Phiếm đàm

Xăng giả, “chả hiểu tại sao”

(Dân trí) - Từ chuyên xăng giả, có ba cái dân “chả hiểu tại sao”?

Xăng giả, “chả hiểu tại sao” - 1

Khu xăng dầu nơi được cho là trung tâm pha chế xăng giả của ông Trịnh Sướng (thuộc huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh nhỏ: Ông Trịnh Sướng. Ảnh: TRẦN VŨ - NAM GIAO

Trong nhiều năm, xe máy, xe ô tô tự bốc cháy xẩy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh từ Nam ra Bắc, lại xẩy ra liên tiếp đến mức mọi người còn nhớ chiều 9/12-2011, chiếc xe máy Honda Air Blade mang BKS 90H8 – 7458 tự bốc cháy khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) thì chỉ 4 ngày sau, trưa 12/12-2011 một chiếc xe máy Honda khác lại bốc cháy trên đường Kim Mã (Hà Nội).

Các nhà quản lý và các nhà khoa học nước ta tổ chức nhiều hội thảo truy tìm nguyên nhân. Người bảo do không bảo dưỡng định kỳ; Người bảo do chuột cắn dây điện; Người bảo là do nội thất xe lắp thêm các thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất; Người bảo do bình chữa cháy mi ni trong xe. Thậm chí có người bảo do để bật lửa trong xe… cuối cùng đi đến thống nhất nguyên nhân cháy xe là do lửa gặp xăng.

Kết luận đó đúng quá, có xăng lại có lửa là xe tất nhiên phải cháy, ai cãi được. Vì thế sau kết luận “khoa học” này, mọi người  an tâm rời chân khỏi các cuộc hội thảo ra về và xe ô tô, xe máy vẫn tiếp tục tự bốc cháy, cho mãi đến vừa qua Bộ Công an điều tra ra chuyện ông Trịnh Sướng ở Đăk Nông làm xăng giả từ chất tạo cháy pha vào để kích thích lượng xăng dầu của gây cháy, từ đó mới sáng tỏ nguyên nhân tình trạng ô tô, xe máy đang đi tự nhiên bốc cháy dồn dập không phải như trước đây do các nhà quản lý, các nhà khoa học nói trên phân tích rồi kết luận.

Từ chuyện đó, có ba cái dân “chả hiểu tại sao”?

Cái “chả hiểu tại sao” thứ nhất là vụ sản xuất xăng giả này đã diễn ra nhiều năm, có nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan, phạm vi cung cấp xăng giả rất rộng bao gồm các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và đã lan ra một số địa phương phía Bắc. Theo luật thì Bộ KHCN chịu trách nhiệm quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng xăng dầu, dung môi pha chế, còn Tổng cục quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương thì có trách nhiệm kiểm tra chất lượng xăng dầu trên thị trường. Vậy quản lý thế nào mà hai bộ nói trên để nhiều năm nay không phát hiện ra xăng giả.

Cái “chả hiểu tại sao” thứ 2 là nước ta có khoảng 13.617 người có trình độ tiến sĩ trong đó  Bộ Công thương xếp thứ 4 trong cả nước về số lượng tiến sĩ. Còn xét về tỉ lệ tiến sĩ, Bộ Khoa học Công nghệ chỉ xếp sau có Bộ GD-ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Y tế. Tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học Nhiều tiến sĩ thế mà sao không tiến sĩ nào  nghiên cứu truy tìm ra được xe tự bốc cháy nhiều năm là do xăng giả.   

Và các nhà quản lý, các nhà khoa học nói trên không ai đứng ra chịu trách nhiệm gì trước Nhà nước và nhân dân trong vụ xăng giả này, đó là cái “chả hiểu tại sao” thứ 3.

Mong có câu trả lời để một số đại biểu Quốc hội trong nghị trường và nhiều người dân ngoài đời không còn “chả hiểu tại sao?” nữa.

Nguyễn Đoàn