Ý kiến bạn đọc về bài “Hãy rửa tai để nghe lời nói thật”
(Dân trí) - Bài “Hãy rửa tai để nghe lời nói thật” là một đề tài gây nhiều tranh cãi của hàng trăm comment. Sự giả dối từ đâu đến? Làm thế nào để sự giả dối không còn “trầm trọng” như hiện nay? Những câu hỏi đó đã được rất nhiều bạn đọc quan tâm, chia sẻ.
Bạn đọc có tên là Thức từ Thái Nguyên đã nhận xét khá sâu sắc: “Phải chăng sự giả dối đến từ một nền giáo dục không trọng chữ ĐỨC. Phải chăng sự yếu kém đến từ một xã hội không trọng người tài?”.
Còn bạn đọc Nghĩa thì cho rằng: “Giả dối trong xã hội ta đến từ tư tưởng bè phái cục bộ, địa phương chủ nghĩa, chạy chức chạy quyền... Thế cho nên tồn tại một thực trạng là có không ít người không có năng lực len vào bộ máy công quyền... dẫn tới làm không được việc thì phải dối trá”.
Bạn Hồ Uyên ở Phú Thọ khẳng định sự giả dối không thể giải quyết được mà chỉ có thể giảm bớt: “Tôi nghĩ rằng sự giả dối hay thật thà hình thành cùng nhân cách con người. Để loại bỏ giả dối có thể nói là điều không thể, nhưng nếu nỗ lực có thể làm giảm bớt. Cách tốt nhất là hãy dạy dỗ con trẻ về lòng tự trọng, về nhân cách từ trước khi dạy chữ và từ môi trường sống đầu tiên của chúng là gia đình”
“Mộc mạc, chân chất chỉ có thể bị người ta lợi dụng, do vậy ai cũng phải tự "khôn ngoan" trong giao tiếp, giảm tính trung thực, thành thật... Và theo tôi nghĩ để có được sự trung thực thì do môi trường là phần nhiều, cơ bản nhất vẫn là sự dạy dỗ của gia đình, bố mẹ bảo ban con cái, rồi tới nhà trường, môi trường, thầy cô nhiệt huyết tận tình với học trò, sau đó ý thức cá nhân người với người khi ra ngoài xã hội. Người nói thật cần phải có nghệ thuật khiến cho người khác thấm, ngoài tình cảm chân thành, cũng cần phải thêm sự hài hước, châm biếm nếu có thể. Bạn đọc Cường chia sẻ.
Bạn Nguyễn Việt Hùng mong muốn tất cả chúng ta hãy dóng lên những hồi chuông dồn dập và dứt khoát hơn giúp cảnh tỉnh tất cả mọi người sau một giấc ngủ vùi: “Hãy gióng to lên nữa chủ đề này dantri ơi. Chúng ta còn dung túng, che đậy lối sống nói dối này đến bao giờ nũa. Tôi tán thành ý kiến ông Hữu Thọ; vì còn nhiều lãnh đạo thích nghe nói dối. Nhưng cơ chế nào cho vấn đề này?”.
Trần Quang Trung đặt câu hỏi không lời giải đáp: “Vấn đề là chúng ta có đủ dũng khí để nói thẳng, nói thật khi mà sự giả dối đang ngự trị?”
Bạn Nguyễn Ngọc Đức cho rằng: “Không phải lúc nào cũng nói thật nhưng nên ưu tiên và chịu khó nói thật, giảm bớt giả dối càng nhiều càng tốt. Xã hội hiện đại phải luôn biết trân trọng lời nói thật, cái mà càng ngày càng thiếu người thực hiện và cả người chịu lắng nghe”.
Bạn Ngô Bốn tâm sự: “Nói dối hại xã hội và haị chính con người nói dối. Con người vốn chỉ có một miệng hai tai thì phải biết lắng nghe nhiều hơn là nói. Tai thì có tai trái, tai phải do vậy khi nghe thì nghe tất cả nhưng phải biết chọn lọc. Cái khổ nổi người đời chỉ thích lời nịnh hót, còn lời nói đúng thì chua chát không thích nghe. Ôi quá buồn!”
“Muốn nói dối phải có đủ 3 điều kiện sau: 1. Lòng tự trọng cá nhân được đặt thấp hơn lợi ích của việc nói dối sẽ mang lại. 2. Sự việc được nói ra có nhiều khuất tất chưa minh bạch hoàn toàn làm cơ sở cho lời nói dối được hiểu là đúng. 3. Có người muốn nghe lời nói dối, người nghe đặt lòng tự trọng thấp hơn nghĩa vụ và trách nhiệm. Khắc phục nói dối, làm dối thì phải làm được 3 điều sau: 1. Giáo dục được lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm cao. 2. Hệ thống thông tin chi tiết, rộng khắp, dễ hiểu khi đó nhân dân, cộng đồng sẽ hiểu. Như vậy mỗi việc dối trá luôn phải đối phó với vô vàn đèn trời. Nói dối được đã khó mà giấu được cũng khó như giấu ngàn cái kim trong bọc 3. Quy định, gia quy, pháp luật nghiêm minh”. Đây là những điều kiện để nói dối theo bạn Trần Hữu Tuấn.
Đi ngược lại với quan điểm của nhiều người, bạn Thành Công đưa ra ý kiến khá thuyết phục, nói dối cũng có điểm tốt và quan trọng là ai nghe mới là quan trọng: “Nói dối cũng tốt nhưng phải là sự việc gì.Quan trọng là có rửa tai để nghe không mới là quan trọng!”
“Đức Phật dạy "Kẻ thù lớn nhất của ta chính là ta". Do đó, muốn dối trá không có đất sống thì ta phải bắt đầu từ chính mình: Ta không dối trá nữa. Đó là chia sẻ của bạn Liar.
Bạn Lan Anh thành thật khi nói rằng chúng ta ai cũng vậy, tùy thuộc vào bản thân đứng ở vị trí nào mà thôi : “Tôi thấy tâm đắc với câu nói của Nhà báo Hữu Thọ “Tâm lý con người rất phức tạp. Khi anh còn là cấp dưới thì anh muốn “cãi” cấp trên, nhưng khi có quyền lực thì anh lại không muốn người ta cãi lại mình”. Thực tế lời nói chân thực còn là mối nguy hiểm.”
Dương Đình Lộc cho rằng bây giờ muốn nghe lời nói thật cũng không quá khó: “Lời nói dối đến từ đâu??? Lời nói dối đến từ người nghe. Nói dối sao bây giờ lại trầm trọng, bởi người nghe muốn thế hoặc nhu nhược hoặc thiếu hiểu biết hoặc cả ba để người nói muốn nói hươu nói vượn gì cũng được. Không tránh được phải nghe những lời nói dối, nhưng nếu muốn nghe nói thật cũng không quá khó khăn”.
Hay Hoan chia sẻ về góc nhìn của bản thân: “Nhìn từ góc độ khác, nhiều lời nói dối cũng có ý nghĩa lắm chứ, nếu bạn đang có một điểm yếu nào đó khiến bạn tự ty, mặc cảm và dẫn đến những hành động của bạn thường khó thành công. Thế nhưng bỗng một ngày có một người lại khen cái điểm yếu đó của bạn, làm bạn ngộ ra rằng, hóa ra là như vậy. Rồi bạn tự tin hơn, hành động của bạn chắc chắn hơn, tất nhiên là bạn sẽ thành công hơn... Trong thực tế có rất nhiều, những lời nói dối có ý nghĩa đó, và cũng có nhiều lời nói thật chẳng mang lại tích sự gì”.