Điện thoại thông minh là “mồi” ngon của tin tặc

(Dân trí) -Nửa cuối năm 2011 là khoảng thời gian giới tin tặc gia tăng hoạt động trên thiết bị di động, đặc biệt là smartphone. Theo Kaspersky Lab, mục đích của tin tặc đã thay đổi vì ngoài việc chiếm đoạt tiền của nạn nhân, tội phạm mạng còn muốn chiếm hữu thông tin của người dùng.

Trong năm nay, Kaspersky Lab phát hiện số lượng phần mềm độc hại cho di động đã tăng gấp 3 lần so với khi các chương trình này được phát hiện vào 6 năm trước. Ngoài ra, doanh số của điện thoại thông minh đang tăng trưởng nhanh chóng. Rất nhiều người dùng xem điện thoại thông minh là vật bất ly thân, mang lại cho họ nhiều tiện ích với những cải tiến của nó. Mặc dù điện thoại đang thông minh chứa đựng rất nhiều thông tin giá trị đối với tin tặc, nhưng người dùng lại ít quan tâm đến việc bảo mật cho chiếc điện thoại của mình so với máy tính. Đó là lý do vì sao điện thoại thông minh trở thành mục tiêu tấn công dễ dàng.

 

Tội phạm mạng có thể sử dụng các phương pháp tiếp cận vật lý đến thiết bị, hoặc phát tán phần mềm độc hại qua những thủ thuật trên mạng xã hội nhằm cám dỗ người dùng nhấp chuột vào những đường dẫn đã bị lây nhiễm. Trojan ZitMo - phiên bản di động của trojan ZeuS - là một ví dụ về cách thức tấn công của tội phạm mạng khi lợi dụng cả máy tính và điện thoại của nạn nhân. ZeuS đánh cắp dữ liệu về tài khoản ngân hàng trực tuyến và số điện thoại người dùng từ máy tính của họ. Sau đó, nạn nhân nhận được một tin nhắn điện thoại với yêu cầu cài đặt phần mềm cần thiết nào đó và nhấp chuột vào liên kết trong tin nhắn. Khi đó, với chiếc điện thoại bị lây nhiễm ZitMo, tin tặc có thể sử dụng dữ liệu cá nhân đánh cắp được để thực hiện đặt lệnh và xác nhận giao dịch tiền mặt từ tài khoản của nạn nhân.
 
Điện thoại thông minh là “mồi” ngon của tin tặc - 1


Người dùng hoàn toàn có thể tránh được những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra ở trên khi ý thức được sự nguy hiểm từ những cuộc tấn công nhắm vào chiếc điện thoại của mình. Denis Maslennikov, Chuyên gia Phân tích phần mềm độc hại Cao cấp, Kaspersky Lab, đã chia sẻ những phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả như không sử dụng các mạng Wi-Fi công cộng hoặc không đáng tin, xem xét kỹ các điều khoản mà một ứng dụng đề xuất khi cài đặt, không bẻ khóa bảo mật của máy để can thiệp sâu vào hệ thống, mã hóa dữ liệu, không nhấp vào các URL nhận được từ tin nhắn rác, cài đặt phần mềm diệt virus cho điện thoại, cập nhật dữ liệu liên tục cũng như chương trình xóa dữ liệu từ xa,…

 

Tại Việt Nam, việc bảo mật các thông tin trên thiết bị di động cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm từ người dùng cũng như các công ty điện thoại và nhà mạng di động. Khởi đầu là việc ký kết hợp tác giữa công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn và Samsung Việt Nam triển khai chương trình tặng bản quyền phần mềm diệt virus dành cho điện thoại, Kaspersky Mobile Security, hạn sử dụng 6 tháng khi mua điện thoại thông minh của Samsung, hay chương trình tặng bản quyền sử dụng phần mềm Kaspersky Mobile Security cho khách hàng sử dụng dịch vụ dữ liệu (GPRS/EDGE/3G) của nhà mạng Vinaphone năm 2010.
 
PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm