Báo Mỹ đưa tin trái chiều trước ngày đổi tên thị trấn Buford
Khi ngày 3/9 đổi tên Buford “1 cư dân” sang thị trấn cà phê PhinDeli đến gần thì cũng là lúc báo chí Mỹ bắt đầu đưa tin với một số ý kiến trái chiều…
Tờ Daily Journal dẫn lời bà Amy Bates, Giám đốc điều hành, công ty BuckinghamBates Global Marketing, đại diện của thị trưởng Phạm Đình Nguyên cho biết PhinDeli có nghĩa là “cà phê phin thơm ngon”. Cái tên mới này đã thể hiện kế hoạch bán cà phê Việt Nam cho du khách qua lại xa lộ liên bang 80 của ông chủ thị trấn. Lễ đổi tên vào ngày 3/9 sắp tới đánh dấu sự hoạt động trở lại của thị trấn và du khách có thể thưởng thức miễn phí cà phê PhinDeli.
Trong khi đó, báo Wyoming Tribune Eagle thông tin, ông Phạm Đình Nguyên hy vọng với việc đổi tên thành PhinDeli, thị trấn nhỏ bé này sẽ trở thành thủ phủ của cà phê Việt Nam. Một thị trấn lâu đời, được đặt tên theo John Buford, người anh hùng của Mỹ thời nội chiến, bỗng nhiên chuyển sang mang tên một thương hiệu cà phê… Việt Nam khiến không ít người Mỹ sửng sốt.
Tại trang web của báo Wyoming Tribune Eagle, dễ dàng đọc đượcnhiều ý kiến trái chiều của độc giả về việc đổi tên này. Tỏ vẻ không đồng tình, hoài nghi với kế hoạch của doanh nhân người Việt, độc giả tên Karen phản ứng gay gắt: “Thật không thể tin được. Việc kinh doanh cà phê này sẽ không kéo dài và không phát triển được. Hầu hết các tài xế xe tải muốn uống một ly lớn cà phê để đi nhưng không phải là cà phê nước ngoài như vậy. Thật là một cái tát vào mặt thị trấn đã tồn tại gần 150 năm của Wyoming. Tôi sẽ không đến đó đâu!”. Cũng không chấp nhận việc đổi tên, độc giả có nickname Ponder có phần bảo thủ: “Thay đổi tên là cầm chắc cái chết. Buford là Buford!”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối đổi tên cũng có không ít độc giả hào hứng với dự án của ông chủ trẻ người Việt. Độc giả Big Dream chia sẻ: “Đây là nước Mỹ, đúng không? Ai cũng có một giấc mơ, dù anh đến từ đâu đi nữa – tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì. Ông ấy kinh doanh tử tế ở thị trấn của chính mình. Nếu ông ấy là người Mỹ thì một số người có phản ứng thái quá như thế này không? Đây cũng là cơ hội cho thị trấn Mỹ. Chúc giấc mơ Mỹ của ôngsớm trở thành sự thật!”.
Hay như độc giả James nhận định: “Đó là ý tưởng tốt để tiếp thị, hy vọng rằng dự án này sẽ kết nối văn hóa Việt Nam và Mỹ”. Một cách khách quan hơn, độc giả có nickname Tom Kip cho rằng: “Đổi tên là ý tưởng tốt để thu hút du khách. Đây là tin tốt cho cả Buford và bang Wyoming. Hãy chờ xem. Tôi sẽ dừng lại và thưởng thức từng ngụm cà phê phong cách Việt. Chúc ông may mắn!”
Về phần mình, thị trưởng Phạm Đình Nguyên cho biết: “Khi thay đổi tên một địa danh lâu đời, chắc chắn sẽ có người thích, không thích, nhưng một lần nữa, nó làm cho người ta quan tâm hơn. Chúng tôi chỉ muốn Buford trở thành thủ phủ cà phê Việt trên đất Mỹ, làm bàn đạp đưa PhinDeli xâm nhập vào thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới này!”.
Sự xuất hiện của cà phê phin với hương vị Việt Nam ở một thị trấn Mỹ là thông điệp khẳng định vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới. Chưa thể khẳng định được tham vọng dùng thị trấn PhinDeli - Buford làm bệ phóng cho cà phê Việt Nam tại Mỹ của doanh nhân Phạm Đình Nguyên sẽ thành công đến đâu. Tuy nhiên, trước tiên ông chủ trẻ người Việt này đã thực hiện điều mà không phải ai cũng làm được:
Buổi ra mắt thị trấn mới PhinDeli Town Buford không chỉ giới thiệu tinh hoa cà phê Việt mà còn “trình làng” một số sản phẩm vốn là “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam như gốm sứ Minh Long, nước mắm Thuận Phát, sữa đặc có đường Vinamilk…
“Có thể xem đây là câu trả lời của tôi vào thời điểm vừa trở thành Thị trưởng Buford - Khi ấy, mọi người hỏi tôi là sẽ làm gì với thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ này? Và đây: Tôi muốn Buford trở thành showroom hàng Việt…” ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ.
Thanh Đàm