Bạn đọc viết

Xin tiền trả nợ ăn nhậu!

Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương vừa có tờ trình "xin hỗ trợ bổ sung" kinh phí tiếp khách khiến dư luận ngỡ ngàng.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Tờ trình do ông Bùi Hữu Uyển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy kí, nêu rõ: "Thời gian vừa qua, do đột xuất có nhiều tỉnh đến thăm, trao đổi kinh nghiệm với Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương (như: Hậu Giang, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Quảng Ninh và một số vụ của Ủy ban kiểm tra trung ương…) mặc dù đã cố gắng tiết kiệm để trang trải chi phí, nhưng do quá nhiều đoàn đến thăm vào một khoảng thời gian ngắn nên đơn vị không có đủ kinh phí đón tiếp, hiện nay Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương còn nợ số tiền là 310 triệu (ba trăm mười triệu) mà không có nguồn để chi trả.

Để có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy kính đề nghị Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương xem xét, hỗ trợ cấp bổ sung kinh phí giúp UBKT hoàn thành nhiệm vụ."[1]

Bỏ qua một bên cái sự lủng củng văn phong của tờ trình, điều mà dư luận ngỡ ngàng đến bức xúc ở đây là chuyện tiếp khách mà nói theo ngôn ngữ bình dân là "ăn nhậu" của UBKT tỉnh ủy.

Theo tờ trình, chỉ trong "một khoảng thời gian ngắn" UBKT tỉnh ủy đã tiếp đón ít nhất là mười đoàn (9 tỉnh và các vụ của UBKT trung ương). Số tiền nợ xin cấp bổ sung là 310 triệu, vị chi việc "đón tiếp" mỗi đoàn tốn 31 triệu. Đấy là số tiền phải trả sau khi UBKT tỉnh đã "đã cố gắng tiết kiệm để trang trải".

Những đoàn khách mà UBKT tỉnh ủy đón tiếp đến Hải Dương để làm gì? Thì để "thăm, trao đổi kinh nghiệm" như chính tờ trình đã nêu. Về chuyện "học hỏi trao đổi kinh nghiệm" này, bạn đọc có nickname Cai Vung bày tỏ quan điểm của mình:"Tôi quá rành chi tiếp khách lý do là các nơi đến học tập kinh nghiệm, cũng có gặp nhau sơ sơ vậy nhưng chủ yếu là nâng ly, nâng nhiều tập. Nếu có như vậy thì địa phương được khen là biết đối ngoại còn tiền dân đóng thuế mặc kệ họ". Còn bạn đọc có nickname Trung nói thẳng: "Gặp ăn nhậu chứ học tập gì".[2]

Đúng là dư luận quá rành cái gọi là "học tập kinh nghiệm" kiểu như thế này; không chỉ trong nước mà ngay cả những đoàn đi nước ngoài cũng thế, thực chất học thì ít hoặc việc học chỉ là tấm bình phong để hợp thức hóa cho những cuộc du lịch, giao lưu trá hình. Dân gian có câu: "Có đi có lại mới toại lòng nhau", lần này tôi đến học anh, lần sau đến lượt anh học tôi. Cứ xoay vòng như thế, với hàng chục cơ quan đồng cấp với nhau trong cả nước thì đúng là "học" suốt đời. Và "tiền chùa" cứ thế mặc sức xài.

Nói tiếp khách nhưng thời buổi này khách nào chịu ngồi ở văn phòng mà "học" với trà nước? Ngồi ở đó chỉ có "thăm" thôi, tức là hỏi dăm câu ba chữ rồi kéo nhau ra nhà hàng sang trọng, lúc đó chủ và khách mới có điều kiện "trao đổi kinh nghiệm" một cách sâu sắc sau mỗi lần giơ lên đặt xuống "trăm phần trăm".

Câu chuyện "xin" tiền trả nợ tiếp khách của UBKT tỉnh ủy Hải Dương khiến dư luận không thể không liên tưởng tới một vụ việc gây ồn ào khác gần đây cũng liên quan đến chuyện "ăn nhậu". Đấy là chuyện "cả xã vỡ nợ vì cán bộ... đi hát suốt" xảy ra tại xã Đồng Thái, Ba Vì, TP. Hà Nội hồi giữa tháng bảy vừa qua. Lãnh đạo xã này còn chịu chơi đến mức chi luôn 150 triệu đồng “Đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Cửa Lò, Nghệ An”.[3] Dư luận biết tỏng, họ đi Đồ Sơn, Cửa Lò "nghiên cứu thực tế" gì rồi.

Xót xa tiền thuế của dân đang bị chi sai mục đích mà vẫn "đúng qui trình". Cán bộ ăn nhậu xả láng, ngân sách phải è cổ mà chi trả. Bao giờ nghịch lí này chấm dứt?

Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1,2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160909/xin-ho-tro-310-trieu-dong-vi-tiep-khach-nhieu/1168959.html

[3].http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/ca-xa-vo-no-vi-can-bo-di-hat-suot-37981.html