Xúc cảm Trường Sơn

(Dân trí) - Trường Sơn trong tâm tưởng của bao lớp thế hệ cha anh là một địa danh gắn liền với những thời khắc sinh tử, để rồi hàng ngàn, hàng triệu anh hùng đã ngã xuống, nằm mãi với đất thiêng nơi này.

Những ngôi mộ trải dài
Những ngôi mộ trải dài
 

Tôi lên Trường Sơn vào một ngày tháng Bảy, khi cơn mưa mùa hạ lất phất những hạt vô chừng. Gặp ông Nguyễn Bá Anh, Phó Ban Quản Lý Nghĩa trang Trường Sơn khi ông đang làm nghi lễ dâng hương cho một đoàn khách. Cũng từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, ông Anh làm công việc này thầm lặng suốt 30 năm qua, như một nghĩa cử ân tình để tri ân và tưởng nhớ đến đồng đội.

 

Ông Anh cho biết: nghĩa trang Trường Sơn hiện là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Nằm án ngữ trên 5 quả đồi, khu nghĩa trang chia thành 5 khu vực tương ứng với quê quán của các liệt sĩ. Mỗi khu vực lại có nhà tưởng niệm phảng phất hình ảnh quen thuộc của từng vùng quê trên dải đất hình chữ S.
 
Viếng mộ người thân
Viếng mộ người thân

 

Với những ai lần đầu đến đây, bạn sẽ được chỉ dẫn để thắp hương từ khu vực nào trước, tựa như một lễ nghi cần thiết khi vào viếng liệt sĩ. Đến viếng các liệt sĩ qua từng khu vực, bạn có cảm giác như mỗi nén nhang trên tay tựa như thắp ấm cho người thân thuộc ở dưới... Tôi cảm nhận được sự linh thiêng của nơi này qua từng ngọn cỏ xanh ươm, từng bông sứ trắng thoảng hương nồng nàn.

 

Tháng Bảy, nghĩa trang ấm lên bởi những nén nhang tri ân tưởng nhớ của bao người, đặc biệt là từ lớp trẻ. Từng đoàn thanh niên của xã, địa phương khắp mọi nơi lên viếng các anh hùng liệt sĩ như một nghĩa cử cao đẹp, một hình ảnh và thời khắc để thế hệ trẻ kịp nhìn lại mình. Và cũng để hiểu rõ thêm rằng thật may mắn biết bao khi ta được sinh ra và được sống trong hòa bình. Để từ đó càng trân trọng, biết ơn các bậc cha anh nằm lại nơi đây, biết ơn bao người đã mất đi phần xương máu, hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng mình để đưa bạn và tôi chạm tay được tới hòa bình.

 

Bạn tôi không có người thân ở nơi này, cậu của bạn cũng là liệt sĩ nhưng vẫn đang nằm ở đâu đó trong lòng đất lạnh mà gia đình bạn vẫn đang khắc khoải tìm kiếm. Bạn bảo rằng, biết đâu trong vô vàn những ngôi mộ mang tên chung là vô danh đó, có cậu của bạn. Thế nên hàng năm cứ độ này và cả dịp Tết, ngày giỗ cậu, bạn đều lên nghĩa trang Trường Sơn thắp nhang cho hết thảy những người chú, người bác, người anh ở đây.

 

Cuốn sổ Tưởng niệm ngày càng dày lên, tôi đã đọc chừng ấy cảm xúc cũng là chừng ấy những nghẹn ngào, thổn thức của bao người đến viếng. Mỗi năm, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đón chừng 80 ngàn lượt khách thăm viếng, vào dịp lễ, con số này cao hơn nhiều…

 

Đứng nhìn hàng dương xanh ngát cùng cái hun hút quạnh quẽ của nơi đây, tưởng chừng như cả tuổi xuân xanh đã nhuộm hết màu lên cỏ cây và bầu không khí…. Không chỉ hơn mười ngàn liệt sĩ đã nằm lại ở Trường Sơn mà còn nhiều, rất nhiều những anh hùng, liệt sĩ khác đang nằm tại 71 nghĩa trang còn lại trên quê hương tôi. Và còn bao người vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh…. Bỗng nhiên, lại thấy cần nâng niu hơn từng nắm đất của quê mình.

 
Đài tưởng niệm 
Đài tưởng niệm 
 

Lên Trường Sơn, tôi được nghe nhiều câu chuyện thực hư về sự linh thiêng ở chốn này. Từ một đứa trẻ bán hương dạo, một cô thợ chụp hình lâu năm đến cán bộ quản trang như cô Nguyễn Thị Bé, ai cũng có thể kể vanh vách những chuyện về “mấy anh, mấy chú”.

 

Đó là chuyện báo mộng của liệt sĩ về các đoàn tới thăm, về việc nhắc nhở dọn dẹp nơi này nơi kia… Là chuyện về một người đồng đội đã lâu không lên thăm bạn mình, nên hì hục cả buổi vẫn chẳng thể đốt lửa để thắp nhang mặc dù hôm ấy trời không có gió. Hay chuyện thi thoảng họ nghe được tiếng hát, tiếng hành quân đâu đó vọng lại…

 

Chẳng ai có thể hình dung và  lý giải rõ ràng những câu chuyện thực hư mang màu sắc linh thiêng ấy. Có điều, đến nơi này, ắt hẳn bạn sẽ có nhiều cảm xúc như tôi.

 
Hàng dương xanh ngát ở nghĩa trang Trường Sơn 
Hàng dương xanh ngát ở nghĩa trang Trường Sơn 
 
Chiều về, nghe tiếng lục lạc đung đưa của chú trâu nhà ai được thả nhởn nhơ trên Trường Sơn, thấy được cả rừng cao su đang mùa thay lá... Mới hay, sự sống vẫn đang tiếp diễn và dâng trào. Bất chợt giữa khung cảnh này, lại nhớ bài thơ Đồng đội ơi của Nguyễn Giang:

 

Tôi gọi mãi sao đồng đội không thưa

Mà mưa cứ rơi gió cứ  gào cứ thét

Mà cứ thẳng hàng ngang hàng dọc

Hết giặc rồi sao không dậy mà  vui?

 

Tôi gọi mãi không ai trả lời

Lạnh trắng một màu cắt da cắt thịt

Tổ quốc sum vầy các anh đâu hết

Cứ vô tình hay rong hay chơi….

 

                                                                                                             Diệu Ái