"Yêu cho roi cho vọt" có còn hợp thời?
(Dân trí) - Việc dạy dỗ con trẻ và học sinh nói riêng, cũng như cách hành xử với nhau nói chung giữa những con người trong xã hội, vừa có những quy chuẩn chung, vừa có những cái riêng. Vấn đề theo chúng tôi, có lẽ nằm ở sự khác biệt trong nhận thức của mỗi người.
Đọc hàng trăm phản hồi của đa số bạn đọc với sự việc một số học sinh bị thầy giáo dạy học bằng roi được phát hiện hồi giữa tháng 6 vừa qua, tại cơ sở giáo dục bồi dưỡng kiến thức cho học sinh từ lớp 7 lên lớp 8 (Trung tâm thầy Tuấn “roi”) ở ngõ 300 đường Cách mạng Tháng 8, phường Phan Đình Phùng - TP Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy đa số ý kiến ủng hộ thường là của những người đã trưởng thành.
Chiếm tỉ lệ cao nhất là các bạn đọc tự xưng là phụ huynh học sinh, số còn lại hoặc cũng là giáo viên, hoặc chỉ đơn giản là những người đã từng có thời như nhà thơ Giang Nam mô tả trong bài thơ Quê hương:
… Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi…
Và cơ sở chung cho lý luận của những người ủng hộ biện pháp nghiêm khắc với học trò là bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tế qua bao đời ở VN ta: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Nhất là đối với học trò xưa nay vẫn nổi tiếng là đứng thứ ba, chỉ sau “nhất quỷ, nhì ma…”
“Ngày xưa ông cha ta dạy con cái thế nào? Hư thì cũng phải đánh cho vài roi, nhưng chẳng qua ngày ấy không có báo chí truyền thông phát triển mạnh để đưa tin rộng rãi như bây giờ thôi. Tôi nghĩ, chuyện thế cũng không có gì đáng lo ngại, càng săm soi ra thì… sau này cha mẹ còn dạy con thế nào? Chúng lại kêu là: Không được đánh con cái, rồi đưa ra những lập luận kiểu như thế này, thế kia… Cha mẹ chỉ được khuyên răn mấy câu thì liệu có thật sự có ích? Có phải là vú nuôi đánh trẻ 3 - 4 tuổi, hay cô giáo mầm non dán băng dính vào miệng trẻ đâu. Tôi thấy cũng cần phân biệt tốt/xấu mà phê phán cho chính xác mới được, còn không cứ ‘vơ đũa cả nắm’ rồi thì sau này bố mẹ, thầy cô ngày càng khó mà dạy dỗ được lớp trẻ hơn” - Thu Phuong: little_angel196@yahoo.com
“Theo tôi chúng ta nên nhìn từ nhiều phía, mỗi người dạy có một phương pháp riêng. Nếu dùng roi mà HS học tốt sau này có kết quả thì chấp nhận được, còn nếu mà chỉ dùng lời nói sau này học sinh đó trở thành một tên tội phạm thì có nên hay không? Xã hội hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở lứa tuổi vị thành niên khá nhiều và có sự gia tăng. Do đó tôi nghĩ, các bậc phụ huynh không nên bức xúc, mà nên nhìn nhận từ nhiều phía và cái quan trọng là nhìn vào kết quả của cả quá trình giáo dục đó.
Tôi cũng là một giáo viên, có ai trong nghề mới hiểu nỗi thống khổ của các nhà giáo ngày nay, khi mà hình như xã hội càng văn minh thì mối quan hệ thầy trò càng bị coi nhẹ, HS bây giờ không sợ thầy như xưa (sợ ở đây có nghĩa là tôn trọng, nghe lời). Thầy nạt mặc thầy xong đâu rồi lại đó, HS lớp 12 rồi mà nhân chia cộng trừ không thạo thì đó là do buông lỏng khi còn ở bậc tiểu học, mà chính là không cho đòn roi nên HS không sợ nên về nhà không học bài.
Một tiết học 45 phút thầy giáo không thể kiểm tra hết tất cả các HS được, chỉ trông chờ vào tính tự giác của HS mà cái đó được bao nhiêu phần trăm HS có ý thức tự học??? (cũng giống như có bao nhiêu phần trăm thanh niên hiện nay tuân thủ pháp luật về giao thông?) Những điều đó, theo tôi, cũng bắt nguồn từ sự dạy học không dùng roi cả. Cho nên tôi nghĩ, chúng ta không nên lạm dụng đòn roi thôi chứ đã dạy là phải có hình phạt, như thế HS mới tiến bộ. Và giáo viên cũng phải thật sự có tâm, xử phạt công minh thì khi phạt xong HS mới nhận ra được tội và không oán trách thầy” - Hùng: hunghanhlam@Gmail.com
“Khi đọc bài báo này, tự dưng tôi có nhiều suy nghĩ. Tôi thấy ở thầy Tuấn là một người thầy thực sự mặc dù không phải là thầy trên danh nghĩa, nhưng là một người thầy yêu nghề, nhiệt huyết với học sinh.
Cách đây một năm khi về Việt Nam, lúc ở Hà Nội tôi có quen và nói chuyện với một chị là giáo viên trường cấp 2. Khi ngồi nói chuyện, uống nước, lúc nói sang chuyện công việc chị kể:
“Chúng tôi bây giờ đang thực hiện phong trào"KCMN"". Tôi không hiểu KCMN là gì và hỏi lại. Chị bảo là phong trào mà chính các giáo viên tự nói với nhau đó là ("Kệ con mẹ nó"). Nghe xong mà sao tôi đau lòng vì tại sao lại có “phong trào’ này ở ngay trong ý nghĩ của các thầy cô. Chị nói: "Thời giờ dạy bảo nhỏ nhẹ thì không trò nào nghe, mà dạy nghiêm khắc thì bị phạt. Thà kệ chúng còn hơn".
Tôi nghe mà càng đau lòng.Tôi nghĩ lại khi xưa khi đi học nhờ có công thầy cô giáo mà mình mới trưởng thành được.Việc thầy cô nghiêm khắc với mình thì giờ khi lớn khôn, tôi mới thầm cảm ơn thầy mặc dù ngày xưa khi bị thầy phạt tôi cũng cãi lại.
Các bạn và tôi khi trưởng thành rồi ai cũng biết như thế nào là người thầy chân chính - một người thầy tận tâm với nghề. Bằng tất cả tấm lòng của mình, tôi nghĩ: với việc chỉ cầm roi răn học trò thì điều đó với dân tộc ta đã có từ ngàn xưa.Vì vậy cũng không nên phê phán hành động đó. "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" mà’ - Hung: thapthienhung379@yahoo.com
Không ít quan niệm giữa phương Đông với phương Tây vẫn còn những khoảng cách, nhưng trong trào lưu phát triển chung của thế giới hiện đại hôm nay, ý kiến của những người mà chúng tôi tạm cho là các đại diện cho cách tư duy mới hơn, hợp với thời đại hơn, đều nhấn mạnh rằng Không đòn roi! Nhiều lý luận cả xưa và nay đều được viện dẫn ra, và cách nghĩ “thoáng” hơn như thế xem ra có nhiều điểm chung hơn với lối suy nghĩ của chính đa số các trò – các đối tượng trực tiếp bị “ăn roi” một cách rõ ràng là không hề tự nguyện.
“Mọi người nói thế là không được. Nho giáo lấy nhân nghĩa làm gốc, xưa nay cửa Khổng không chấp nhận dùng bạo lực trấn áp người khác. Luận ngữ của đức Thánh Khổng có nói: dạy học thì phải có ý thức, tự tìm hiểu 1 góc, thầy sẽ khơi gợi 3 góc còn lại. Học không tự ý thức thì roi vọt cách nào cũng vô ích. Học vì sợ, không học vì không thích nhưng vì tương lai chính mình, thì học chỉ để đối phó sao? Hết gặp thầy cô đó thì hết học sao? Nên dùng cách khuyến khích sự học tự nguyện và nhiệt tình với bài vở, chuẩn bị cho tương lai, chứ không nên dạy bằng cách nhục hình như vậy được. Nếu gặp học trò lỳ như em trai tôi, càng đánh càng lỳ thì ra gì nữa? Phải lấy mềm mỏng mà khuyên bảo thì hay hơn là cư xử với nhau thế này? Con ai, em ai thích bị đánh, cha mẹ nhà tôi nghe con bị đánh là phản đối ngay. Anh em tôi vẫn trưởng thành mà không cần 1 cây roi nào từ nhỏ. Cái chính là gia giáo trong nhà phải nghiêm, cha mẹ phải gương mẫu trước” - Trần Đức Huy: blusteryday1711@yahoo.com
“Liệu cho roi cho vọt còn hiệu quả còn "hợp thời" không, khi phải đánh mắng mà không có cách nào có thể diễn tả cho các em hiểu? Tôi nghĩ, chỉ có những gia sư thiếu cách diễn tả mới chuyển ý niệm mình thành vũ lực và mắng nhiếc ...Binh pháp có câu: "Để người ta tự làm còn hơn là mình ép", từ đó suy ra có thể thầy giáo ấy thiếu tâm lý, thiếu phương pháp. Mà đối với lứa tuổi thanh niên hiện nay thì khó có thể hiểu được cách giáo dục mà theo tôi là đầy cảm tính này” - Minh Sang: sangsanglyly@gmail.com
Cương và Nhu
Trong bất kỳ cách ứng xử nào cũng cần có sự linh hoạt, như những kinh nghiệm mà dân gian đã rút ra được tự bao đời nay. Nào là “mềm nắn rắn buông” có cái lý của nó, trong khi lời khuyên “già néo đứt dây” cũng tỏ ra rất có tác dụng.
Nói cách khác, biện pháp nào (nhất là trong ý nghĩa dạy dỗ có phần nghiêm khắc hơn, hoặc là để phạt) thì trong cái Cương vẫn nên có cái Nhu và ngược lại. Hài hòa được những yếu tố rất khác nhau đó có lẽ mới có được độ mềm dẻo – sự linh hoạt cần thiết trong “đối nhân xử thế”.
Ý kiến mỗi người trong vấn đề có nên dùng roi vọt với học sinh hay không, bởi thế vẫn rất khác nhau. Người ủng hộ, người phản đối, người đứng trung hòa ở giữa hai quan niệm.
“Ai cũng từng là học sinh phải tự hiểu, học sinh thì ham chơi hơn ham học, thử hỏi số người sinh ra đã có bản lĩnh được bao nhiêu? Hiện nay tôi thấy nhiều học sinh liệt vào loại khó bảo chứ chưa muốn nói nặng hơn là “mất dạy”. Ở trường thì thầy giáo không dám đụng đến, về nhà thì bố mẹ nuông chiều. Bực quá có lỡ cho cái bạt tai là bị lên báo, là bị đưa ra xã để kiện. Cứ thế này thì tôi lo là sẽ sinh ra toàn những đối tượng bất trị mất thôi… bởi chúng có được dạy (và chịu học) để làm người đâu” - Phung Le: yte24h_hn@yahoo.com
“Tôi đồng ý cách giải quyết của UBND và Sở GDĐT Thái Nguyên: Trước hết hãy xem chất lượng học sinh học ở đây có được nâng lên theo thời gian hay không? Sau đó hỏi học sinh các bạn đó có muốn học ở đấy không? Phụ huynh có muốn con mình học ở đó nữa hay thôi? Nếu mọi người đồng ý, thì vẫn nên để trung tâm này hoạt động. Vì nói cho cùng, không phải tự nhiên các Cụ dạy truyền lại cho chúng ta "yêu cho roi vọt"… Mọi người có quyền lựa chọn và không ai hiểu con cái bằng cha mẹ mà” - Hoàng Lê: nangda08@yahoo.com
“Chuyện này tui thấy nên lấy ý kiến của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên cũng nên làm rõ mọi khía cạnh liên quan, nếu không có thể lại có những thầy giáo quá đáng hành hạ học sinh. Như hiện nay tôi thấy tại các vùng thôn quê như ở Hà Nam, Thái Bình… vẫn có không ít giáo viên đánh học sinh bằng những đòn quá nặng và không cần thiết. Mặc dù theo tôi thấy thì phương pháp của thầy Tuấn cũng có cái hay đấy chứ” - Thuy Dung: hoasimtim43@yahoo.com
“À đây là lò của thầy Tuấn ‘Lùn’ kiểu dạy học đánh học sinh này có từ lâu lắm rồi, bây giờ mới đem ra bàn luận có khi hơi muộn. Nhà có mấy đứa em cũng ôn ở đây, không làm được bài là ăn đòn ngay. Nhưng có những phụ huynh còn khuyến khích cách dạy này vì cho rằng con họ sẽ học tốt hơn, thật phi lý!” - Phan Nguyễn Tùng: phanguyentung@yahoo.com
“Không thể bình luận gì hơn. Cũng là thầy giáo, nhưng tôi thấy cái cách đó kỳ cục lắm. Mà thôi, thầy – trò – phụ huynh nhất trí cũng là được, song đừng để quá tay lại xảy ra những điều đáng tiếc. Có lẽ dù có hơi phản khoa học một chút, nhưng ngày xưa chúng tôi đi học cũng có người bị ăn thước kẻ vào tay, quỳ vào gai mít, chui gầm bàn, úp mặt vào tường… đủ kiểu đấy. Rồi cũng thành kỹ sư, thậm chí cả GS, TS như ai. Huề cả làng. Hay thì hay nhưng… có hơi kỳ cục 1 chút” – Nguyên Kiêu: akieu45@yahoo.com
“Tôi thuộc nhóm người không ủng hộ cách dạy học bằng đòn roi. Tuy nhiên cũng cần xem xét lại tình hình giáo dục chung của Việt Nam. Tại sao có nhiều học sinh hư, thậm chí phạm tội? Phải chăng chúng ta cứ luẩn quẩn giữa phương pháp truyền thống (coi trọng tính kỷ luật) và phương pháp hiện đại (coi trọng tính sáng tạo, sự tự do...)? Tại sao một đất nước phát triển hơn VN nhiều như Singapore vẫn áp dụng phương pháp trừng phạt bằng roi đối với tất cả mọi người phạm tội, không riêng gì công dân của họ? Và cuối cùng, tại sao các em bị đánh đòn mà vẫn tiếp tục đi học ở trung tâm đó? Phải chăng bản thân các em cũng tự nhận thấy khuyết điểm của mình?!!!” - Bui Duy Nam: buiduynam@yahoo.com
“Tôi thấy việc dạy bằng roi không có gì là ghê gớm đâu, nếu các thầy không quá lạm dụng để hành hạ học sinh. Ở gia đình có các bậc phụ huynh dùng roi vọt nhưng con vẫn không chịu nghe lời, trong khi ở nơi các thầy dạy dỗ thì lại có hiệu quả đấy. Chúng ta đừng quá coi thường trong việc dùng ‘vũ lực’ như vậy để dạy con cái nha, như trong quân đội cần có hình thức kỷ luật thép thì quân nhân mới chấp hành nghiêm đó. Hãy nhìn nhận kết quả của trung tâm mà xử lý” - Thu Huyền: huyenvt@vnn.vn
“Theo tôi, việc dạy học sinh bằng roi là rất bình thường, nếu không lạm dụng. Mà tôi tin nếu các thầy cô giáo có tâm huyết thì sẽ không lạm dụng điều này. Vì thực ra học sinh bị điểm kém, không làm bài, nói chuyện.... thì bị phạt là đúng rồi. Ngay bản thân tôi cũng vậy, trước kia cũng hiếu động nhưng khi được dạy bằng roi giờ tôi đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.
Đề nghị các nhà quản lý giáo dục cần xem lại phương pháp dạy học như hiện nay, học sinh hư còn không được mắng chứ nói gì đánh. Mà với lứa tuổi hiếu động liệu như vậy có thành người được không??? Tại sao bây giờ vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên gia tăng, có chiều hướng phức tạp, nguy hiểm????? Có phải là do cách giáo dục không??? Cá nhân tôi ủng hộ cách dạy này, sau này con tôi lớn tôi cũng sẽ chọn những trung tâm thế này để gửi con tôi vào học!” - Kien: kien.nongnghiep@gmail.com
“Tôi đồng tình với phương pháp dạy học đầy trách nhiệm này! Nó thực ra không có gì phản cảm, mà thể hiện đúng cái tâm của người dạy học, dạy cho học sinh nên người chứ không phải chỉ mở ra để thu tiền rồi mặc kệ học sinh học hành ra sao như nhiều trung tâm khác. Rất nhiều gia đình, chỉ vì chiều chuộng con cái, sợ con đau mà không dám đánh mặc dù con có hư hỏng, lười biếng, để rồi lớn lên thành của nợ của xã hội. Các bậc phụ huynh ai cảm thấy phản cảm với trường hợp này thì cũng nên xem xét lại chính bản thân và cách dạy dỗ con cái của mình!” - Mai Đức Thọ: lupin83_2004@yahoo.com
Tuy không chiếm tỉ lệ cao, nhưng chúng tôi nhận thấy những ý kiến nghiêng theo phân tích như của Long longltt77@gmail.com xem ra vừa có tình, vừa có lý và cũng vừa đúng với phương châm: Mỗi người dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.
“Trong thời buổi hiện nay khi các nhà trường đa phần đang chạy theo thành tích, thì phần giáo dục còn lại được trả lại cho gia đình và xã hội. Nhưng với những ông bố, bà mẹ chỉ biết lo cho bản thân hoặc quá chú trọng việc kiềm tiền mà ít hoặc không chú ý tới trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con cái, thì việc phó thác cho trung tâm như của ông Tuấn rõ ràng là sự chạy trốn trách nhiệm. Tôi nhận thấy rằng, với cách giáo dục phản khoa học và không theo văn hóa GD của Việt Nam như vậy thì việc tổn thương tâm hồn trẻ thơ là rất có hại cho xã hội (Không loại trừ có một số HS tự giác vươn lên). Theo tôi, nên xem xét lại vấn đề trách nhiệm vì chúng ta đã có Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về trẻ em”.
Kiều Anh