Agribank chuyển mình từ thành công tái cơ cấu

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank, đồng chí Nguyễn Phước Thanh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Đề án tái cơ cấu Agribank, ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được của Agribank sau những nỗ lực, quyết tâm triển khai Đề án.

Ngày 23/02/2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị tổng kết quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013 – 2015 theo Quyết định số 53/QĐ-NHNN.m của Ngân hàng Nhà nước.

Agribank chuyển mình từ thành công tái cơ cấu - 1

Tại Hội nghị, ông Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngày 15/11/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 53/QĐ-NHNN.m phê duyệt Đề án cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động kinh doanh của Agribank giai đoạn 2013- 2015. Với tinh thần vừa xây dựng, hoàn thiện và chờ phê duyệt, vừa chủ động, quyết liệt tập trung mọi nguồn lực để triển khai, tình hình hoạt động kinh doanh của Agrbank từng bước được ổn định và tăng trưởng đáng kể so với thời điểm trước cơ cấu. Đến nay, Agribank vẫn giữ được vị trí là ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản, dư nợ, nguồn vốn, số lượng khách hàng, hệ thống mạng lưới và số lượng lao động… Với thị phần hơn 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng, Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong phục vụ chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Agribank đã đạt một số kết quả cụ thể như sau: Các trường hợp sai phạm đã được xử lý nghiêm túc, bộ máy tổ chức, quản trị, điều hành được củng cố và kiện toàn. Hệ thống cơ chế, quy trình nghiệp vụ đã được chỉnh sửa, bổ sung tương đối hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Tài sản có được cơ cấu theo đúng mục tiêu của Đề án, tập trung phục vụ chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước; Nợ quá hạn giảm về mức dưới 3% trước thời hạn; Hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp khác được củng cố.

Trong giai đoạn 2013 – 2016, tín dụng của Agribank tiếp tục tăng trưởng, hàng năm đều đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (năm 2013 tăng 10,4%; năm 2014 tăng 8,8%; năm 2015 tăng 16%). Đến 31/12/2016, tổng dư nợ tín dụng đạt 791.450 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng được chuyển đổi phù hợp theo đúng định hướng của Đề án tái cơ cấu. Dư nợ cho vay hộ sản xuất tăng ổn định (bình quân 22,2%). Đến 31/12/2016, dư nợ cho vay hộ sản xuất đạt 497.047 tỷ đồng, tăng 66,6% so với cuối năm 2013; Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 70%.

Hiện nay có hơn 4 triệu khách hàng đang vay vốn của Agribank. Agribank hiện triển khai 7 chương trình tín dụng và 02 chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; đi đầu, chủ lực trong cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm theo văn bản số 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Cho vay tái canh cà phê... Nhờ các chương trình cho vay của Agribank, nhiều nông dân trên cả nước đã được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Xác định Đề án tái cơ cấu là nhiệm vụ then chốt, có tính quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, Agribank đã chủ động, tích cực tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Hàng trăm văn bản hướng dẫn cơ chế, quy trình nghiệp vụ được chỉnh sửa, bổ sung; công tác quản trị rủi ro được củng cố. Bộ máy tổ chức tại Trụ sở chính, các chi nhánh và màng lưới kinh doanh được sắp xếp lại, phù hợp với mô hình và điều kiện hoạt động kinh doanh của Agribank trên cả địa bàn thành thị và nông thôn. Các biện pháp xử lý, thu hồi nợ xấu được triển khai đồng bộ, quyết liệt để vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng, đáp ứng đủ vốn cho tam nông vừa kiểm soát chất lượng tín dụng, xử lý, thu hồi, ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, từng bước kiềm chế và giảm dần nợ xấu. Đến cuối tháng 8/2015, Agribank đã hoàn thành mục tiêu giảm nợ xấu về mức dưới 3%, sớm hơn 4 tháng theo phê duyệt của NHNN và tiếp tục nỗ lực giảm nợ xấu về 1,89% tại thời điểm 31/12/2016.

Để đảm bảo cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn, đồng thời hạn chế rủi ro lãi suất, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Agribank đã duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn vốn phù hợp từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời từng bước chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng tích cực, tăng nguồn vốn ổn định lãi suất thấp và vốn trung dài hạn, giảm dần lãi suất đầu vào, kết hợp với tiết giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh để tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, thúc dẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt chất lượng theo mục tiêu đã đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2013 – 2016, nguồn vốn huy động của Agribank luôn tăng trưởng ổn định, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm (bình quân gần 15%/năm). Đến 31/12/2016, tổng vốn huy động đạt 924.156 tỷ đồng, tăng 71,02% so với 31/12/2012. Tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định (+85,4%) so với năm 2012 trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu.

Bám sát thị trường và nhu cầu của khách hàng, hoạt động phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích được đẩy mạnh; kinh doanh dịch vụ được đa dạng hóa và đạt mức tăng trưởng khá, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu từng bước được tăng lên. Hệ thống công nghệ thông tin được nâng cấp và hoàn thiện, hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng có hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới. Agribank đã hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020.

Agribank cũng đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức tại Trụ sở chính, các chi nhánh và mạng lưới kinh doanh phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh trên cả địa bàn thành thị và địa bàn nông thôn; đồng thời tăng cường chức năng chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Trụ sở chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi nhánh. Cùng với đó là củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo mô hình quản lý cả chiều ngang và chiều dọc. Đồng thời, Agribank đã hoàn thiện các quy chế, quy trình kiểm tra, kiểm toán và tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát đột xuất để góp phần phát hiện, ngăn ngừa và chấn chỉnh nhều tồn tại, sai sót, đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đánh giá kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, tuy vẫn còn một số công việc cần phải tiếp tục quyết liệt triển khai, Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành nhấn mạnh, Agribank vẫn là ngân hàng chủ chốt trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam trực tiếp đảm trách và thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tổng tài sản của Agribank chính thức đạt trên 01 triệu tỷ đồng; nguồn vốn trên 924.000 tỷ đồng; tổng dư nợ nền kinh tế đạt trên 791.000 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70%/tổng dư nợ của Agribank và chiếm 51% tổng dư nợ của toàn ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Thu dịch vụ tăng 19,2% so với năm 2015. Agribank kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế đạt 4.185 tỷ đồng. Nợ xấu giảm ở mức 1,89%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đều vượt mức quy định của NHNN.

Những kết quả đạt được nêu trên, đã được các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Đoàn giám sát của Ủy ban Kinh tế, Giám sát tối cao của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Công ty Kiểm toán độc lập E&Y, Ban chỉ đạo tái cơ cấu của NHNN kiểm tra giám sát và ghi nhận. Tổ chức xếp hạng quốc tế (Fitch) đã đánh gia, xếp hạng Agribank đạt B+; Tạp chí The Banker bình chọn Agribank đứng thứ 446 trong Top 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới; Nhiều giải thưởng khác như: Giải thưởng Sao Khuê (lĩnh vực tài chính ngân hàng); giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Đông Nam Á đâu tư phát triển nông thôn và “Ngân hàng có mạng lưới ATM và dịch vụ tốt nhất Việt Nam 2016”…

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh đề xuất cho phép Agribank triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa phù hợp với nội dung Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2016 – 2020 trong lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2 theo chỉ thị của Thống đốc NHNN. Bên cạnh đó, Agribank kiến nghị NHNN có cơ chế tách bạch giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại trong hoạt động của Agribank và sớm phê duyệt Đề án “Điểm kinh doanh lưu động” để Agribank triển khai giải pháp tiết giảm chi phí, tăng năng lực tiếp cận, phục vụ khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

N. Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm