Xe máy nói xe máy phải, ôtô kêu ôtô không sai...

(Dân trí) - Mấy ngày qua tôi có theo dõi tình hình giao thông, nào là phân làn xe, rồi là tranh cãi phương tiện này là nguyên nhân gây gùn tắc, rồi giải pháp hạn chế xe máy, ôtô... Tóm lại người sử dụng phương tiện nào thì nói phương tiện khác là nguyên nhân...

Bài Phỏng vấn một chiếc xe máy với cách đặt câu hỏi dí dỏm của tác giả Tuấn Anh đã nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút bạn đọc cùng đưa ra ý kiến xoay quanh cho chủ đề đang khá là “nóng” này.
 
Bên cạnh ý kiến của bạn đọc trên nêu một thực tế mà chúng tôi cũng nhận thấy quả thật là luôn tồn tại trong ý thức của nhiều người dân: đó là lỗi luôn của ai đó, không thể là của mình (?!), cũng còn nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh việc "tìm thủ phạm" gây "tội giao thông". 
 
Hanh - Nữ - 28 tuổi - Từ Hà Nội bức xúc: “Bà con bây giờ đi xe ý thức kém lắm. Có ai chịu nhường ai đâu, bên thì đèn còn đỏ đã vội chạy, bên kia đèn vàng rồi mà có ai chịu dừng xe ngay đâu (cả ô tô và xe máy, đặc biệt mấy anh xe buýt hình như coi đó là đặc quyền của mình). Đi đến đoạn đường bị ùn xe có ai chịu đứng chờ đúng làn đường đâu và như vậy là kẹt thôi. Nếu ý thức của người tham gia giao thông tốt thì cùng lắm cũng chỉ là ùn xe chút thôi”.
 
Phản biện lại những ý kiến cho rằng xe máy là nguyên nhân chính gây tắc đường, Namkt - Nữ - 28 tuổi - Từ Hà Nội lý giải: "Bảo tắc đường là do xe máy vượt lên cả vỉa hè nên cấm xe máy? Chẳng qua ô tô không vọt lên được vỉa hè để đi thôi, chứ vọt lên được thì đã vọt từ lâu rồi. Vậy cấm phương tiện nào thì đúng đây?"
 
PhongTran - Nam - 38 tuổi - Từ Hà Nội chỉ rõ: “Kẹt xe là do phân luồng chưa hợp lý. Nhiều con đường bé tí mà phân tới 3 luồng, đường dành cho xe máy thì quá hẹp và thường có xe 4 bánh đậu, hỏi sao xe máy không lấn tuyến và gây ra tình trạng ùn tắc giao thông...”

 

Bui Thi Cuc - Nam - 31 tuổi - Từ Nghệ An phân tích: “Sao tắc đường lại đổ lỗi cho ôtô hay xe máy? Ôtô hay xe máy có phải tự nhiên mà ra đường đâu các bạn? Đây là câu trả lời của tôi: tại người tham gia giao thông, cơ sở hạ tầng cũng chỉ là yếu tố phụ, người tham gia giao thông mới là nguyên nhân chính, các bạn thấy có đúng không?”

 

Cùng quan điểm, Anh Tuấn - Nam - 17 tuổi - Từ Hà Nội so sánh: “Tôi thấy đã là phương tiện tham gia giao thông thì đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc đường. Nhưng bên cạnh đó thì phải kể đến ý thức tham gia của người dân, đô thị hóa đường sá, tiết diện mặt đường, làn đường của Việt Nam quá nhỏ.

 

Nhìn các nước phát triển tỉ lệ tham gia giao thông nhiều hơn Việt Nam rất nhiều và trải đều các tỉnh thành trong cả nước. Còn ở Việt Nam thì chủ yếu là 2 TP lớn HN và TPHCM. Đi HN và TPHCM toàn thấy đèn xanh đèn đỏ thôi, cứ vài trăm mét lại có cái đèn xanh, đèn đỏ vừa đi vừa dừng cảm thấy rất mệt mỏi. Ở nước ngoài tín hiệu giao thông này rất ít, mà họ chủ yếu là ô tô, 1 chiếc ô tô của họ lớn bằng 3-4 chiếc xe máy của mình vậy mà giao thông của họ tương đối thông suốt, nguy cơ tai nạn ít hơn.

 

Theo tôi, nguyên nhân chính là:

 

1 Đường nhỏ hẹp.
2. Vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ để xe, quán nhậu, người đi bộ còn phải "lấn chiếm" làn đường, huống gì các phương tiện khác.
3. Ý thức người tham gia giao thông quá kém, luôn muốn mình “nhanh hơn” người khác trong mọi trường hợp.
Mong các ban ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình giao thông hiện nay và trong tương lai gần”.

 

Kate - Nữ - 14 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng ý thức vẫn là nguyên nhân chủ yếu: “Tắc đường là do ý thức người tham gia giao thông kém! Ô tô hay xe máy chỉ là phương tiện do người kém ý thức điều khiển nên mới gây ách tắc. Cứ hơi đông đông một tý là dân tình nháo nhào phi lên, chen cả sang phần đường ngược chiều thì làm sao mà chả không tắc. Người tham gia giao thông cần phải biết kiên nhẫn dừng xe đúng làn đường qui định, thà dừng xe 5 phút đợi còn hơn là cố chen sang làn đường ngược chiều rồi đợi cả tiếng đồng hồ.

 

Quỳnh Anh - Nam - 27 tuổi - Từ Vĩnh Phúc nhìn từ cả 2 phía: “Khi đi xe máy bạn cảm thấy bực mình với mấy hàng xe hơi dàn ra và khi trên xe hơi bạn cảm thấy bức bối trước cảnh len lấn của xe máy. Nói chung khi ra đường bạn chẳng thấy ai lưu thông cùng chiều hay ngược chiều là đáng thân thiện cả. Tôi dám chắc người khác cũng nhìn bạn với con mắt như vậy. Vậy thì nguyên do đâu? Đất nước phát triển cần tăng cường giao thông (cả về số lượng, chất lương và tốc độ). Kinh tế đi lên giúp người ta sắm sanh được những phương tiện giao thông thỏa mãn cao hơn những nhu cầu về giao thông của người dân. Chẳng ai với tư cách người tham gia giao thông có tội. Lỗi là ở bộ máy chịu trách nhiệm về cái nhu cầu đi lại (sinh sống) của xã hội: đường không đủ và kém chất lượng, luật chưa nghiêm lâu ngày thành nhờn. Đừng đổ cho dân trí thấp. Ý thức của người dân chỉ có thể được nâng cao dần dần khi họ thấy nhu cầu chính đáng của họ sẽ được đáp ứng (sẽ có đường cho họ đi) và không là kẻ chịu thiệt thòi nếu nhường đường cho người khác. Hãy cung cấp đủ đường cho dân và thật nghiêm chỉnh, thật đầy đủ tư cách trong điều hành giao thông...”

 

Phan minh nguyên - Nam - 24 tuổi - Từ Hà Nội trăn trở: “Cứ bảo là cấm phương tiện cá nhân nhưng phương tiện công cộng có đủ đâu? Có đi xe buýt thi nguy hiểm đủ thứ, nào móc túi, cướp giật, lạm dụng, bị đánh khi phát hiện nó ăn cắp của mình..."

 

Nhan - Nữ - 21 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng:  “Theo tôi là bởi các lý do sau: 1. Do ý thức người tham gia giao thông; 2. Cơ sở hạ tầng kém; 3. Luật chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe. Phản đối cấm xe máy. Thay vào đó, nên mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là nên mở rộng các con đường như: Đê La Thành, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh…”

 

Trần mạnh Tuấn - Nam - 30 tuổi - Từ Hải Dương nêu giải pháp “Nên thí điểm từng tuyến phố cấm hết cả ô tô và xe máy, chỉ dành cho xe buýt đi vào tuyến phố đó. Rồi dần dần ta nhân rộng ra. Tôi thấy thỉnh thoảng có đoàn đại biểu nước ngoài sang chúng ta vẫn cấm đường phân làn mà vẫn ổn đó thôi. Đã cấm là phải triệt để, không thể để nói “nhà em ở ngay đây cho em đi nhờ 1 đoạn”, và chỉ ưu tiên cho xe buýt đi vào. Người dân sẽ dần quen với việc đi xe buýt. Không làm được cứ cấm, mãi rồi cũng quen hết. Thông báo trước bằng biển chỉ dẫn ở đầu tuyến phố trước 1 tuần. Dân mình lúc đầu hay kêu sau rồi sẽ quen.

 

Tran Chung - Nam - 16 tuổi - Từ Thừa Thiên - Huế hiến kế: “Thực ra muốn biết rõ hay không phải thử. Đề nghị 1 tuần cấm ô tô, rồi 1 tuần cấm xe máy. Theo tôi, cần có chứng cứ chứ không phải là đoán, suy diễn rồi lại có thể là "tiền mất, tật mang"...

 

Nguyễn Tấn Trường Hải - Nữ - 21 tuổi - Từ Hà Nội “Kiến nghị cấm xe gắn máy là không hiệu quả. Tại sao không mở rộng đường, xây dựng thêm đường trên cao, xây đựng tuyến tàu điện trên cao… Nếu không tự thực hiện được thì mời các nhà thầu nước ngoài vào khai thác...”  

 

Tuanthanh - Nam - 38 tuổi - Từ Hà Nội - “Đường nhỏ thì chỉ phù hợp với các phương tiện giao thông nhỏ: đi bộ, xe đạp, xe máy. Đường to thì được thiết kế cho xe lớn, tốc độ cao: từ 4 chỗ trở lên... Nếu đường chưa to mà nhét xe lớn vô thì tắc là đương nhiên”

 

Nguy - Nam - 53 tuổi - Từ Hà Nội nêu rõ: “Giải pháp chống ách tắc tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là:

 

1. Cấm triệt để xe máy;

2. Phạt nặng đối với người điều khiển ô tô vi phạm luật;

3. Phát triển phương tiện giao thông công cộng;

4. Khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện.
 
Cấm xe máy tuy hơi cực đoan nhưng là việc cực chẳng đã phải làm bởi lẽ: xe máy là nguyên nhân chính của tai nạn, của chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, là mất vệ sinh môi trường, là gây ùn tắc do luồn lách, tiện đâu đỗ đó... và xa hơn là phương tiện gây mất trật tự trị an đường phố. Đành rằng cấm xe máy cũng gây nhiều khó khăn cho những người lao động - những người có thu nhập thấp... Tuy nhiên nếu nghĩ đến lợi ích chung, toàn cục, tôi cho rằng chắc chắn đại bộ phận người dân đô thị sẽ ủng hộ.
 
Về việc này, nhiều bạn đọc cũng đề nghị chính quyền Hà Nội, chính quyền TPHCM nên tổ chức trưng cầu dân ý (không áp dụng cho những người không có hộ khẩu, khách vãng lai, dân ngụ cư). Biện pháp tuyên truyền, giáo dục tuy vẫn cần nhưng hiện nay tác dụng rất hạn chế vì người dân đã hình thành thói quen khó sửa, thậm chí có  những biểu hiện "nhờn luật".
 
Trong cuộc sống, ai cũng phải hiểu và tôn trọng pháp luật. Vì vậy, vấn đề ở đây là chúng ta cần có chế tài đủ mạnh mới mong muốn thực hiện được những việc cần làm mà cụ thể ở đây là trong việc lập lại trật tự giao thông.
 

Trần Bách