Nokia Siemens Networks “phác thảo” xu hướng di động tại VN năm 2010
(Dân trí) - Hãng sản xuất thiết bị viễn thông Nokia Siemens Networks (NSN) đã “phác họa” 3 xu hướng hàng đầu quyết định cho tương lai di động của Việt Nam tại cuộc hội thảo "Barcelona Revisited" tổ chức tại Hà Nội ngày 12/5.
Người dùng ngày càng muốn sử dụng các dịch vụ tăng cường cuộc sống.
Số lượng người sở hữu điện thoại di động ước tính vượt xa so với lượng sở hữu máy netbook, máy tính xách tay hoặc máy để bàn. Vậy nhưng trung bình chỉ có khoảng 1 trong 4 người dùng internet trên thế giới sử dụng kết nối qua thiết bị di động.
Sự đa dạng các ứng dụng cũng như dịch vụ hiện nay dành cho dòng điện thoại thông minh hay các loại điện thoại tương tự thế được kỳ vọng sẽ tạo nên việc gia tăng lưu lượng khổng lồ, dự báo là gấp đôi mỗi năm trong tương lai. Theo nghiên cứu của Nokia Siemens Networks, vào năm 2015, lưu lượng dữ liệu di động hàng năm sẽ đạt tới 23 Exabytes - tương đương với việc 6,3 tỉ người tải một cuốn sách điện tử về máy mỗi ngày.
Hứa hẹn là một trong những ứng dụng công nghệ di động mới quan trọng nhất kể từ khi ra mắt mạng GSM, công nghệ LTE (Long Term Evolution) mang tới khả năng truyền internet di động tốc độ cao và đồng thời là cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng doanh thu và lưu lượng dành cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP). Theo nghiên cứu của Informa, LTE được tất cả các nhà khai thác mạng chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Họ coi LTE như là một sự lựa chọn hàng đầu nhờ có công nghệ truy cập thế hệ mới, với hơn 100 nhà khai thác mạng trên toàn cầu đang có ý định triển khai LTE, và khoảng 10 nhà khai thác mạng đã lên kế hoạch khai trương dich vụ LTE trong năm 2010 này.
Nokia Siemens Networks cũng đã chuyển đổi từ 3G lên công nghệ LTE.
2. Sử dụng năng lượng thông minh hơn
Người tiêu dùng ngày càng trở nên có ý thức về môi trường hơn khi lựa chọn những sản phẩm "xanh" thân thiện với môi trường, đồng thời xu hướng này cũng gia tăng trong việc sử dụng các dịch vụ. Vì thế, tiêu chí dẫn đầu trong thân thiện môi trường là một nhân tố quan trọng đối với các CSP có tầm nhìn xa trong việc giữ lại và thu hút thêm thuê bao mới.
Bản nghiên cứu của Nokia Siemens Networks đã nêu bật tác động môi trường lớn nhất trong hệ thống mạng viễn thông là việc tiêu thụ năng lượng của nó, chiếm khoảng 86% tổng năng lượng tiêu thụ, và ước tính chiếm tới 30% tổng chi phí hoạt động tại các thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Các CSP đã đầu tư vào những công nghệ hiệu quả trong sử dụng năng lượng không chỉ có thể giảm lượng thải carbon của họ mà còn có thể kỳ vọng vào mức tác động tích cực đối với hiệu quả đầu tư tổng thể, do chi phí vận hành giảm đi đáng kể.
3. Cuộc cách mạng từ nhà cung cấp dịch vụ trở thành nhà cung cấp trải nghiệm
Ngày càng có nhiều người dùng cuối mong muốn các dịch vụ có thể tăng cường chất lượng cuộc sống của họ, đồng thời cho phép họ kết nối với cộng đồng thông qua Dịch vụ Location Based Services (LBS) cũng như các mạng xã hội như Facebook hay Twitter ngay trên thiết bị di động.