi được dự báo là ngành chịu nhiều ‘tổn thương’ nhất tại Việt Nam. Các sản phẩm nước ngoài với chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt và giá cả cạnh tranh sẽ tràn mạnh vào nước ta, tạo sức ép lớn đối ngành chăn nuôi ngay trên sân nhà.

Để có thể trụ vững trước sóng gió hội nhập, ngành chăn nuôi Việt Nam cần tái cơ cấu một cách toàn diện, trong đó nâng cao chất lượng sản phẩm bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề với nguồn thức ăn cho vật nuôi là một trong những yếu tố phải chú trọng hàng đầu. Xu hướng dịch chuyển trong phương thức sản xuất có thể nhận thấy từ một số các doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong sản xuất thức ăn chăn nuôi như Tập đoàn Japfa, Việt Tín, Tân Việt,… đã bắt đầu ứng dụng công nghệ sinh học để từng bước nâng cao tính an toàn và khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt.

Xoay quanh câu chuyện nâng cao chất lượng chăn nuôi, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Wilfried Tiegs, Chuyên gia về miễn dịch học thú y của công ty Veracus - CHLB Đức về các kinh nghiệm chuyên ngành cho các doanh nghiệp Việt.

PV: Thưa Tiến sĩ, ngành chăn nuôi Việt Nam nên làm gì để không bị ‘nhấn chìm’ khi TPP có hiệu lực?

Tiến sĩ Wilfried Tiegs: Nếu các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ, Canada hay Úc, họ có thể gặp một số khó khăn. Các nhà chăn nuôi tại Việt Nam thường sử dụng thuốc kháng sinh trong khi các quốc gia tiên tiến lại cấm sử dụng một số loại thuốc này. Để có thể cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về xuất khẩu, những người làm chăn nuôi không nên lạm dụng kháng sinh và các chất cấm. Thay vào đó, họ nên lựa chọn những sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác an toàn hơn cho sức khỏe và ít gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

Hiện nay, Việt Nam đang là một nước có tỷ trọng nông nghiệp cao và có nhiều sản phẩm chăn nuôi đặc trưng riêng, nếu các bạn có thể đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm, việc cạnh tranh với các quốc gia khác sẽ không còn là vấn đề. Muốn đạt được điều này, những ngành khoa học có liên quan như công nghệ sinh học, hóa học… phải kết hợp lại với nhau.

PV: Việc lạm dụng kháng sinh và các chất cấm trong chăn nuôi đang là thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Có cách nào để giải quyết vấn đề này không thưa ông?

Tiến sĩ Wilfried Tiegs: Trên thế giới hiện đang có rất nhiều phương pháp được dùng để thay thế chất kháng sinh trong chăn nuôi. Một trong những giải pháp là đưa ứng dụng Probiotics bào tử bền nhiệt vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Phương pháp này giúp giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh và nâng cao hệ miễn dịch của vật nuôi.

PV: Các nước trên giới đang áp dụng các công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi như thế nào thưa ông?

Tiến sĩ Wilfried Tiegs: Đầu tiên, tôi muốn nói rằng thử thách cho tương lai là việc kết hợp các giải pháp với nhau để tìm ra giải pháp hoàn hảo nhất cho người chăn nuôi. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều công nghệ mới có thể giúp người nông dân khắc phục những điểm yếu cụ thể. Điều cần làm ở đây là có một đơn vị đủ nguồn lực đứng ra làm cầu nối giúp người nông dân, các doanh nghiệp trong ngành biết cách ứng dụng các thành quả của khoa học thế giới vào với công việc chuồng trại hàng ngày.

Một điều không kém phần quan trọng là chúng ta cần hướng tới việc phòng ngừa rủi ro cho tài sản (gia cầm, gia súc) thay vì tìm ra phương thuốc chữa bệnh. Tại châu Âu và các nước phát triển khác, mọi người luôn quan tâm đến việc phòng bệnh hơn chữa bệnh bởi đó là giải pháp lâu dài cho con người. Đối với các loại vật nuôi cũng không có gì khác.

PV: Ngoài ra, Việt Nam nên học hỏi và áp dụng điều gì để nâng cao chất lượng chăn nuôi thưa ông?

Tiến sĩ Wilfried Tiegs: Luôn có 3 giai đoạn trong việc chăn nuôi: Một là nuôi chúng, hai là làm thịt, ba là duy trì chất lượng. Nếu áp dụng công nghệ không phù hợp, chất lượng của sản phẩm sẽ không thể đảm bảo. Chúng ta cần quan tâm đến mọi bước trong giai đoạn chứ không chỉ từng bước đơn lẻ.

Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần tập trung vào sức khỏe của động vật và con người, hãy tiếp thu từng bước các công nghệ và tiến bộ của quốc tế.

Cảm ơn ông!