Bạn đọc viết

Xung quanh việc đề văn trích dẫn thơ Lưu Quang Vũ, đâu là văn bản gốc?

Kết thúc buổi thi môn Văn sáng 02/7, dư luận rộ lên chuyện đề thi đề thi môn này có sai sót khi trích dẫn thơ Lưu Quang Vũ ở phần Đọc hiểu.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Lúc đầu ý kiến chung xoay quanh chuyện trích dẫn câu thơ "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa" là đúng hay sai. Sau đó, vấn đề không phải là đúng sai nữa mà đâu là bản gốc thực sự của câu thơ trên cũng như của cả bài thơ.

Nhân chứng cung cấp tư liệu liên quan đến bản thảo bài thơ cũng như những thông tin về tác giả bài thơ là PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, hiện đang công tác ở Viện Văn học – em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Điều đang lưu ý là cùng khai thác thông tin từ một nguồn nhưng báo chí lại đưa ra những kết quả trái ngược nhau khiến độc giả như người đứng giữa hai dòng nước.

Xin trích nội dung của hai bài báo sau đây để bạn đọc rõ:

Bài 1. ĐỘC QUYỀN: Tiết lộ bản thảo bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ

Bài đăng trên danviet.vn lúc 7:00 ngày 03/07, tác giả Khánh Thư.

"Thông tin riêng với Dân Việt, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cũng tiết lộ ngọn ngành câu chuyện vì sao hiện vẫn tồn tại những bản thảo thơ có một số chỗ dùng từ khác nhau:

“Sau một thời gian dài Lưu Quang Vũ không in thơ ở trên báo mặc dù anh vẫn sáng tác rất nhiều, nhà thơ Xuân Quỳnh – khi đó đang làm việc ở báo Văn nghệ nói với chồng gửi một số bài thơ để tòa soạn chọn in. Lúc đó nhà thơ Phạm Tiến Duật ở tổ thơ đã ngay lập tức chọn bài “Tiếng Việt” để in trong số ba bài Lưu Quang Vũ gửi, nhưng với điều kiện là phải đổi một số câu thơ.

Ban đầu, Lưu Quang Vũ không đồng ý có bất cứ sự thay đổi nào. Thế nhưng khi được nhà thơ Xuân Quỳnh thuyết phục rằng cứ in đi rồi khi nào có điều kiện mình sẽ khôi phục lại bản gốc sau, Lưu Quang Vũ đã chấp nhận. Nhưng anh chỉ đồng ý sau khi đã trao đổi với biên tập lúc đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và câu thơ trong bản gốc “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” đã được anh sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa.”

Khi bài thơ được in lần đầu trên báo Văn nghệ và nhận được lời khen của rất nhiều độc giả cũng như giới phê bình văn học, Lưu Quang Vũ vẫn nói với những người thân trong gia đình rằng anh không muốn ý thơ bị khác đi và vì thế nếu sau này có điều kiện anh muốn bài thơ được khôi phục lại như nguyên tác của mình."

"Rất may mắn, gia đình hiện vẫn lưu giữ bản thảo chép tay của tác giả Lưu Quang Vũ. Mặc dù bản thảo mà PGS.TS Lưu Khánh Thơ cung cấp cho Dân Việt đã bị ố vàng và nhòe mờ theo thời gian nhưng bút tích của nhà thơ Lưu Quang Vũ vẫn rất rõ nét. Theo đó, câu thơ đang gây tranh cãi hiện nay trong bản thảo gốc chép tay ban đầu của nhà thơ vốn được viết là: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”.

Bài 2. PGS.TS Lưu Khánh Thơ: Dữ liệu đề thi Ngữ văn không sai

Bài đăng trên nongnghiep.vn lúc 20:18, 02/07, tác giả Kiều Mai Sơn.

"Bà Lưu Khánh Thơ xác nhận trên thực tế song song tồn tại hai văn bản thơ có những chữ khác nhau “như bùn” và “như đất cày”. Lý giải nguyên nhân, bà Lưu Khánh Thơ cho biết, khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. Từ đó, trên nhiều sách báo đều sử dụng văn bản trên báo Văn nghệ.

“Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc”, bà Thơ chia sẻ.

PGS.TS Lưu Khánh Thơ còn cho biết thêm: Câu kết của bài thơ “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” cũng được Nhà thơ Phạm Tiến Duật biên tập thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.

Vì sao hai bài báo có những thông tin tréo ngoe như vậy?

Về chi tiết "như bùn" trong câu thơ được đề thi trích dẫn: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” cả hai bài báo đều đưa ra những cách giải thích trái ngược nhau tuy cùng khai thác thông tin từ PGS.TS Lưu Khánh Thơ.

Tác giả Khánh Thư khẳng định câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” là nguyên bản đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật lúc biên tập sửa lại thành “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa".

Khánh Thư còn cho biết tâm nguyện của nhà thơ Lưu Quang Vũ khi "nói với những người thân trong gia đình rằng anh không muốn ý thơ bị khác đi và vì thế nếu sau này có điều kiện anh muốn bài thơ được khôi phục lại như nguyên tác của mình."

Còn tác giả Kiều Mai Sơn thì cho rằng, "khi in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập và sửa thành “như bùn”. “Cho đến khi làm Tuyển thơ, gia đình căn cứ vào bản thảo viết tay của anh Vũ còn lưu giữ được, chúng tôi (gia đình PGS.TS Lưu Khánh Thơ) đã phục nguyên văn bản bài thơ theo đúng bản gốc".

Cùng một nguồn thông tin nhưng cho ra hai kết quả khác nhau. Vậy đâu là bản gốc thật sự của bài thơ? Khánh Thư đúng hay Kiều Mai Sơn đúng? Hay PGS.TS Lưu Khánh Thơ nhầm lẫn?

Chúng tôi mong hai tác giả của hai bài báo và PGS.TS Lưu Khánh Thơ giúp bạn đọc gỡ rối chuyện này.

Cần khôi phục nguyên bản gốc của bài thơ

Trong bài báo của mình, tác giả Khánh Thư lí giải thêm về chữ "bùn" được Lưu Quang Vũ dùng:

"Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như Tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm, bầm dập để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ. Như câu thơ “Hồn dân tộc dạy ta làm thi sĩ” cũng là một sự tôn vinh Tiếng Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ”.

Người viết bài này ban đầu cũng đồng tình với dư luận khi cho rằng nguyên bản phải là "đất cày" chứ không phải là "bùn". "Bùn" nghe nó "tệ" lắm, thường được dùng để nói đến sự hôi tanh, bẩn thỉu - một ám ảnh hằn sâu trong tâm thức người Việt chúng ta ("Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" hay "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa").

Cách giải thích như chính tác giả (Lưu Quang Vũ) thật có lí, thật lôgic: “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn…". Nhưng có điều này - tôi nghĩ có lẽ là điểm tựa sâu xa để Vũ đưa ra một quan niệm khác với cái lôgic thông thường như thế - một đất nước thuần nông như Việt Nam, cha ông ta từ ngàn đời nay chẳng ai, chẳng cái gì mà lại không từ "bùn đất" đi ra? Có lẽ Lưu Quang Vũ đã nghĩ đúng.

Theo tác giả bài báo, PGS.TS Lưu Khánh Thơ còn tiết lộ thêm, ngoài chỗ “như bùn” phải đổi thành “như đất cày” thì nhà thơ Lưu Quang Vũ còn phải đổi 2 câu thơ nữa, đó là “Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận” thành “Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng” và câu kết “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” sửa thành “Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”.

Quả là những chi tiết thú vị. Lưu Quang Vũ viết những câu thơ này cách đây đã bốn năm chục năm, vậy mà nó vẫn bị coi là "nhạy cảm". Tôi thích nhất câu kết “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình” từ nguyên bản. Nói "tiếng Việt ân tình" thì bình thường quá bởi chẳng có gì là sâu xa, lay động lòng người ở đây. "Tiếng Việt xót xa tình" gợi được cái hồn dân tộc với bao cung bậc buồn vui của ông cha trải dài theo năm tháng của lịch sử như tác giả đã quan niệm về "bùn" ở trên.

Nguyễn Duy Xuân